TRANH CỦA ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH
2.3.3.3. Hiện trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch
triển du lịch
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn gắn liền với nhau như một cặp phạm trù trong xây dựng và phát triển văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa luôn thể hiện sức sống của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và nếu di sản chỉ được bảo tồn mà không khai thác thì sẽ không phát huy được những giá trị ẩn chứa trong di sản và rồi thời gian sẽ làm giá trị di sản phai mờ và nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Chỉ khi giá trị các di sản được phát huy thì mới có cơ sở và điều kiện để bảo tồn chính những di sản ấy. Bảo tồn là căn bản, làm cơ sở cho sáng tạo, phục vụ phát huy và ngược lại phát huy giúp cho bảo tồn di sản văn hóa được tốt hơn, có hiệu quả hơn. Vì vậy, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, để bảo tồn không cản trở sự phát triển, trái lại còn tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Phát triển du lịch là cách tiếp cận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bởi du lịch sẽ tạo ra cơ hội để có thêm nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, đồng thời những giá trị di sản sẽ được phát huy có hiệu quả hơn khi nhận thức và sự trân trọng của du khách đối với các giá trị di sản được nâng lên qua những trải nghiệm mà du khách có được sau chuyến du lịch. Hơn thế nữa mức độ “phát huy” các giá trị di sản văn hóa sẽ còn được nhân lên khi chính du khách là người “tuyên truyền” cho bạn bè, người thân về những giá trị này. Kinh nghiệm ở Trung Quốc, Singapore và nhiều nước châu Âu cho thấy, nếu biết cách khai thác giá trị của di sản văn hóa qua du lịch thì sẽ không chỉ đem lại lợi
ích kinh tế vô cùng to lớn, mà qua đó còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Là quốc gia có số lượng di sản văn hóa nhiều vào bậc nhất thế giới, Trung Quốc đã biết khai thác các giá trị di sản văn hóa của 56 dân tộc cho phát triển du lịch. Hình thức phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được Nhà nước đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện. Đất nước Singapore cũng khai thác thế mạnh từ nền văn hóa đa dân tộc để tạo thành từng khu di sản, như trung tâm di sản Trung Hoa, trung tâm di sản Malay, v.v.. Mỗi điểm đến du lịch di sản có cách phát huy khác nhau, ví dụ, tại trung tâm di sản Malay ngoài việc khám phá giá trị văn hóa của người Hồi giáo như kiến trúc, sinh hoạt, … du khách còn được thưởng thức các món ăn, âm nhạc truyền thống, và trải nghiệm tại các làng nghề.
Nhận thức được mối quan hệ tương hỗ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, ngày từ năm 1996, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với tỉnh Yên Bái thực hiện đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu khai thác hợp lý tiềm năng hồ Thác Bà”. Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học để khai thác tổng hợp tiềm năng hồ Thác Bà, trong đó có tiềm năng về du lịch, đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa vùng hồ để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, và phát triển du lịch nói riêng.
Bằng sự nỗ lực của địa phương và với sự hỗ trợ của trung ương, thời gian qua hoạt động du lịch gắn với phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng hồ Thác Bà đã có những khởi sắc với việc hình thành một số tour du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa như đền Mẫu, động Cô Tiên (hang Tỉnh ủy), v.v. Đặc biệt là tour tham quan trải nghiệm các giá trị văn hóa của đồng bào Dao quần trắng tại thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình) đã thu hút được hàng trăm đoàn khách thăm quan, chủ yếu đến từ các nước Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển, Úc và Việt kiều.
Trong năm 2011, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công lễ hội “Âm vang hồ Thác Bà” nhằm quảng bá những giá trị đặc sắc của vùng hồ tới du khách trong nước và quốc tế, đồng thời mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch. Rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng hồ được giới thiệu như: lễ dâng hương đền Mẫu; trình diễn
trang phục các dân tộc; phiên chợ quê của đồng bào dân tộc; thi các môn thao dân tộc truyền thống (kéo co, đẩy gậy, chọi gà, đánh yến, đua thuyền, chọi trâu)… Lễ hội đã khơi dậy lòng tự hào của cộng đồng các dân tộc sống trong vùng hồ Thác Bà về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cũng như trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc đó.
Mặc dù các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng đã có sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng hồ Thác Bà nói riêng, tuy nhiên dường như địa phương vẫn còn lúng túng bởi chưa có được tổ chức quản lý và cơ chế vận hành phù hợp. Chính vì vậy việc quản lý di tích danh thắng và khai thác tiềm năng văn hóa cho phát triển du lịch còn gặp không ít khó khăn và đi liền với nó là sự xuống cấp theo thời gian của các di tích lịch sử văn hóa, sự mai một của các di sản phi vật thể.