Nguyên tắc thẩm quyền bổ sung

Một phần của tài liệu luận văn thẩm quyền của tòa án hình sự quốc tế và vấn đề gia nhập của việt nam (Trang 66)

6. Kết cấu của Luận án

3.1.1. Nguyên tắc thẩm quyền bổ sung

Không giống như các Tòa án Ad hoc do HĐBA-LHQ thành lập, TAHSQT được hình thành trong một bối cảnh quốc tế mới, trong đó sự bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia luôn được coi trọng. Hơn nữa, TAHSQT được thành lập trên cơ sở một điều ước quốc tế, do vậy Tòa án phải vừa đảm bảo việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia, vừa không làm ảnh hưởng đến mục đích trừng phạt tội phạm.

Giải pháp được các quốc gia đưa ra và nhận được sự đồng thuận cao tại thời điểm thành lập là TAHSQT sẽ bổ sung cho tòa án quốc gia. Do vậy, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung trước hết để miêu tả mối quan hệ giữa TAHSQT và các tòa án quốc gia, và được xem như một sự thỏa hiệp cho các quốc gia lo sợ sự hạn chế chủ quyền của họ khi tham gia Quy chế Rôm. Sau đó, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung được hình thành nhằm khuyến khích sự tham gia của các cơ quan tư pháp quốc gia và hài hòa pháp luật trong nước, mặc dù điều này không được đề cập trực tiếp trong Quy chế Rôm [97].

Thẩm phán TAHSQT - Hans Peter Kaul đã giải thích về mối quan hệ giữa TAHSQT và các tòa án quốc gia như sau: “TAHSQT không phải là một tòa án siêu quốc gia để có thể áp đặt quyết định của mình lên các quốc gia thành viên. TAHSQT cũng không có chức năng như một tòa phúc thẩm để xem xét lại các phán quyết của tòa án quốc gia. Hơn nữa, TAHSQT không có

67

thẩm quyền yêu cầu những vụ việc liên quan đến tội phạm diệt chủng, chống nhân loại và tội phạm chiến tranh, mà đã được điều tra, truy tố bởi các tòa án quốc gia chuyển cho TAHSQT…do vậy, TAHSQT không có thẩm quyền song song và không cùng cấp độ với các tòa án quốc gia” [71].

3.1.1.1. Nội dung nguyên tắc thẩm quyền bổ sung trong Quy chế Rôm

Nguyên tắc thẩm quyền bổ sung được đề cập ngay tại Lời nói đầu và điều 1 của Quy chế Rôm. Điều 1 quy định: “TAHSQT được thành lập theo Quy chế Rôm này là sự bổ sung cho quyền tài phán hình sự quốc gia”. Mặc dù không được định nghĩa một cách rõ ràng trong Quy chế Rôm, nội dung của nguyên tắc thẩm quyền bổ sung có thể được hiểu thông qua quy định của Điều 17 của Quy chế: “Căn cứ quy định tại đoạn 10 Lời nói đầu và Điều 1, Tòa án quyết định không thụ lý vụ việc nếu: Vụ việc đã được một quốc gia có quyền tài phán điều tra hoặc truy tố, trừ khi quốc gia đó không muốn hoặc không đủ khả năng tiến hành điều tra hoặc truy tố một cách thực sự”.

Trên cơ sở Điều 17, Quy chế Rôm viện dẫn đến nguyên tắc thẩm quyền bổ sung bằng cách dự liệu những trường hợp để tòa án không được thụ lý một vụ việc. Do vậy, những trường hợp nằm ngoài quy định tại điều 17, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và trở thành những vụ việc thuộc thẩm quyền của TAHSQT, trên cơ sở thực hiện nguyên tắc thẩm quyền bổ sung.

Những quy định chi tiết tại Điều 17 như: “quốc gia không muốn hoặc không đủ khả năng để tiến hành điều tra thực sự”, “mức độ nghiêm trọng”, “hệ thống tư pháp quốc gia bị sụp đổ hoàn toàn hay phần lớn hoặc không có hệ thống tư pháp”, “bao che cá nhân”, “sự trì hoãn vô lý” trên thực tế đã gây ra một số bất đồng vì sự khó hiểu, mơ hồ và chưa rõ ràng của các quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của TAHSQT, các quy định này đã được giải thích và áp dụng thông qua các kết luận, tài liệu xét xử và đặc biệt trong các bản án của Tòa án. Theo đó, “không sẵn sàng” bao gồm ba trường hợp: (i)

68

việc truy tố của tòa án quốc gia nhằm “che chắn một người” không phải đối mặt với công lý, (ii) là “chậm trễ một cách phi lý”, hoặc (iii) thủ tục tố tụng thiếu độc lập hay vô tư, “không phù hợp với mục đích đưa những người có liên quan ra trước công lý”. Trong các bản dự thảo Quy chế Rôm, Điều 17 (2) (a) đề cập đến tiêu chí “không sẵn sàng” chủ yếu để loại trừ khả năng hoạt động xét xử giả tạo nhằm che chắn thủ phạm khỏi bị kết án [83].

Quy định “không có khả năng” được viện dẫn khi tòa án quốc gia thiếu năng lực để tiến hành khởi tố vụ án, được xác định dựa trên ba yếu tố: yếu tố thứ nhất là liệu có tồn tại “sự sụp đổ toàn bộ, hoặc một phần hoặc không tồn tại” của tòa án quốc gia, yếu tố thứ hai là liệu quốc gia “không thể có được bằng chứng cáo buộc hay lời khai cần thiết”, và yếu tố thứ ba là việc tòa án quốc gia “không thể thực hiện thủ tục tố tụng”. Ví dụ điển hình cho trường hợp này được đặt ra trong bối cảnh hình thành Tòa Ruanđa, khi các cơ quan tư pháp tại Ruanđa được xác định đã bị tàn phá, thiếu các nguồn lực để có thể tiến hành truy tố hiệu quả, trường hợp của Somalia cũng tương tự như tại Ruanđa [84].

Những căn cứ để xác định các quốc gia “không muốn” hoặc “không có khả năng”, có thể dựa vào những yếu tố như: khung pháp luật của các quốc gia (các quy định về tội phạm, thẩm quyền, vấn đề tố tụng); mức độ độc lập trên thực tế và theo pháp luật của các cơ quan tư pháp, các công tố viên, điều tra viên; vấn đề ưu đãi và miễn trừ của các quan chức nhà nước; việc cấp ân xá, chế độ tha bổng, vấn đề thi hành án; chế độ pháp lý về việc dẫn độ, tị nạn; chế độ pháp lý liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng, quyền lợi của bị cáo; điều kiện bảo đảm an ninh cho người làm chứng và điều tra viên.

Để xác định “mục đích che chắn”, có thể căn cứ vào những yếu tố như lời khai của một người trong “nội bộ”; các bằng chứng che chắn chứa trong tài liệu, bao gồm cả văn bản pháp luật, các lệnh, lệnh ân xá, các tài liệu hướng

69

dẫn và thư từ; bằng chứng của việc che chắn cũng có thể tìm kiếm thông qua các nhân vật giữ vai trò quan trọng trong một quốc gia. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố như sự chậm trễ, thiếu công bằng, việc không hành động để ngăn chặn các tội phạm cũng sẽ giúp xác định “mục đích che chắn” trong hoạt động tố tụng của các quốc gia.

Những vấn đề liên quan đến “sự chậm trễ” cũng sẽ được xác định khi xuất hiện sự chậm trễ trong các giai đoạn khác nhau của thủ tục tố tụng (điều tra và truy tố), có so sánh đánh giá với các trường hợp tương tự của quốc gia. Trong trường hợp xác định được sự chậm trễ, cần có sự biện minh cho sự chậm trễ đó.

Liên quan yếu tố “sự sụp đổ toàn bộ hoặc đáng kể hoặc không có hệ thống tư pháp”, các vấn đề sẽ được xem xét như: thiếu các nhân sự chủ chốt (thẩm phán, điều tra viên, Công tố viên); thiếu cơ sở hạ tầng tư pháp; sự không đầy đủ của hệ thống pháp luật nội dung và luật tố tụng.

Trên thực tế, việc hiểu thống nhất các quy định trên là trở ngại không chỉ đối với các quốc gia khi quyết định gia nhập Quy chế Rôm mà với ngay cả bản thân Tòa án khi thực hiện thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, các cơ quan của Tòa án đã nỗ lực xây dựng các văn bản giải thích và đang dần hoàn thiện các quy định trong thực tiễn xét xử của mình.

3.1.1.2. Ý nghĩa của nguyên tắc thẩm quyền bổ sung

Việc quy định về nguyên tắc thẩm quyền bổ sung được xem như một trong những thành công quan trọng của Quy chế Rôm về TAHSQT. Sau hội nghị Rôm, rất nhiều học giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thẩm quyền bổ sung, coi đó như hòn đá tảng, đặc trưng chính và then chốt của TAHSQT. Trong báo cáo của Trưởng công tố Ocampo ngày 14/9/2006 về định hướng hoạt động của Công tố viên, đã nhấn mạnh rằng: “Tòa án dựa trên nguyên lý bổ sung đảm bảo các nguyên tắc pháp quyền quốc tế bằng cách tạo ra một hệ

70

thống tư pháp độc lập, hỗ trợ lẫn nhau”.

Ý nghĩa của nguyên tắc thẩm quyền bổ sung của TAHSQT được thể hiện ở nhiều điểm.

Thứ nhất, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung là giải pháp tối ưu để giải quyết mối lo ngại xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của một thiết chế tài phán quốc tế, qua đó thúc đẩy các quốc gia trở thành thành viên của Quy chế Rôm. Hơn nữa, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung được hình thành cũng góp phần khyến khích các quốc gia đã là thành viên chủ động thực hiện thẩm quyền của mình trong việc truy tố, xét xử các tội phạm được nêu trong Quy chế Rôm [101]. Đây chính là sự thể hiện của việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, trong trường hợp này là tôn trọng quyền ưu tiên của tòa án các quốc gia trong việc truy tố, xét xử tội phạm [112].

Thứ hai, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng không bị trừng phạt. Cụ thể, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung đảm bảo rằng trong trường hợp thẩm quyền xét xử các tội phạm quốc tế của quốc gia không được thực hiện, những tội phạm nghiêm trọng này vẫn có thể bị xét xử, trừng phạt bởi TAHSQT [94; 597].

Thứ ba, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung là giải pháp tối ưu cho tình trạng quá tải của các thiết chế tài phán quốc tế. Tất cả các thiết chế tài phán hình sự quốc tế, bao gồm cả TAHSQT đều phải đối mặt với một thách thức chung đó là sự hạn chế về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất và tài chính. Việc thừa nhận cho tòa án của các quốc gia thẩm quyền ưu tiên trong xét xử các tội phạm quốc tế nghiêm trọng nhất có thể coi là một giải pháp tránh cho các thiết chế này sự quá tải và thiếu hụt về các nguồn lực.

Cuối cùng, nguyên tắc thẩm quyền bổ sung cũng có thể được coi là một biện pháp nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự hiệu quả của công lý. Về nguyên tắc, các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm sẽ phải hiệu quả hơn

71

nếu được thực hiện bởi các cơ quan tư pháp của quốc gia bởi các tội phạm đó diễn ra trên chính lãnh thổ các quốc gia, những người phạm tội, nạn nhân, nhân chứng, chứng cứ thường diện diện, tồn tại trên lãnh thổ quốc gia. Bản thân việc thi hành bản án sau này cũng chỉ có thể thực hiện hiệu quả trên lãnh thổ quốc gia. Do vậy, phương án tối ưu nhất là thẩm quyền xét xử các tội phạm này sẽ phải ưu tiên thực hiện ở cấp độ quốc gia. Chỉ trong trường hợp các quốc gia không muốn hoặc không thể thực hiện thẩm quyền này, lúc đó mới có sự can thiệp của TAHSQT trên cơ sở nguyên tắc thẩm quyền bổ sung [94; 599].

Một phần của tài liệu luận văn thẩm quyền của tòa án hình sự quốc tế và vấn đề gia nhập của việt nam (Trang 66)