Thẩm quyền theo vụ việc (Ad hoc) và thẩm quyền thường trực

Một phần của tài liệu luận văn thẩm quyền của tòa án hình sự quốc tế và vấn đề gia nhập của việt nam (Trang 47)

6. Kết cấu của Luận án

2.2.3.Thẩm quyền theo vụ việc (Ad hoc) và thẩm quyền thường trực

Nếu căn cứ vào tính chất thường trực hay không thường trực, thì thẩm quyền xét xử hình sự quốc tế có thể được phân làm hai loại là thẩm quyền theo vụ việc (Ad hoc) và thẩm quyền thường trực.

Cộng đồng quốc tế luôn mong muốn hình thành một thiết chế xét xử hình sự quốc tế có thẩm quyền thường trực, xuất phát từ những ưu điểm của thiết chế này như:

Thứ nhất, khác với các thiết chế xét xử hình sự quốc tế mang tính chất vụ việc bị hạn chế về thời gian, phạm vi hoạt động và thường chỉ được hình thành sau khi các hành vi tội phạm đã xảy ra, các thiết chế xét xử hình sự quốc tế thường trực được thành lập từ trước, hoạt động không giới hạn về thời gian, có thẩm quyền đối với tất cả các tội phạm được dự liệu trước trong quy chế. Ngoài ra, sự tồn tại của một thiết chế xét xử hình sự quốc tế thường trực còn đảm bảo tính ổn định, nhất quán trong việc áp dụng, giải thích pháp luật hình sự quốc tế, tôn trọng nguyên tắc “không ai bị coi là có tội nếu luật không quy định như vậy” (tiếng La Tinh là nullum crimen sine lege, tiếng Anh là

“no crime without law”) [31; 26].

Thứ hai, xét dưới góc độ uy tín và ảnh hưởng của các thiết chế tài phán, sự ra đời của thiết chế tài phán hình sự quốc tế thường trực sẽ tạo dựng một hình ảnh của một cơ quan tài phán độc lập, có tư cách pháp lý quốc tế ngang bằng với các thiết chế quốc tế khác, khẳng định tính chính đáng về mặt pháp lý trong quan hệ với các quốc gia cũng như đối với xã hội dân sự quốc tế nói chung.

Thứ ba, dưới góc độ tổ chức, tính thường trực đảm bảo cho thiết chế xét xử hình sự quốc tế có một sự ổn định, chặt chẽ và độc lập, là những nhân

48

tố cần thiết cho việc thực thi công lý hiệu quả. Tính độc lập của các thiết chế tài phán thường trực thể hiện ở cả hai phương diện: độc lập với các yếu tố bên ngoài, chủ yếu trong mối quan hệ với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với LHQ; độc lập giữa các cơ quan, bộ phận bên trong của bản thân thiết chế xét xử hình sự quốc tế trong việc thực hiện các chức năng khác nhau về truy tố, điều tra và xét xử.

Trong các thiết chế xét xử hình sự quốc tế cho đến nay, duy nhất có TAHSQT theo Quy chế Rôm là tòa án thường trực, do vậy nó thể hiện đầy đủ và rõ ràng nhất về tính chất độc lập của thẩm quyền của Tòa án. Trước hết, là sự độc lập về thẩm quyền của TAHSQT với tổ chức quốc tế đang tồn tại. Ngay tại lời nói đầu của Quy chế Rôm đã quy định về việc: “…thành lập một Tòa án Hình sự quốc tế thường trực, độc lập trong quan hệ với hệ thống Liên hợp quốc”. Điều 2 của Quy chế đã khẳng định cụ thể hơn: “Tòa án thiết lập quan hệ với Liên hợp quốc trên cơ sở một thỏa thuận được Hội đồng các quốc gia thành viên Quy chế này thông qua và do Chánh án Tòa án đại diện cho Tòa án ký”. Những quy định này tạo cơ sở cho TAHSQT thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử độc lập, không chịu sự tác động của bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào, kể cả với tổ chức quốc tế phổ cập nhất là Liên hợp quốc. Với tư cách và thẩm quyền độc lập, TAHSQT đã tiến hành các hoạt động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt với Liên hợp quốc, thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương. Tiếp theo, sự độc lập giữa các cơ quan thuộc Tòa án với nhau được thể hiện rõ nét trong cơ cấu tổ chức, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Công tố và các Tòa. Theo quy định tại Điều 42, Quy chế Rôm, Văn phòng Công tố hoạt động độc lập như một cơ quan riêng biệt của TAHSQT. Các Công tố viên không được tham gia bất kỳ hoạt động nào mà có thể ảnh hưởng đến chức năng công tố hoặc sự độc lập của họ. Văn phòng Công tố được đặt dưới sự

49

lãnh đạo của Trưởng Công tố, Trưởng Công tố được Hội đồng các quốc gia thành viên bầu bằng bỏ phiếu kín theo đa số tuyệt đối. Những quy định này đã tạo ra những sự khác biệt so với các Tòa Ad hoc Nam Tư cũ và Ruanđa, khi các Công tố viên của hai tòa Ad hoc này do Hội đồng Bảo an lựa chọn.

Sự độc lập của các thẩm phán của TAHSQT được thể hiện rõ nét hơn khi Quy chế Rôm quy định về trình tự bầu cử thẩm phán theo một quy trình nghiêm ngặt. Theo Điều 35, Quy chế Rôm, các thẩm phán sẽ được bầu bằng việc bỏ phiếu kín trong cuộc họp của Hội đồng các quốc gia thành viên. Trong khi thẩm phán của các Tòa Ad hoc Nam Tư cũ và Ruanđa được bầu bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong số những ứng cử viên đã được lựa chọn bởi Hội đồng Bảo an. Điều 40 của Quy chế Rôm đã quy định về sự độc lập của thẩm phán: “1.Các thẩm phán độc lập trong việc thực hiện chức năng của mình…2. Các thẩm phán không tham gia bất kỳ hoạt động nào mà có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng tư pháp hoặc sự độc lập của mình…”. Tính chất độc lập về thẩm quyền của TAHSQT còn được thể hiện trong việc phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của của phân Tòa thuộc TAHSQT như Tòa tiền xét xử, Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm.

Tính chất độc lập về thẩm quyền của TAHSQT cũng là một trong những điểm khác biệt so với các tòa án hình sự quốc tế Ad hoc trước đây. Với các tòa Ad hoc Nam Tư cũ và Ruanđa, sự phụ thuộc hoàn toàn về mặt tổ chức với Liên hợp quốc đã gây ra những mối lo ngại cho cộng đồng quốc tế về khả năng bị chính trị hóa, thiếu sự công bằng, khách quan của các tòa này. TAHSQT có thẩm quyền độc lập đã tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, hạn chế tối đa sự tác động của các yếu tố bên ngoài, giúp Tòa án tăng cường uy tín, năng lực trước cộng đồng quốc tế.

50

Một phần của tài liệu luận văn thẩm quyền của tòa án hình sự quốc tế và vấn đề gia nhập của việt nam (Trang 47)