Các giải pháp đối với nhà quản lý

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ kinh tế lao động PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG TẠO ĐỘNG LỰC LAO ĐỘNG CHO LAO ĐỘNG QUẢN LÝ TẠI CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN KỸ THUẬT MÁY BAY VAECO 33 (Trang 99)

CÁC GIẢI PHÁP NHẰM TẠO ĐỘNG LỰC CHO LAO ĐỘNG QUẢN LÝ TẠI CÔNG TY TNHH

4.2.6.Các giải pháp đối với nhà quản lý

Phía doanh nghiệp đã cung cấp những điều kiện cần thiết để người quản lý thực hiện những công việc của mình, nhưng thực sự để có động lực cao trong công việc thì chính bản thân người quản lý cũng cần phải quan tâm cải thiện hành vi của chính bản thân và có thái độ hợp tác trong công việc. Bởi vì, chính người quản lý là

những người tham gia vào xây dựng nên các chính sách để quản lý nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và các chính sách đó lại có tác động tới chính họ. Bởi vậy, họ cần hiểu mỗi mắt xích trong công việc thuộc quyền họ quản lý, cần biết giao tiếp với cấp dưới, biết thông cảm và hiểu người khác muốn gì, họ phải luôn tự tin trong công việc và trước tập thể. Do đó, người quản lý luôn cần có những khao khát trong công việc để thúc đẩy họ vươn lên và cam kết tự nguyện làm đúng chức trách của bản thân để trở thành những tấm gương sáng trong doanh nghiệp. Để làm được điều đó thì bản thân người quản lý cần quan tâm làm tốt một số khía cạnh sau:

Thứ nhất là, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ

Theo nghiên cứu, có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa trình độ cao với việc tăng động lực làm việc. Với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đòi hỏi người quản lý, đặc biệt cấp lãnh đạo doanh nghiệp là những người “đúng mũi, chịu sào” càng đòi hỏi phải có hiểu biết nhằm phân tích rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức với doanh nghiệp trên thương trường để lập ra những chiến lược kinh doanh đúng hướng. Bởi vậy chính bản thân mỗi nhà quản lý cần nhận biết rõ nhu cầu tự học để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Cần xác định việc trau dồi kiến thức chuyên môn là cần thiết, phải tự giác học tập thông qua các khóa học nâng cao và thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, tham quan các doanh nghiệp hiện đại để nâng cao kiến thức. Hơn nữa, Người quản lý cũng cần phải nâng cao khả năng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh vì ngôn ngữ này rất thông dụng trong kinh doanh quốc tế. Hiểu biết về ngoại ngữ giúp chính bản thân họ có thể tự đọc những sách viết về kinh doanh hiện đại để nâng cao kiến thức. Ngoại ngữ tốt giúp người quản lý có thể tự giao tiếp với bạn hàng quốc tế, có thể đàm phán với đối tác trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lợi ích của hai bên. Ngoại ngữ còn giúp người quản lý hiểu rõ văn hóa của đối tác do đó trong hợp tác kinh doanh sẽ không làm ảnh hưởng đến bản sắc riêng của họ. Hơn nữa, hiểu văn hóa của đối tác còn giúp xác đinh rõ nhu cầu của khách hàng từ đó có thể xác định đúng hướng kinh doanh.

Thứ hai là, nâng cao kỹ năng quản lý cho chính bản thân người quản lý

Việc nâng cao kỹ năng quản lý không chỉ giúp người quản lý cảm thấy tự tin hơn khi đứng trước những công việc mang thức thách lớn mà nó còn giúp cho người quản lý hiểu nhân viên của mình hơn, để từ đó có thể tự hoàn thiện mình thông qua những phản hồi mang tính đóng góp xây dựng của cấp dưới vì thế mà tạo dựng được một môi trường làm việc đầy cởi mở, thỏa mái, giảm stress và giảm căng

thẳng trong công việc. Để làm được điều đó thì người quản lý cần phải làm tốt những khía cạnh sau:

Một là, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề

Điều quan trọng là người quản lý cần biết cách nắm bắt vấn đề ở đâu và tìm ra giải pháp tối ưu cho tình huống. Để giải quyết vấn đề một cách quyết đoán người quản lý có thể tuân theo trình tự sau.

Xác định vấn đề. Người quản lý cần phân biệt rõ thực tế với suy nghĩ, xác định rõ nguyên nhân phát sinh từ đâu, liên quan đến ai trong bộ phận và ở mức độ nào. Để phân tích đúng thực trạng nên khuyến khích mọi người trong bộ phận cởi mở đưa ra thông tin để xác định vấn đề đúng hướng.

Xây dựng các giải pháp. Khuyến khích mọi người liên quan cùng đưa ra ý kiến đóng góp để xây dựng các phương án giải quyết khác nhau. Các phương án đưa ra trên cở sở nhìn nhận ý kiến của tập thể chứ không phải chủ quan của một người. Trong đó cần làm rõ giải pháp nào cho ngắn hạn và giải pháp nào cho dài hạn cũng như làm rõ các điều kiện để giải pháp có thể thực hiện được và chi phí kèm theo.

Đánh giá và lựa chọn giải pháp. Việc đánh giá giải pháp phải dựa trên mục tiêu chung cần đạt được, xem xét giải pháp nào là tối ưu nhất trên cơ sở phân tích những ảnh hưởng chính và phụ khi thực hiện phương án đó mang lại gắn kết với khả năng tài chính doanh nghiệp có thể chi để thực hiện phương án đó. Đồng thời, cần xác định giải pháp thay thế khi không thể thực hiện được giải pháp chính.

Thực hiện giải pháp và theo dõi tiến trình. Giải pháp cần được tiến hành vào những thời điểm thích hợp và gắn với tình hình thực tế. Trong đó, cần làm rõ những tác động khi thực hiện giải pháp, thông tin phản hồi từ cấp dưới về những vấn đề làm tốt và chưa tốt. Đồng thời thiết lập việc quản lý và theo dõi thường xuyên quá trình thực hiện để có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó cần có những đúc rút kinh nghiệp, bài học để nâng cao khả năng nắm bắt và giải quyết các vấn đề khác phát sinh.

Hai là, giao tiếp với cấp dưới theo cách phù hợp.

Quyết định của người quản lý đưa ra có được thực hiện tốt hay không đòi hỏi cần phải có sự hợp tác của những người dưới quyền trong quá trình thực hiện. Cách tiếp cận hợp lý của người cấp trên sẽ làm cho cấp dưới cảm nhận được sự tôn trọng

và do đó sẽ hợp tác thực hiện và đưa ra ý kiến đóng góp để thực nhiệm nhiệm vụ của tập thể tốt hơn. Bởi vậy người quản lý có thể lưu ý một số khía cạnh sau để nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc.

Trong giao tiếp cần xác định rõ vấn đề cần truyển tải để hướng mọi lời nói vào vấn đề cần trao đổi chứ không nói chung chung hay vòng vo mà làm cho cấp dưới khó hiểu hoặc cố tình hiểu sai. Các thông tin đưa ra phải có sự kết nối về nội dung tức là diễn giải các sự kiện theo trình tự để người nghe hiểu. Quá trình giao tiếp không nên đề cập đến vấn đề ảnh hưởng đến điều riêng tư của người nghe. Đồng thời cần hướng người nghe vào các giải pháp cho vấn đề trong đó làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong quá trình thực hiện. Trong quá trình giao tiếp cần phải kiểm soát được lời nói và cử chỉ theo đúng mục tiêu, tránh gây tranh cãi sẽ làm hỏng mục tiêu cần đạt được. Điều quan trọng là người quản lý cần biết lắng nghe cấp dưới nghĩ gì về những thông tin vừa truyền tải và muốn đề xuất vấn đề gì cho tình huống cụ thể tức là giao tiếp phải theo hai chiều chứ không phải theo cách thụ động cấp trên ra lệnh và cấp dưới phải tuân thủ hoàn toàn sẽ làm triệt tiêu động lực trong công việc.

Tóm lại, để tạo động lực làm việc cho chính bản thân thì người quản lý cần phải biết tự nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý để hoàn thiện bản thân mình, để từ đó có thể tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, và thỏa mái giúp cho bản thân người quản lý giảm bớt stress và căng thẳng trong công việc, giúp cho người quản lý hiểu những nhân viên dưới quyền hơn như vậy sẽ truyền thêm cảm hứng cho họ để họ hoàn thành tốt những công việc được giao để từ đó thực hiện những mục tiêu của phòng, của ban và của toàn công ty.

KẾT LUẬN

Tạo động lực cho lao động quản lý là một đòi hỏi tất yếu bởi nó tác động trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Động lực của lao động quản lý là sự khao khát và tự nguyện của bản thân nhằm phát huy mọi nỗ lực để đạt được mục tiêu cá nhân và mục tiêu của doanh nghiệp. Động lực được tạo ra từ sự tác động bởi nhiều nhân tố thuộc chính bản thân người quản lý như mục tiêu cá nhân, nhu cầu, khả năng, đặc điểm nhân khẩu học và các yếu tố môi trường nơi người quản lý thực hiện công việc như bản chất công việc đảm nhận, kỹ thuật và công nghệ sản xuất, điều kiện lao động, chính sách nhân sự, luật pháp, văn hóa dân tộc, v.v. Để tạo động lực cho lao động quản lý cần vận dụng một hệ thống các chính sách, các biện pháp, cách thức quản lý tác động tới nhà quản lý nhằm làm cho họ có động lực trong công việc, thúc đẩy họ hài lòng hơn với công việc và mong muốn được đóng góp cho doanh nghiệp.

Cùng với tiến trình phát triển của VAECO, lực lượng lao động quản lý có vai trò và vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ấy. Nhờ có lao động quản lý, các hoạt động trong công ty mới được giám sát và hoạt động hiệu quả. Do vậy, để đảm bảo các hoạt động của công ty được nâng cao và phát triển bền vững, cần có những biện pháp phù hợp nhằm tạo động lực cho nguồn nhân lực và đội ngũ quản lý.

Qua quá trình thu thập thông tin, tìm hiểu và phân tích về thực trạng động lực và tạo động lực cho lao động quản lý tại VAECO, luận văn đã đi sâu vào nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp cần thiết cho công tác tạo động lực cho lao động quản lý.

Luận văn được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của thầy giáo TS Trương Đức Lực, các đồng nghiệp tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay, tuy nhiên, do tầm nhìn còn hạn chế nên không tránh khỏi những sai sót trong quá trình viết luận văn, rất mong được sự góp ý của thầy cô, đồng nghiệp và các bạn.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ kinh tế lao động PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG TẠO ĐỘNG LỰC LAO ĐỘNG CHO LAO ĐỘNG QUẢN LÝ TẠI CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN KỸ THUẬT MÁY BAY VAECO 33 (Trang 99)