THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH NINH BÌNH
2.1.1 Đặc điểm tự nhiên
Vị trí địa lý:
NB là một tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng Bắc bộ, diện tích đất tự nhiên trên 1376,7 km2. Phía Bắc giáp tỉnh Nam Định và Hà Nam, phía Đông Nam giáp biển Đông, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Tây và phía Đông Bắc giáp tỉnh Hoà Bình. Nằm trên tuyến đường giao thông xuyên Bắc – Nam, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km, ngoài quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, NB còn có hệ thống cảng biển, đường sông, đường biển thuận lợi, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác, phát triển toàn diện với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
Địa hình:
Được phân ra làm 3 vùng rõ rệt: vùng đồi núi; vùng đồng bằng; vùng ven biển. + Vùng đồi núi: Nằm ở phía Tây và Tây Nam, gồm: phía Tây huyện Gia Viễn; Tây Nam các huyện Nho Quan, Hoa Lư, Yên Mô. Diện tích khoảng 35.000ha, chiếm 24,7% diện tích tự nhiên của tỉnh.
+ Vùng ven biển: Gồm 4 xã ven biển của huyện Kim Sơn, diện tích khoảng 6.000ha, chiếm 4,2% diện tích tự nhiên của tỉnh.
+ Vùng đồng bằng: Diện tích khoảng 101.000ha, chiếm 71,1% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Dãy núi đá vôi ở phía Tây của tỉnh NB chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bắt nguồn từ vùng rừng núi Hoà Bình chạy ra biển tạo thành vùng phù sa cổ ven chân núi. Do quá trình tạo sơn hơn 200 triệu năm về trước, dãy núi này có
nhiều hang động đẹp như: Bích Động, Tam Cốc, Địch Lộng, Xuyên Thuỷ Động, Bàn Long, Hoa Sơn… Tiếp đó là vùng đồng chiêm trũng ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, khi biển bồi trong điều kiện kín sóng, lại bị núi đồi, bao bọc che chở, nên không đủ phù sa bồi đắp tạo nên vùng sâu trũng này. Biển bồi dần tạo nên vùng đồng bằng ven biển nam Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Với bờ biển dài trên 15 km, Kim Sơn là nơi có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, gồm: phát triển nuôi, trồng, đánh bắt thủy sản; phát triển công nghiệp đóng tàu; vận tải biển... Tại vùng ven biển, có nhiều loài thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá thu, cá mực...
NB có hệ thống nước mặt khá dày trải đều cả 3 vùng với nhiều con sông lớn như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bến Đang, sông Vạc, sông Càn v.v. Bên cạnh đó còn phải kể đến hệ thống các hồ có trữ lượng nước lớn như các hồ Yên Quang, Đồng Thái, Đá Lải, Đồng Chương, Yên Thắng. Ngoài ra, nước khoáng ở Kênh Gà (huyện Gia Viễn) và Cúc Phương (huyện Nho Quan) có trữ lượng lớn, hàm lượng Magiê - Carbonát và các khoáng chất cao; có tác dụng chữa bệnh, sản xuất nước giải khát và phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Khí hậu:
Là một tỉnh phía Bắc có khí hậu nhiệt đới, gió mùa, với nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,20C; có chế độ mưa được chia làm 2 mùa rõ rệt (mùa mưa diễn ra vào mùa hạ tập trung đến trên 85% lượng mưa trong năm, mùa khô lượng mưa thấp chiếm khoảng 15%) với lượng mưa trung bình năm trên 1.800 mm, phân bố không đều trong năm nhưng phân bố khá đều trên toàn bộ diện tích. Khí hậu khá thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp đa dạng.
Tài nguyên thiên nhiên:
+ Tài nguyên đất: Đất đai đa dạng: đất phù sa, đất đỏ, đất mặn, đất xám bạc màu, đất thung lũng dốc tụ, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hải sản và phát triển đô thị. Đất phù sa được bồi và đất phù sa không được bồi (thuộc vùng đồng bằng ven biển) tạo điều kiện cho nuôi trồng thuỷ sản và cây công nghiệp; đất phù sa cũ, chua, nghèo… (tập trung ở vùng đồng bằng trũng)
thích ứng cho thâm canh lúa, hoa màu; đất feranít (vùng nửa đồi núi) thích hợp phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu. NB có diện tích đất nông nghiệp chiếm 69,6% (khoảng 96,7 nghìn ha), đất nông nghiệp tương đối màu mỡ do phù sa bồi lắng; đất phi nông nghiệp chiếm 21,9% có khả năng mở rộng từ quỹ đất chưa sử dụng và chuyển đổi từ nông nghiệp sang. Hàng năm, diện tích đất còn được bổ sung do quai đê lấn biển, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất các ngành kinh tế.
+ Tài nguyên khoáng sản: NB có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là đá vôi. Tỉnh có nhiều núi đá vôi với diện tích 1,2 vạn ha, trữ lượng hàng chục tỷ mét khối và hàng chục triệu tấn đôlômít, chất lượng tốt. Đây là nguồn nguyên liệu lớn cho sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và một số hoá chất. Ngoài ra, NB còn có đất sét, phân bố rải rác ở các vùng núi thấp thuộc thị xã Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Yên Mô, dùng để sản xuất gạch ngói và là nguyên liệu cho ngành đúc. Than bùn có trữ lượng 2 triệu tấn/năm, phân bố ở Gia Sơn, Sơn Hà (Nho Quan) dùng để sản xuất phân vi sinh.
+ Tài nguyên rừng : Tổng diện tích đất lâm nghiệp có 32.700 ha, chiếm 21,4% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh và được quy hoạch; đất có rừng phòng hộ là 16.500 ha, rừng đặc dụng 14.300 ha và rừng sản xuất (kinh tế và cây ăn quả) là 1.900 ha.
Diện tích rừng hiện có là 14.368 ha (chiếm 45% diện tích đất lâm nghiệp). Trong đó, rừng tự nhiên có 11.392 ha với tổng trữ lượng gỗ ước khoảng 1,1 triệu m3, đây là rừng nguyên sinh trong phạm vi Vườn Quốc gia Cúc Phương được bảo vệ. Còn lại là diện tích rừng trồng chủ yếu thuộc đối tượng rừng phòng hộ mới trồng.
+ Tài nguyên du lịch: Rất đặc sắc và đa dạng với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp, đa dạng như Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu hang động Tam Cốc – Bích Động, khu Địch Lộng, Vân Long, Cố đô Hoa Lư, quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Non Nước, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn… Ngoài ra NB còn có hàng chục làng nghề truyền thống (làng nghề chạm khắc đá, làng nghề thêu ren, làng nghề mây tre đan, làng nghề cói v.v) tạo điều kiện cho NB phát triển những tuyến du lịch hấp dẫn, đưa tỉnh trở thành địa bàn du lịch quan trọng của
vùng Bắc Bộ và cả nước.