Các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Hoàn thiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Ninh Bình (Trang 26)

CƠ SỞ LÝ LUẬN, SỰ CẦN THIẾT PHẢI ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

1.2 Các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tùy theo tiêu chí phân loại, có thể phân thành các hình thức đào tạo nghề sau: -Theo phương thức đào tạo:

Dạy nghề: là truyền bá những kiến thức về lý thuyết và thực hành để người học có trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH. Dạy nghề là phương thức đào tạo quy mô lớn những công nhân kỹ thuật có trình độ cao, thời gian đào tạo tập trung từ hai đến bốn năm. Được tổ chức tại các tổ chức chuyên nghiệp có:

Hệ thống cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề. Đội ngũ giáo viên đủ khả năng chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy. Chương trình dạy được biên soạn thống nhất.

Phương thức này có ưu điểm: Chương trình học được xây dựng một cách có hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết đến thực hành, do đó học viên nắm được kiến thức cơ bản và kỹ năng nghiệp vụ một cách nhanh chóng và dễ dàng. Khi ra trường, học viên có thể chủ động giải quyết công việc, có khả năng đảm nhận công việc tương đối phức tạp, có trình độ lành nghề cao.

Tuy nhiên do yêu cầu về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy nên chi phí đào tạo khá lớn, mặt khác thời gian đào tạo dài, gây khó khăn trong việc thu hút người lao động nông thôn tham gia học nghề.

Truyền nghề: Là truyền bá kỹ năng thực hành để người lao động nông thôn có được trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự khéo léo, thành thục nhất định về nghề nghiệp. Đây là phương thức đào tạo được áp dụng trong từng cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các gia đình làm nghề thủ công truyền thống. Vì được đào tạo các nghề chuyên sâu tại nơi người học sẽ làm việc, nên nội dung đào tạo của truyền nghề rất sát với môi trường và tính chất nghề mà người lao động hoạt động. Tuy nhiên phương thức này diễn ra với quy mô nhỏ, người dạy nghề không chuyên nên thiếu kinh nghiệm. Đôi khi người học còn bắt chước cả những kỹ năng không hợp lý của người hướng dẫn. Hình thức này chỉ thích hợp với những công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

-Theo mức độ truyền bá kiến thức nghề:

Đào tạo nghề mới: Là đào tạo những người chưa có nghề. Đào tạo mới nhằm tăng thêm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho xã hội. Đào tạo mới có thể thực hiện ở các cơ sở dạy nghề chuyên hoặc trong từng cơ sơ sản xuất kinh doanh.

Đào tạo lại: Là đào tạo với những người có nghề nhưng do yêu cầu mới của sản xuất và tiến bộ kỹ thuật dẫn đến việc thay đổi cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn, nên cần đào tạo lại cho phù hợp với cơ cấu ngành nghề và trình dộ mới, đáp ứng yêu cầu công việc. Đào tạo lại giúp người lao động có cơ hội học tập một lĩnh vực chuyên môn mới để thay đổi nghề, nên thường được thực hiện ở cơ sở đào tạo chuyên.

Bồi dưỡng nâng cao tay nghề: Là quá trình cập nhật kiến thức còn thiếu, bổ túc nghề, đào tạo thêm hoặc củng cố các kỹ năng nghề nghiệp theo từng chuyên

môn. Hình thức này cũng thường được thực hiện ở cơ sở đào tạo chuyên.

- Theo thời gian đào tạo nghề và các kểt quá người học đạt được: Có cao đẳng nghề, trung cấp nghề, bồi dưỡng nghề. Tương ứng với các cấp độ của dạy nghề đó, học viên có bằng: cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ nghề.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Hoàn thiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Ninh Bình (Trang 26)