7. Cấu trúc của khóa luận
3.2.1.5. Chính sách về nhà ở cho người lao động
Hà Nam hiện nay có phần lớn là lao động tại địa phương, tuy nhiên trong thời gian tới khi cả 8 KCN đi vào hoạt động, nhu cầu về lao động sẽ ngày càng tăng, khi đó một lượng lao động nhập cư sẽ tăng lên đáng kể, nhu cầu về nhà ở cho cả lao động nhập cư và cả lao động địa phương muốn ở gần KCN. Chính vì vậy, Hà Nam cần có những bước chuẩn bị trước để vấn đề nhà ở cho người lao động không trở nên nghiêm trọng như tại một số tỉnh của Việt Nam hiện nay như: Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…
Hộp 3.1: Thực trạng nhà ở cho công nhân
Theo số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2011cả nước hiện có trên 260 KCN, có khoảng 1.6 triệu lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% công nhân có chỗ ở ổn định và khoảng 80% đang phải đi thuê nhà với mức giá từ 150.000 – 200.000 đồng/người/tháng với điều kiện ăn ở rất kém và chi phí sinh hoạt cao.
Với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn, công nhân lao động rất thiếu cơ hội, điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, học tập và giao lưu tình cảm. Đặc biệt, tại các KCN động lao động nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức quan tâm thỏa đáng.
Trong thời gian tới, Hà Nam nên có những chính sách nhà ở phù hợp cho công nhân, mà trước hết là cần tính tới yếu tố % diện tích đất để làm nhà ở cho công nhân trong các quy hoạch KCN. Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng thiếu hụt nhà ở cho công nhân KCN là thiếu đất “sạch” vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN thì chủ đầu tư và cơ quan thẩm định đã không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở. Thêm vào đó, các chính sách đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong KCN chưa được coi trọng. Các chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân lại chưa đủ sức thu hút. Mặt khác, Hà Nam cũng chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.
Chính vì vậy, để tháo gỡ những vướng mặc trên, Hà Nam cần có chính sách và hướng dẫn ưu tiên cho các dự án xây dựng nhà ở công nhân, cần xây dựng cơ chế để có sự tham gia của cả các doanh nghiệp cũng với sự điều tiết, quản lý điều hành của chính quyền địa phương trong việc phát triển nhà ở cho công nhân. Bên cạnh việc xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, Hà Nam cũng cần có kế hoạch đảm bảo các nhu cầu phát sinh như: nhà trẻ, trạm y tế…để đảm bảo nhu cầu tối thiểu cũng như an sinh xã hội cho người lao động. Nên lồng ghép việc xây dựng nhà trẻ, cơ sở y tế ngay trong chính khuôn viên nhà ở cho người công nhân để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm sóc cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại…người lao động nhờ đó có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và đóng góp cho sự phát triển nói chung.