Vào sổ thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 48 - 49)

Theo quy định của BLTTDS và Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/08/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của BLTTDS [36] thì việc kiểm tra tính hợp lệ đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị là thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ nhận hồ sơ vụ án từ Tòa án cấp sơ thẩm chuyển lên và vào sổ thụ lý vụ án. BLTTDS không quy định Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra các điều kiện thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự như vụ án dân sự có thuộc thẩm quyền phúc thẩm của Tòa án không? việc kháng cáo, kháng nghị có hợp lệ không? (kiểm tra chủ thể kháng cáo, kháng nghị; đối tượng kháng cáo, kháng

nghị; thời hạn kháng cáo, kháng nghị; phạm vi kháng cáo, kháng nghị; hình thức kháng cáo, kháng nghị), người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm chưa v.v… trước khi vào sổ thụ lý vụ án. Tuy nhiên, để tạo cơ sở giải quyết vụ án được đúng đắn, chính xác trước khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý cần phải kiểm tra các điều kiện này. Nếu xét thấy đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành vào sổ thụ lý.

Sổ thụ lý là một loại văn bản lưu trữ của Tòa án, trong đó thể hiện việc Tòa án ghi nhận một vụ việc phát sinh mà Tòa án sẽ tiến hành giải quyết. Sổ thụ lý có các nội dung như: Số thụ lý, ngày, tháng thụ lý, tên đương sự kháng cáo hoặc VKS kháng nghị, bản án số, ngày, tháng của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị... Cách ghi sổ thụ lý và quản lý sổ do TANDTC hướng dẫn áp dụng thống nhất cho các Tòa án trong cả nước. Việc vào sổ thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự khẳng định trách nhiệm của Tòa án cấp phúc thẩm trong việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị. Trên cơ sở của việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo như thông báo việc thụ lý phúc thẩm vụ án cho VKS, các đương sự có liên quan, nghiên cứu hồ sơ vụ án v.v... để giải quyết kháng cáo, kháng nghị.

Như vậy, để thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự Tòa án cấp phúc thẩm phải tiến hành một số các công việc nhất định theo trình tự pháp luật quy định.

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 48 - 49)