HÀNH VỀ THỤ LÝ PHÚC THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ 2.1.1 Điều kiện thụ lý phúc thẩm

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 41 - 47)

2.1.1. Điều kiện thụ lý phúc thẩm

Để tiến hành thụ lý phúc thẩm vụ án trước hết Tòa án cần tiến hành kiểm tra về thẩm quyền thụ lý nhằm xem xét vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không. Theo quy định tại Điều 20, Điều 24, Điều 28, Điều 30 Luật Tổ chức TAND năm 2002 [16] và Điều 242 BLTTDS thì Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án dân sự bao gồm:

- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Tòa án cấp tỉnh) có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Về dân sự, thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho các tòa chuyên trách của TAND cấp tỉnh. Cụ thể, tòa dân sự, tòa kinh tế, tòa lao động có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.

- Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng. Về dân sự, thẩm quyền xét xử phúc thẩm của TANDTC được giao cho tòa phúc thẩm. Tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án

mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Hiện nay, ở nước ta có ba tòa phúc thẩm thuộc TANDTC đặt trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, nếu bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Tòa cấp huyện bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì TAND cấp tỉnh (cụ thể là tòa dân sự, tòa kinh tế, tòa lao động) sẽ thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự; nếu bản án, quyết định dân sự sơ thẩm của Tòa cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì tòa phúc thẩm TANDTC sẽ thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự. Pháp luật quy định thẩm quyền thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự như vậy là để bảo đảm tính thống nhất, tránh sự chồng chéo trong việc thụ lý giải quyết các vụ án dân sự của các Tòa án nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

* Kiểm tra đối tượng kháng cáo, kháng nghị

Theo quy định tại Điều 242 BLTTDS thì đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự là bản án, quyết định dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Trong quá trình tiến hành tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền ra một trong các văn bản: trả lại đơn khởi kiện; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, bản án sơ thẩm... Tuy nhiên, chỉ có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mới được coi là đối tượng kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra xem việc kháng cáo, kháng nghị có đúng đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật hay không?

* Kiểm tra người có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm dân sự

Điều 243 BLTTDS quy định đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

- Đương sự có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã tham gia tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm vụ án dân sự. Tuy nhiên, Mục 1 Phần I Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP [36] có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu đối với mỗi đương sự khi thực hiện quyền kháng cáo phúc thẩm, theo đó:

+ Đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi TTDS có thể tự mình làm đơn kháng cáo; đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình là đương sự trong vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo (trừ kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về ly hôn).

+ Đương sự là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo.

- Người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo gồm có người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật là người thay mặt cho đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự mà mình đại diện nên đương nhiên họ có quyền kháng cáo. Người đại diện theo ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự mà mình đại diện trong phạm vi ủy quyền nên người đại diện theo ủy quyền chỉ được kháng cáo khi đương sự, người đại diện theo pháp luật ủy quyền kháng cáo. Tuy nhiên, Điều 243 BLTTDS quy định người đại diện có quyền kháng cáo phúc thẩm dễ dẫn đến cách hiểu là đương nhiên người đại diện theo ủy quyền có quyền kháng cáo. Do vậy, pháp luật cần quy định cụ thể hơn trường hợp này.

- Cơ quan, tổ chức đã khởi kiện không phải với tư cách là người đại diện theo pháp luật trong TTDS để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác

theo quy định của pháp luật cũng có quyền kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án dân sự. Người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo.

Theo quy định tại Điều 250 BLTTDS thì người có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp.

Như vậy, trong quá trình giải quyết phúc thẩm vụ án dân sự, Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra lại người kháng cáo, kháng nghị có quyền được kháng cáo, kháng nghị hay không? Tuy nhiên, BLTTDS chưa quy định trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện ra kháng cáo, kháng nghị là của người không có quyền kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm phải giải quyết như thế nào?

* Kiểm tra phạm vi kháng cáo, kháng nghị

Để tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, quyền kháng nghị của VKS cũng như đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử thì người có quyền kháng cáo, kháng nghị chỉ có quyền kháng cáo, kháng nghị về những vấn đề mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử. Những vấn đề mới, chưa được xem xét, giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì không được kháng cáo, kháng nghị. Do đó, khi kiểm tra phạm vi kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định người có quyền kháng cáo, kháng nghị có kháng cáo, kháng nghị đúng những phần của bản án, quyết định sơ thẩm hay không? Nếu người có quyền kháng cáo, kháng nghị có kháng cáo, kháng nghị về những vấn đề chưa được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm mà phát hiện kháng cáo, kháng nghị về những vấn đề chưa được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết như thế nào thì BLTTDS chưa có quy định.

* Kiểm tra hình thức đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị

Theo Điều 244, 252 BLTTDS, việc kháng cáo phải thực hiện bằng một đơn kháng cáo, kháng nghị phải thực hiện bằng một quyết định kháng nghị.

Đơn kháng cáo có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Tên, địa chỉ người kháng cáo; Nội dung đơn kháng cáo; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Đương sự có thể gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ mới bổ sung cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Quyết định kháng nghị có các nội dung chính sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị, số của quyết định kháng nghị; Tên của VKS ra quyết định kháng nghị; Nội dung, lý do kháng nghị; Họ tên người ký quyết định kháng nghị.

Vì vậy, khi nghiên cứu đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra xem đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị có đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hay không? Nếu sau khi thụ lý, Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện ra đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị không tuân thủ theo hình thức pháp luật quy định thì Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu họ sửa đổi, bổ sung hay giải quyết cụ thể thế nào thì hiện nay BLTTDS chưa quy định về vấn đề này.

* Kiểm tra thời hạn kháng cáo, kháng nghị

Điều 245 BLTTDS quy định thời hạn kháng cáo như sau: đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết; đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định (Điều 252 BLTTDS).

Ngoài ra, Mục 3 Phần I Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn cụ thể về thời điểm bắt đầu, kết thúc của thời hạn kháng cáo, kháng nghị, cụ thể:

Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Tòa án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên tòa sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm.

- Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Tòa án tuyên án, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên tòa sơ thẩm.

- Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.

+ Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành tại phiên tòa sơ thẩm và hội đồng xét xử giao ngay quyết định này cùng ngày cho đương sự có mặt tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa (nếu có), thì ngày được xác định là ngày ban hành quyết định đó. Nếu ngày giao quyết định không cùng với ngày ban hành quyết định, thì ngày được xác định là ngày giao quyết định cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.

+ Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc tại phiên tòa sơ thẩm mà đương sự vắng mặt, thì ngày được xác định đối

với đương sự là ngày quyết định đó được giao hoặc được niêm yết; đối với Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.

- Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó [36].

Như vậy, khi nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải một lần nữa xét xem kháng cáo, kháng nghị đó có quá thời hạn theo quy định của pháp luật hay không? Tuy nhiên, BLTTDS chưa quy định nếu phát hiện kháng cáo, kháng nghị đã hết thời hạn thì Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết như thế nào?

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)