Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 49 - 54)

Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi tố tụng theo quy định của pháp luật. Pháp luật TTDS không đưa ra khái niệm thế nào là thời hạn CBXXPT vụ án dân sự nhưng căn cứ vào Điều 157 BLTTDS thì thời hạn

CBXXPT vụ án dân sự là một khoảng thời gian xác định từ thời điểm Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành thụ lý vụ án đến thời điểm Tòa án mở phiên tòa để xét xử một vụ án dân sự theo trình tự phúc thẩm vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Theo quy định tại Điều 258 BLTTDS thì thời hạn CBXXPT vụ án dân sự là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây:

- Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; - Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; - Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì khi thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm còn lại không quá năm ngày, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể ra được một trong các quyết định trên thì cần phải báo ngay với Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm nhưng không được quá một tháng.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì "Những vụ án có tính chất phức tạp" hoặc "trở ngại khách quan" được hiểu như sau:

"Những vụ án có tính chất phức tạp" là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian ủy thác cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài... Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải

chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả ủy thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

"Trở ngại khách quan" là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho Tòa án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn qui định [35, tr. 12].

Ngoài ra, khoản 2 Điều 258 BLTTDS quy định thời hạn Tòa án cấp phúc thẩm phải mở phiên tòa phúc thẩm là một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần II của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì:

"Lý do chính đáng" được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người thay thế; vụ án có tính chất phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Tòa án khác nhau, nên không còn đủ thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Tòa án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái thẩm phán từ Tòa án khác đến... nên cản trở Tòa án tiến hành phiên tòa trong thời hạn quy định [35, tr. 13]. Theo các quy định nêu trên thì thời hạn để quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm được quy định theo hướng mở, bình thường tối đa không được quá hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Pháp luật TTDS không quy định thời hạn tối thiểu để quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ở mức tối đa. Vì vậy, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa qua xem

xét có thể tiến hành quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa ngay sau khi thụ lý một ngày, một tuần, một tháng đều được coi là đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tiễn nhiều vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, nhiều đương sự, nhiều tài liệu chứng cứ mâu thuẫn cần có thời gian xác minh hoặc chờ đợi kết quả xác minh và cần có thời gian nghiên cứu pháp luật cũng như phân tích, đánh giá chứng cứ hoặc thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ốm đau chưa có người thay thế v.v... thì phải kéo dài thời hạn CBXXPT. Thẩm quyền kéo dài thời hạn CBXXPT pháp luật quy định là của Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm.

Ngoài ra, trong trường hợp vụ án dân sự bị tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Trường hợp vụ án được tiếp tục giải quyết thì thời hạn CBXXPT bắt đầu tính lại, kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.

Như vậy, pháp luật TTDS quy định tương đối rõ ràng về thời hạn CBXXPT. Tuy nhiên, đối với các vụ án phải thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự để tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, việc cấp, tống đạt tiến hành theo quy định tại Điều 14 Luật tương trợ tư pháp [20] và Điều 12, Điều 14, Điều 17 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC [1]. Theo đó, thời hạn tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử như sau:

- Mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp do Tòa án gửi đến, Bộ tư pháp vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển hồ sơ cho Bộ ngoại giao trong trường hợp hồ sơ hợp lệ.

- Năm ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định để Bộ Ngoại giao chuyển hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Năm ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định để cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai thực hiện ủy thác tư pháp.

- Ba mươi ngày để cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài niêm yết quyết định cho người được tống đạt đến nhận hồ sơ (trong trường hợp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể thực hiện được việc tống đạt).

- Năm ngày làm việc kể từ ngày thực hiện xong việc ủy thác tư pháp để cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, gửi biên bản tống đạt hồ sơ ủy thác tư pháp cùng tài liệu chứng cứ về Bộ ngoại giao

- Năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về để Bộ ngoại giao chuyển văn bản đó cho Bộ Tư pháp để chuyển cho Tòa án.

Ngoài ra, trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác của cơ quan có thẩm quyền trong nước mà cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thể thực hiện ủy thác cho công dân Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không có thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc không trả lời đề nghị của Việt Nam về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới có trách nhiệm thông báo về Bộ ngoại giao để Bộ tư pháp thông báo cho Tòa án.

Như vậy, nếu cộng tất cả các thời hạn trên, chưa kể thời gian vận chuyển cơ học, thì thời hạn để thực hiện việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đã là trên hai tháng. Với các quy định về thời hạn như trên, trong một số trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm không thể thực hiện được việc mở phiên tòa phúc thẩm theo đúng thời hạn pháp luật quy định. Do đó, đối với những vụ án cần ủy thác tư pháp để tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thời hạn kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đến khi mở phiên tòa phúc thẩm cần được kéo dài hơn để đảm bảo mở phiên tòa đúng thời hạn pháp luật quy định cũng như đảm bảo sự đồng bộ với quy định Luật Tương trợ tư pháp.

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 49 - 54)