Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự là việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tạm ngừng các hoạt động tố tụng khi có những căn cứ do pháp luật quy định và khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.
Căn cứ, thẩm quyền, hậu quả pháp lý của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Tòa án cấp phúc thẩm giống ở cấp sơ thẩm. Cụ thể:
* Căn cứ tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm
Theo quy định tại Điều 259 BLTTDS thì các căn cứ quy định tại Điều 189 BLTTDS được áp dụng cho việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Đó là: Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan tổ chức đã sáp nhập, chia tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó; một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật; chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế; cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án, các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.
Để giúp cho vụ án được giải quyết chính xác, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã bổ sung căn cứ tạm đình chỉ: "Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết" [21].
* Thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm
Thẩm phán là người được phân công phụ trách vụ án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Điều 259, 194 BLTTDS).
* Hiệu lực của quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm
Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm có giá trị chung thẩm, có hiệu lực pháp luật ngay. Các đương sự không có quyền kháng cáo, VKS không có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
* Hậu quả pháp lý
Khi có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thì hoạt động tố tụng của tòa án tạm thời bị ngừng lại. Sau khi có quyết định, tòa án không xóa sổ thụ lý đối với vụ án mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số, ngày tháng năm của quyết định tạm đình chỉ. Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục giải quyết vụ án dân sự bị tạm đình chỉ khi lý do tạm đình chỉ không còn.