pháp luật không đầy đủ, mâu thuẫn
Thứ nhất, việc lập Hội đồng xét xử và phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giữa các Tòa án cũng không giống nhau.
Theo Khoản 2 Điều 257 BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm hoặc Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa. Điều luật này không quy định cụ thể thủ tục thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa. Từ đó, dẫn đến tình trạng có Tòa án thì thực hiện việc thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa thông qua việc ra quyết định thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm, có Tòa án thì Chánh án chỉ viết lên bìa hồ sơ, có Tòa án thành lập thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa theo Hội đồng xét xử phúc thẩm được bố trí trước theo tổ, nhóm đã được thành lập từ trước, thậm chí có Tòa án chỉ thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa bằng lời nói. Hơn nữa, thời gian thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa cũng không thống nhất, có Tòa án việc thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa được thực hiện ngay sau khi thụ lý vụ án, có Tòa án thì đến khi ra quyết định đưa vụ án xét xử mới thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công Chủ tọa phiên tòa.
Thứ hai, thủ tục thực hiện việc thông báo thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự giữa các Tòa án không thống nhất.
Trước đây BLTTDS không quy định việc thông báo thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự. Hiện nay, Khoản 1 Điều 257 BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Khoản 38 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS quy định: Trong thời
hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Việc Tòa án cấp phúc thẩm phải ra thông báo thụ lý phúc thẩm vụ án là rất cần thiết vì nó giúp các đương sự biết được thời điểm vụ án đã được cấp phúc thẩm chấp nhận giải quyết để chuẩn bị tham gia tố tụng, giúp VKS cùng cấp nắm bắt được những vụ án mà Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý để tiện theo dõi, kiểm sát các hoạt động tố tụng ở Tòa án cấp phúc thẩm. Tuy vậy, thực tế thực hiện quy định này của các Tòa án cấp phúc thẩm hiện nay còn không thống nhất. Có Tòa án trong thời hạn 3 ngày làm việc ra "Thông báo về việc thụ lý vụ án" và gửi qua đường bưu điện cho đương sự nên thường 7 đến 10 ngày sau đương sự mới nhận được và thắc mắc tại sao Tòa án lại làm sai luật như vậy, thậm chí làm đơn khiếu nại, cho rằng Thẩm phán không vô tư khách quan, trình độ năng lực kém nên đã không làm đúng luật. Có Tòa án để tránh việc đương sự khiếu nại đã phân công cán bộ trực tiếp đi giao "Thông báo về việc thụ lý vụ án" cho đương sự trong thời hạn 3 ngày. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể đáp ứng đối với đơn vị có lượng án phải giải quyết ít, số lượng đương sự ít và khoảng cách từ Tòa án đến địa chỉ của đương sự không xa còn với các trường hợp khác thì không thể thực hiện được.