Theo thống kê, số lượng các vụ án dân sự mà ngành Tòa án phải giải quyết ngày càng tăng, trong khi đó nhiều địa phương rất thiếu Thẩm phán do
thiếu nguồn bổ nhiệm, do nghỉ hưu trí, một số ít chuyển công tác theo yêu cầu quy hoạch cán bộ ở địa phương hoặc theo nhu cầu, sở thích cá nhân hoặc do sức ép công việc nên không có sức hấp dẫn đối với các cử nhân luật. Mặt khác, các tranh chấp dân sự phải giải quyết những năm gần đây ngày càng có nhiều vụ phức tạp, có giá trị lớn, việc đánh giá chứng cứ, xác định các tình tiết để giải quyết rất khó nên đã dẫn tới những sai sót về nghiệp vụ. Việc giải quyết nhiều vụ án giữa các cấp Tòa án chưa thống nhất nhiều vụ án bị sửa hủy lại nhiều lần gây tâm lý rất e ngại cho các Thẩm phán trong quá trình giải quyết do sợ án hủy nhiều, khó được tái bổ nhiệm. Thực tế, số lượng các Thẩm phán hết nhiệm kỳ nhưng chưa được tái bổ nhiệm do phải giải trình các vụ án bị hủy trong nhiệm kỳ công tác cũng chiếm một số lượng không ít. Điều đó đã tạo áp lực công việc rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các Thẩm phán. Chính vì thế, nhiều Thẩm phán không muốn giải quyết án dân sự, tìm cách đùn đẩy dẫn đến có hồ sơ vụ án bị kéo dài do bị chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.
Trình độ Thẩm phán cũng là một vấn đề cần xem xét lại. Vẫn còn tình trạng có những Thẩm phán được bổ nhiệm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Một số Thẩm phán thiếu trách nhiệm trong công tác, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án dẫn đến những sai lầm trong việc xác định người tham gia tố tụng như: bỏ sót người tham gia tố tụng, đưa người không liên quan đến vụ án vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cũng có Thẩm phán thiếu kỹ năng xét xử phúc thẩm, không nắm vững yêu cầu xét xử phúc thẩm, tính chất của phúc thẩm là xét xử lại vụ án trong phạm vi nội dung kháng cáo, kháng nghị nên không ít trường hợp đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án như khi xét xử sơ thẩm. Khi xét xử, không tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến kháng cáo, kháng nghị mà xem xét lại tất cả các vấn đề của vụ án. Cá biệt có trường hợp không xem xét hết nội dung kháng cáo, kháng nghị. Điều đó vừa làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài và không đúng pháp luật.