Xây dựng hồ sơ phúc thẩm

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 62 - 63)

Trong quá trình CBXXPT, nếu qua nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị và hồ sơ vụ án thấy cần thiết phải có các tài liệu, chứng cứ làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án để giải quyết kháng cáo, kháng nghị thì Thẩm phán có quyền yêu cầu đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ vì nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự và cũng là biện pháp tốt nhất để đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Tòa án chỉ hỗ trợ đương sự chứng minh trong trường hợp họ không thể thực hiện được nghĩa vụ chứng minh họ hoặc trong trường hợp xét thấy cần thiết nhằm bảo

đảm cho việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự được nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 85 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS thì Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành thu thập chứng cứ bằng một hoặc một số biện pháp như lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự.

Như vậy, qua việc nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ vụ án mà thấy thiếu các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung hoặc tiến hành thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu. Việc pháp luật quy định đương sự được giao nộp bổ sung chứng cứ ở phúc thẩm xuất phát từ việc tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự cũng như trình độ dân trí nói chung chưa cao, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, không phải đương sự nào cũng đủ điều kiện kinh tế để nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tuy nhiên, việc xuất trình, bổ sung chứng cứ mới ở phúc thẩm mà không có bất kì một hạn chế nào đã dẫn đến tình trạng đương sự lạm dụng pháp luật gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Trong thực tiễn có nhiều trường hợp đương sự nắm giữ những chứng cứ quan trọng của vụ án nhưng giữ kín không giao nộp cho Tòa án, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mới xuất trình. Do đó, vừa để đảm bảo Tòa án giải quyết vụ án căn cứ vào sự thực khách quan, vừa nâng cao trách nhiệm chứng minh của đương sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng và hạn chế sự thiếu trung thực của một bên đương sự thì cần phải có chế tài đối với việc cung cấp chứng cứ mới mà không có lý do chính đáng.

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 62 - 63)