Những vướng mắc, bất cập do nguyên nhân thực tiễn thực hiện không đúng quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 83 - 88)

hiện không đúng quy định của pháp luật

Thứ nhất, Tòa án cấp phúc thẩm không thụ lý phúc thẩm vụ án do xác định sai căn cứ chấp nhận kháng cáo quá hạn.

Ví dụ: Vụ án "Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự" giữa nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Trung Việt với bị đơn là Tổng công ty Sông Đà. Phiên tòa sơ thẩm kết thúc ngày 28.01.2009 nhưng đến ngày 21.02.2009 Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và xây dựng Trung Việt có đơn kháng cáo. Lý do kháng cáo quá hạn thể hiện trong hồ sơ là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Trung Việt đã ủy quyền cho ông Lê Văn Thành với tư cách là trợ lý giám đốc tham gia tố tụng

tại cấp sơ thẩm. Sau đó, ông Thành đã tự ý bỏ việc và sau khi xét xử sơ thẩm không báo kết quả xét xử lại cho Công ty, cũng như không đến Công ty. Do vậy, Công ty không biết vụ án đã được xét xử cũng như kết quả xét xử. Đến ngày 21.02.2009 Công ty mới nhận được bản án gửi đến trụ sở Công ty qua đường bưu điện nên ngay trong ngày 21.02.2009 Công ty đã làm đơn kháng cáo. Tại Quyết định giải quyết kháng cáo quá hạn số 17/2009 ngày 30.3.2009 của Tòa phúc thẩm TANDTC đã không chấp nhận kháng cáo quá hạn nói trên. Trong trường hợp này, lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm cần xác định lý do kháng cáo quá hạn của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và xây dựng Trung Việt là do trở ngại khách quan nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại không chấp nhận kháng cáo quá hạn là không đúng quy định của pháp luật. Quyết định này sau đó đã bị hủy theo Quyết định giám đốc thẩm số 19/2011/DS-GĐT ngày 29.7.2011 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Thứ hai, trong quá trình CBXXPT Tòa án cấp phúc thẩm không nghiên cứu kỹ hồ sơ nên không phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án khi thời hiệu khởi kiện đã hết.

Ví dụ: Vụ án dân sự về tranh chấp quyền thừa kế giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Hiền, bà Phạm Thị Hoà và bà Phạm Thị Hoa với bị đơn là ông Phạm Văn Hợi.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 07.07.2009, Toà án nhân dân huyện Q quyết định: Chấp nhận đơn đề nghị của bà Phạm Thị Hiền, bà Phạm Thị Hoà, bà Phạm Thị Hoa về việc yêu cầu thừa kế.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 126/2005/DSPT ngày 30.11.2009, Toà án nhân dân tỉnh H quyết định: Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 07.07.2009 của Toà án nhân dân huyện Q, xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hiền, bà Hoà, bà Hoa về yêu cầu được hưởng thừa kế.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 106/2011/DS-GĐT ngày 23.4.2011, TANDTC quyết định: Huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 07.7.2009

của Toà án nhân dân huyện Q và Bản án dân sự phúc thẩm số 126/2005/DSPT ngày 30.11.2009 của TAND tỉnh H, với lý do:

Cụ Hoạt chết năm 1983 tới năm 2009 các nguyên đơn mới khởi kiện, nên đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với di sản của cụ Hoạt. Hơn nữa, các nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không khai rõ ngày, tháng, năm cụ Vận chết; hồ sơ không có giấy chứng tử của cụ Vận, nên việc xác định chính xác thời điểm cụ Vận chết chưa được làm rõ. Nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn xác định còn thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với di sản của cụ Hoạt và cụ Vận và đã chia thừa kế theo luật toàn bộ di sản của cụ Hoạt, cụ Vận là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Thứ ba, trong quá trình CBXXPT Tòa án cấp phúc thẩm không nghiên cứu kỹ hồ sơ nên không phát hiện Tòa án cấp sơ thẩm xác định không đầy đủ các quan hệ pháp luật có tranh chấp, bỏ sót người tham gia tố tụng.

Ví dụ: Vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về thừa kế tài sản" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Bảy với bị đơn là anh Võ Văn Tư và chị Phạm Thị Xuân Duyên cùng cư trú tại số nhà 54/1 đường Trần Hưng Đạo, thành phố C; và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Văn Nhung đang định cư tại Mỹ.

Nội dung vụ án như sau: Ông Nguyễn Văn Bảy khởi kiện đòi nhà đất đối với anh Võ Văn Tư và vợ là chị Phạm Thị Xuân Duyên. Nguồn gốc nhà đất được xác định gồm 02 phần: Phần thứ nhất: Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Hóa xây dựng từ năm 1952 trên phần đất thuê của ông Bùi Quang Đạo. Giữa ông Bảy và bà Hóa có 01 con chung là anh Nguyễn Văn Nhung. Sau đó bà Hóa bỏ sang Campuchia sinh sống. Phần thứ hai là nhà đất liền kề do ông Bảy và bà Tư chung sống và mua năm 1970 của bà Trần Thị Hay trên phần đất thuê của ông Bùi Quang Vạng. Giữa ông Bảy và bà Tư không có con chung nên bà Tư đã làm thủ tục nhận anh Nhung là con

nuôi và nhận thêm cháu ruột là anh Võ Văn Tư về nuôi dưỡng (không làm thủ tục nhận con nuôi). Hiện tại, cả hai phần nhà đất đều mang chung số nhà 54/1 đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố C. Năm 1992 bà Tư chết. Trước khi chết, bà Tư có ý nguyện bằng miệng để lại một phần nhà do bà mua cho cháu ruột là anh Tư. Ngày 12.8.1993 ông Bảy lập di chúc cho anh Tư phần nhà đất của bà Tư đứng tên mua. Năm 1994 bà Hóa từ Campuchia về sống cùng ông Bảy. Ngày 17.4.2001 ông Bảy lập di chúc mới cho anh Tư toàn bộ nhà đất với điều kiện: Không được sang bán, chuyển nhượng. Ngày 14.02.2003 ông Bảy viết giấy ủy quyền cho anh Tư được sử dụng 1/2 căn nhà. Ngày 02.4.2006 ông Bảy tuyên bố hủy toàn bộ các di chúc và văn bản trước đó, khởi kiện yêu cầu anh Tư và chị Duyên trả lại nhà. Về phía anh Tư không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bảy, đề nghị xác định anh là con nuôi của ông Bảy và bà Tư, yêu cầu được nhận thừa kế của bà Tư theo di chúc miệng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2008/DSST ngày 19.4.2008, TAND thành phố C đã xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định toàn bộ nhà đất của ông Bảy, bà Hóa, buộc anh Tư trả lại toàn bộ nhà; không chấp nhận yêu cầu xác định là con nuôi và nhận thừa kế theo di chúc của anh Võ Văn Tư.

Cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại Bản án phúc thẩm số 233/2008/DSPT ngày 30.7.2008 Tòa phúc thẩm TANDTC tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xử: sửa án sơ thẩm, xác định 1/3 căn nhà 54/1 đường Trần Hưng Đạo là di sản của bà Tư và giao cho anh Võ Văn Tư được sở hữu theo di chúc miệng. Phần nhà đất còn lại thuộc quyền sở hữu của ông Bảy, bà Hóa.

Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Hóa, ông Bảy đều khiếu nại. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 11/2011/DS-GĐT ngày 05.4.2011 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm và xác định lý do hủy

như sau: Nguồn gốc tài sản đang tranh chấp có hai phần nhưng Tòa án không xác định rõ từng phần tài sản; Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng chưa xác định rõ quan hệ pháp luật đang có tranh chấp là tặng cho tài sản hay thừa kế tài sản theo di chúc; ngoài ra, các cấp Tòa án cũng bỏ sót người tham gia tố tụng là bà Nguyễn Thị Hóa, vợ ông Nguyễn Văn Bảy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Thứ tư, việc nghiên cứu hồ sơ CBXXPT của Tòa án cấp phúc thẩm không tốt dẫn đến ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm sai luật.

Ví dụ: Vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu nhà ở" giữa Nguyên đơn là bà Đỗ Thị Minh Trang, ông Trần Văn Lộc với bị đơn là bà Dương Thị Tới, ông Nguyễn Thanh Phong do TAND Thành phố H xét xử phúc thẩm. Trong vụ án này, người kháng cáo là bà Đỗ Thị Minh Trang và ông Trần Văn Lộc. Tại Quyết định dân sự phúc thẩm số 495/2011/DSPT ngày 28.12.2011 TAND thành phố H đã đình chỉ việc xét xử phúc thẩm với lý do: Người kháng cáo đã được triệu tập đến phiên tòa 03 lần nhưng vắng mặt không có lý do.

Hồ sơ vụ án thể hiện: TAND thành phố H đã 04 lần mở phiên tòa phúc thẩm để xét kháng cáo của các đương sự:

- Lần thứ nhất, lịch mở phiên tòa vào ngày 11.11.2011 nhưng phải hoãn phiên tòa do bà Trang và ông Lộc Vắng mặt. Tòa án cho rằng đã gửi giấy triệu tập qua đường bưu điện nhưng không có tài liệu nào chứng minh ông Lộc, bà Trang đã nhận được giấy triệu tập đến phiên tòa.

- Lần thứ hai, lịch mở phiên tòa vào ngày 08.12.2011 nhưng không có tài liệu thể hiện đã triệu tập đương sự đến phiên tòa vào ngày 08.12.2011 cũng như tài liệu thể hiện Tòa án đã mở phiên tòa ngày 08.12.2011 đương sự vắng mặt phải phải hoãn.

- Lần thứ ba, lịch mở phiên tòa vào ngày 14.12.2011 nhưng hoãn phiên tòa do ông Lộc, bà Trang vắng mặt. Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Tòa án

có triệu tập đương sự tham gia phiên tòa thông qua việc niêm yết. Tuy nhiên, không có tài liệu nào xác định ông Lộc, bà Trang vắng mặt tại nơi cư trú hoặc không thể tống đạt được. Việc niêm yết là trái với quy định tại khoản 1 Điều 154 BLTTDS. Mặt khác, việc niêm yết không lập thành biên bản là vi phạm thủ tục niêm yết quy định tại khoản 2 Điều 154 BLTTDS. Do vậy, không có cơ sở xác định ông Lộc, bà Trang đã được triệu tập vào ngày 14.12.2011.

- Lần thứ tư, lịch mở phiên tòa vào ngày 28.12.2011 và tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhưng ông Lộc, bà Trang vắng mặt. Tòa án đã đình chỉ xét xử phúc thẩm do người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo.

Như vậy, theo các tài liệu có trong hồ sơ thì Tòa án mới tống đạt hợp lệ một lần cho ông Lộc và bà Trang. Do không nghiên cứu kỹ hồ sơ nên Tòa án đã cho rằng đã triệu tập hợp lệ nhiều lần và đã đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng. Vụ án sau đó đã bị VKS kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm và TANDTC đã hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nói trên.

Ngoài ra, còn có một số tồn tại khác như do thiếu trách nhiệm trong công tác dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi giao cho một Thẩm phán xét xử hai lần cùng một vụ án, việc chuẩn bị phiên tòa chưa tốt dẫn đến phải hoãn phiên tòa, nghiên cứu hồ sơ chưa tốt dẫn đến bỏ sót yêu cầu kháng cáo của đương sự…

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)