Đặc điểm của thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 25 - 29)

Nội dung của chế định CBXXPT vụ án dân sự quy định về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc CBXXPT như nhận hồ sơ vụ án dân sự, kháng cáo, kháng nghị; thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, các công việc để chuẩn bị cho việc mở phiên tòa phúc thẩm, các quyết định tố tụng trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Dấu hiệu về nội dung này là một trong những dấu hiệu để phân biệt chế định CBXXPT vụ án dân sự với các chế định khác trong pháp luật TTDS.

Vậy, chế định CBXXPT vụ án dân sự có thể được hiểu như sau: Chế định CBXXPT vụ án dân sự là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vụ án dân sự ra xét xử tại phiên tòa phúc thẩm.

1.1.2. Đặc điểm của thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự dân sự

Trong phạm vi của luận vặn này tác giả tập trung nghiên cứu theo góc độ về những quy định của BLTTDS về thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự và thực tiễn thực hiện. Như đã phân tích ở trên, thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự là những bước đầu tiên của quá trình Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án dân sự. Thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự cùng tạo tiền đề, điều kiện cần thiết cho việc xét xử lại vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm nhưng do phúc thẩm là thủ tục xét xử lại vụ án dân sự và thụ lý, CBXXPT vụ án dân sự có nhiệm vụ khác nhau nên chúng có những đặc điểm riêng.

Thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự là việc Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến để xét xử lại vụ án. Qua nghiên cứu thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự có những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự được phát sinh trên cơ sở có đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực của Tòa án cấp sơ thẩm.

Cơ sở của việc xét xử lại vụ án dân sự là kháng cáo, kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nếu như tại cấp sơ thẩm việc thụ lý vụ án dân sự chỉ được thực hiện khi có đơn khởi kiện của chủ thể có quyền khởi kiện thì việc thụ lý tại cấp phúc thẩm được phát sinh trên cơ sở có đơn kháng cáo của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự hay có quyết định kháng nghị của VKS đối với bản án của Tòa án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

- Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự dựa trên hồ sơ vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến.

Xét xử phúc thẩm là xét xử lại vụ án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, nếu việc thụ lý sơ thẩm được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu do người nộp đơn khởi kiện cung cấp cho Tòa án thì ngược lại việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự được tiến hành trên cơ sở hồ sơ vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến sau khi hồ sơ vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm xây dựng và được xét xử bằng bản án, quyết định nhưng bị kháng cáo, kháng nghị. Khi nhận được hồ sơ, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự ngay.

- Thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự được tiến hành bởi Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án.

Tại cấp sơ thẩm, trong một số trường hợp để tạo thuận lợi cho đương sự pháp luật quy định người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết

tranh chấp dân sự như đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức, tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động v.v… Tuy nhiên, để bảo đảm việc giải quyết lại đúng đắn và nhanh chóng vụ án dân sự pháp luật quy định khi tranh chấp dân sự đã được thụ lý giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm thì khi có kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật sẽ do Tòa án phúc thẩm cấp trên trực tiếp của Tòa án sơ thẩm đó giải quyết. Do vậy, đương sự không có quyền lựa chọn Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án và việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự sẽ do Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án thực hiện.

- Thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự không phải là một hoạt động tố tụng đơn giản, độc lập mà nó là cả một quy trình nhiều bước khác nhau để đi đến kết quả là Tòa án vào sổ thụ lý vụ án.

Mặc dù thụ lý phúc thẩm vụ án dân sựlà bước đầu của giai đoạn phúc thẩm vụ án dân sự nó không đòi hỏi quá nhiều trình độ của người được phân công giải quyết và cũng được pháp luật qui định rõ nhưng nếu làm không tốt khâu này sẽ ảnh hưởng thậm chí dẫn đến sai lầm không đáng có ở khâu tiếp theo. Tuy vậy, để bảo đảm việc giải quyết lại nhanh chóng và đúng đắn vụ án dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm thì khi thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự Thẩm phán được giao nhiệm vụ xem xét việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự vẫn phải tiến hành một loạt các hoạt động tố tụng cần thiết để xem xét việc thụ lý như từ việc nhận hồ sơ, đối chiếu các chứng cứ, tài liệu với danh mục hồ sơ v.v… cho đến việc ghi vào sổ thụ lý vụ án.

CBXXPT vụ án dân sự là bảo đảm các điều kiện cho việc xét xử vụ án dân sự tại phiên tòa phúc thẩm. CBXXPT có các đặc điểm cơ bản sau:

- CBXXPT vụ án dân sự được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự và kết thúc khi Tòa án mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

Để chuẩn bị các điều kiện cho việc đưa vụ án ra xét xử đúng thời hạn do pháp luật quy định thì ngay khi thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự Tòa án cấp phúc thẩm đã phải tiến hành các công việc CBXXPT vụ án dân sự như nghiên cứu một số vấn đề về kháng cáo, kháng nghị để xác định điều kiện thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự như vụ án dân sự có thuộc thẩm quyền phúc thẩm của Tòa án không, việc kháng cáo, kháng nghị có hợp lệ không, người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm chưa v.v…Việc nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa đối với việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự mà còn có ý nghĩa đối với cả việc chuẩn bị các điều kiện cho việc xét xử tại phiên tòa phúc thẩm. Khi Tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa để xét xử vụ án dân sự thì việc CBXXPT vụ án dân sự cũng kết thúc. Vì vậy, có thể nói rằng CBXXPT vụ án dân sự được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự và kết thúc khi Tòa án mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự.

- CBXXPT vụ án dân sự là hoạt động tố tụng của Tòa án nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xem xét, giải quyết những vấn đề liên quan đến phần bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị.

Đây là điểm khác biệt đối với chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, do tính chất của phúc thẩm là "xét xử lại vụ án" nên trong CBXXPT vụ án dân sự Tòa án không xây dựng lại hồ sơ vụ án để xét xử mà căn cứ vào hồ sơ do Tòa án cấp sơ thẩm đã xây dựng sẵn. Các hoạt động lấy lời khai, thu thập chứng cứ chỉ được tiến hành khi cần thiết và tập trung vào phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và những phần liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

- Trong CBXXPT vụ án dân sự, Tòa án không phải tiến hành hòa giải vụ án dân sự.

Do tính chất của sơ thẩm và phúc thẩm khác nhau, trong đó xét xử sơ thẩm là xét xử lần đầu đối với tranh chấp dân sự nên pháp luật quy định

Tòa án có trách nhiệm hòa giải giữa các đương sự giúp cho họ hiểu rõ hơn quan hệ pháp luật đang tranh chấp và các qui định pháp luật để thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, qua đó tránh được tình trạng khiếu kiện kéo dài, đỡ tốn thời gian công sức tham gia tố tụng. Còn đối với xét xử phúc thẩm là xét xử lại vụ án, các đương sự đã được Tòa án hòa giải tại cấp sơ thẩm nhưng không thành nên pháp luật quy định trong CBXXPT Tòa án không tiến hành hòa giải vụ án dân sự.

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 25 - 29)