Nghiên cứu hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 60 - 62)

CBXXPT vụ án dân sự là hoạt động tố tụng quan trọng nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử phúc thẩm. Do đó, để giải quyết kháng cáo, kháng nghị, xác định tính hợp pháp và tính có căn cứ trong bản án,

quyết định sơ thẩm thì việc nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự là vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định cho việc ra bản án phúc thẩm. Tuy nhiên, pháp luật TTDS không quy định cụ thể về việc nghiên cứu hồ sơ vụ án phúc thẩm nhưng qua thực tiễn giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm khi nghiên cứu hồ sơ vụ án phúc thẩm cần phải tiến hành các công việc theo trình tự, thủ tục sau:

Tòa án cấp phúc thẩm phải nghiên cứu các vấn đề về nội dung và tố tụng đã có trong hồ sơ vụ án. Cụ thể:

* Để giải quyết đúng vụ án, thẩm phán cần xem xét việc xác định quan hệ pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm có đúng hay không bởi việc xác định quan hệ pháp luật là căn cứ để xác định thủ tục tố tụng giải quyết vụ án, xác định người tham gia tố tụng và xác định luật nội dung cần áp dụng để giải quyết. Ngoài ra, nếu vụ án được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều quan hệ pháp luật cần giải quyết thì tòa án cấp phúc thẩm cần phải xác định các quan hệ pháp luật này có liên quan đến nhau hay không? Cần kiểm tra các yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được Tòa án cấp sơ thẩm xác định có đúng hay không?.

* Xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự: Tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án có đúng thẩm quyền theo loại việc, theo cấp và theo lãnh thổ hay không?

* Xem xét thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự: Tòa án cấp phúc thẩm cần xác định Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện đối với vụ án có đúng hay không?. Nếu vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện thì Tòa án cấp phúc thẩm mới tiếp tục giải quyết vụ án. Nếu thời hiệu khởi kiện đã hết mà Tòa án cấp sơ thẩm vẫn giải quyết thì Tòa phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

* Xem xét vụ án được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khác hay không?

* Xem xét việc xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm đã đúng và đầy đủ hay chưa?

* Nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án: các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án là căn cứ để Tòa án cấp sơ thẩm ban hành bản án, quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm lập có thể đầy đủ hoặc không đầy đủ. Để giải quyết đúng vụ án theo thủ tục phúc thẩm khi CBXXPT, Thẩm phán phải nghiên cứu toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án. Cũng giống như nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị, pháp luật TTDS không quy định việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án Tòa án phải tiến hành như thế nào. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án Thẩm phán phải nghiên cứu xem các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được Tòa án cấp sơ thẩm thu thập đầy đủ và hợp pháp không. Nếu các tài liệu, chứng cứ chưa đủ thì thiếu những gì, việc thu thập sẽ tiến hành như thế nào, đặc biệt là các tài liệu, chứng cứ để làm rõ những vấn đề kháng cáo, kháng nghị có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết. Kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án phụ thuộc vào khả năng tư duy, trình độ nghiên cứu tổng hợp của mỗi Thẩm phán và tùy thuộc vào thái độ của mỗi Thẩm phán khi nghiên cứu vụ án có công tâm, khách quan.

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 60 - 62)