Giai đoạn từ năm 2004 đến nay

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 38)

Sau hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kinh tế xã hội nước ta đã có sự phát triển mới. Các quan hệ kinh tế, xã hội đã được mở rộng không những đối với các nước trong khu vực và còn đối với cả các nước trên toàn thế giới. Đứng trước yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi về giải quyết các tranh chấp trong thực tiễn đời sống xã hội trong điều kiện mới, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua BLTTDS. Bộ luật này có nhiều chương, phần và quy định về nhiều nội dung khác nhau như: nhiệm vụ và hiệu lực của Bộ luật; những nguyên tắc cơ bản; thẩm quyền của Tòa án; cơ quan, người tiến hành tố tụng; thành phần giải quyết vụ việc dân sự… cho đến các thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự đến thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự. Trong Bộ luật này vấn đề thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự được quy định tại Chương XVI. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự được quy định thành một chương riêng bao gồm các điều từ

Điều 257 đến 262 và một số các điều luật khác có liên quan. Như đã nêu trên, lần đầu tiên Bộ luật này đưa ra khái niệm vụ việc dân sự và khái niệm vụ án dân sự cũng được làm rõ hơn. Nội dung thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự cũng được quy định với nhiều điểm mới như cấp, thông báo văn bản tố tụng, thời hạn kháng cáo, cung cấp chứng cứ… Như vậy, trải qua một thời kỳ chuẩn bị công phu, lâu dài với sự nhất trí cao sau khi lấy ý kiến của các cơ quan, đoàn thể cũng như của nhân dân, BLTTDS chính thức được ban hành.

Việc ban hành BLTTDS năm 2004 đánh dấu bước phát triển của hệ thống pháp luật TTDS Việt Nam, khắc phục được tình trạng tản mạn, mâu thuẫn, khiếm khuyết của các quy định TTDS trước đây, đồng thời cũng thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 34/NQ-TW ngày 03/02/2004 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Từ đó tạo được điều kiện thuận lợi cần thiết cho Tòa án giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các vụ việc dân sự; bảo đảm cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Theo các quy định của BLTTDS, quy trình TTDS của các đương sự tại các Tòa án có sự thay đổi căn bản theo hướng công khai, dân chủ và minh bạch. Trong đó, đương sự có vai trò quyết định và chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án [45, tr. 26-27].

Sau một thời gian thực hiện, BLTTDS đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập gây khó khăn, hạn chế cho việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án và cả việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tại Tòa án. Để khắc phục những hạn chế, bất cập của BLTTDS, ngày 29/03/2011 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật sửa

đổi, bổ sung BLTTDS và có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Luật này sửa đổi nhiều quy định của BLTTDS và bổ sung nhiều quy định mới, trong đó có một số quy định về thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung như quy định tại Điều 257 BLTTDS về thông báo thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự. Theo đó, sau khi thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự Tòa án cấp phúc thẩm cũng phải tiến hành thông báo việc thụ lý phúc thẩm vụ án dân sự như ở Tòa án cấp sơ thẩm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng ban hành một loạt các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành BLTTDS trong đó có đề cập đến vấn đề thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự như Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 32/2004/QH11 ngày 15/6/2004 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS; Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định trong phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLTTDS; Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII "Các biện pháp khẩn cấp tạm thời" của BLTTDS; Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về chứng minh, chứng cứ; Nghị quyết số 05/2006/NQ- HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của BLTTDS, Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/06/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án v.v...

Như vậy, trải qua quá trình lâu dài, hệ thống pháp luật TTDS Việt Nam nói chung và các quy định về thụ lý và CBXXPT vụ án dân sự nói riêng ngày càng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác xét xử phúc thẩm. Đây chính là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Chương 2

Một phần của tài liệu Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự (Trang 38)