Ngôn ngữ đời thường đậm chất Nam Bộ

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 86)

6. Cấu trúc luận văn

3.4.1Ngôn ngữ đời thường đậm chất Nam Bộ

Trước hết, phải thấy rằng sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thường khai thác những vấn đề rất đời thường trong cuộc sống con người miền Nam. Đó là chuyện tình cảm nam nữ, chuyện ông già đi tìm con, chuyện về những ước mơ bình dị… Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có nhận xét: “Với giọng văn

mộc mạc bình dị, với ngôn ngữ đời thường đã tạo nên một không khí hết sức tự nhiên của màu sắc, hương vị của mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc – mũi Cà Mau của những con người mà cha ông là người tứ xứ về mũi đất của rừng, của sông núi, của biển cả đã dày công khai phá, đã đứng lên khởi nghĩa. Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế…” (Ngọn đèn không tắt, tr5). Việc sử dụng ngôn ngữ đời thường thể hiện sự hướng vào đời tư, bám vào hiện thực đời sống. Ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư sử dụng trong tác phẩm của mình chủ yếu là ngôn ngữ của người dân sống ở thôn quê, ruộng vườn, cho nên cách hành văn, diễn đạt của chị nôm na dễ đọc, dễ hiểu. Nó tràn vào câu chuyện một cách tự nhiên, dường như không phải qua khâu xử lý. Chẳng hạn như “Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. Nhiều bữa hát ế ngoi ngóp nằm nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng soát vé bị bọn du đảng địa phương rượt chạy xịt khói…” (Cải ơi); hay “Nhà mấy cưng ở chỗ nào? Thằng Điền đổ quạu: “Biết chết liền!” (Cánh đồng bất tận, tr 166). Nguyễn Ngọc Tư nhiều khi có những cách nói ngộ nghĩnh và bất ngờ như “già công, già cấc”, “đã thiệt”, “đánh lô tô”, “mát trời ông địa”…

Người đọc không khó nhận ra một hệ thống từ địa phương trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư:

Trước hết trong giao tiếp: Các tên gọi theo thứ tự sinh: Anh Hai, anh Năm, hoặc khi gọi kèm tên thật: Hai Nhớ, Út Thà… Hoặc cách xưng hô: Tao nè, Tư Đấu nè, bác Mười Mực của mày nè (1, tr36). Hay “Ông Sáu Đèo làm nghề bán vé số, có tối ông gặp Phi ở ngoài quán” (7, tr151).

Trong gia đình Nguyễn Ngọc Tư sử dụng các từ má, tía, mấy đứa nhỏ… ở ngoài xã hội các lớp từ thường gặp là người ta, thằng cha, mấy ông,

mấy ổng,… Ví dụ như “Trời ơi, ngồi với thằng chả, mỏi lưng quá, má coi, yêu đương chi cho mệt vậy không biết…” (Nhà cổ). hay “Con không đành lòng để tía ở lại một mình”, “Thằng Tứ Hải, đem mấy đứa nhỏ qua ngủ với má con tao nì. Để không ngói rớt trúng đầu, tội nghiệp tụi nó lắm nghen” (Nhà cổ).

Sử dụng khẩu ngữ là một trong những cách cụ thể hóa câu nói trong đời sống thường ngày. Khi đi vào văn chương nó thể hiện sự linh hoạt trong lối diễn đạt. Khéo léo đưa các khẩu ngữ vào tác phẩm của mình Nguyễn Ngọc Tư đã mang đến sự sinh động cho những trang viết “Nhà Lương nghèo, chỉ là cái chòi rách tả tơi, từ ngày đi chèo đò, Lương ăn, ngủ trên bến đò nên nhà đã bỏ hoang hẳn. Suốt ngày quần quật trên sông mà bộ mình khẳng khiu chỉ độc cái quần tà lỏn dính đầy nhựa trong của thời làm sai vặt ở các trại xuồng” (7, tr. 84), hoặc “Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm, bữa nay hai ông bà có chuyện gì mà bắt mình ăn thấy bà cố nội” (8, tr.59).

Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng một lượng khẩu ngữ khá lớn. Lượng từ khẩu ngữ trong các tác phẩm của chị không kém từ khẩu ngữ trong các tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam,… Không chỉ vậy, cách dùng khẩu ngữ của chị rất độc đáo, mới lạ:

Ngoẻo cù nèo, buồn anh cõng buồn em, tổ bố, thấy mồ, hết thuốc chữa, biết chết liền,… Các khẩu ngữ được dùng trong tác phẩm của chị mang tính biểu cảm rất cao, thể hiện rõ tình cảm các nhân vật “Chị chưng hửng hỏi ông đi đâu, ông trả lời, giọng buồn thiu buồn thỉu” (8, tr.58); “chừng nầy tuổi rồi, mỗi khi anh đặt lưng xuống bộ vạc, lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của tía anh ngày xưa” (4, tr76).

Thực tiễn văn học cho thấy sự gia tăng khẩu ngữ trong văn học không phải là vấn đề mới mẻ. Nguyễn Ngọc Tư đưa vào tác phẩm của mình một lối

nói dung dị, đời thường để tìm ra một con đường ngắn nhất tới bạn đọc. Đó là một biểu hiện ý thức tìm tòi, một tinh thần cố gắng trong việc làm mới ngòi bút, làm đa dạng các phương thức diễn đạt của nhà văn. Tuy vậy Nguyễn Ngọc Tư cũng không rơi vào tình trạng quá chú trọng đến khẩu ngữ mà coi nhẹ chất văn của tác phẩm.

Ngoài khẩu ngữ ra, một loạt ngữ khí từ được dùng mang đặc trưng của vùng Nam Bộ: Hôn, hen, nghen, à, nè… Những từ này thường được đặt cuối những câu cảm hay câu nghi vấn: “Mai mốt, mình đi nữa hen, Cộc” (Cái nhìn khắc khoải); “Mấy đứa con nít khen dì giống cô Tấm trong truyện cổ tích quá trời” (Chiều vắng); “Đêm nay cũng có gió nhiều, cà bắp trong đám là dậy hương, cái mùi dân dã không chịu được. Gió làm sóng chao ghe mà sao khó ngủ quá vậy nè” (Giao thừa). Chính những khẩu ngữ, các từ mang sắc thái biểu cảm xuất hiện nhiều đã làm sáng dậy không khí toàn cảnh rõ nét của vùng Nam Bộ.

Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự: “Tôi không có ý sử dụng những phương ngữ, từ địa phương. Tôi viết như vậy vì chỉ có ngôn ngữ ấy mới giúp tôi lột tả hết được cái tình của người dân quê”.

Số lượng từ địa phương được sử dụng nhiều trong văn Nguyễn Ngọc Tư, ví dụ như: mướn, thèm,biểu, lội, mần dắt, xúm, dòm,… những từ ngữ đó phản ánh được thực tại sinh động cuộc sống của con người Nam Bộ.

Về cơ bản, vấn đề sử dụng từ ngữ địa phương cho tới nay vẫn còn được tranh luận nhiều. Có ý kiến cho rằng, Nguyễn Ngọc Tư đã lạm dụng nhiều ngôn ngữ địa phương khi viết văn gây khó hiểu cho độc giả. Tuy nhiên nhiều ý kiến lại nhận xét, chính yếu tố đặc trưng về mặt ngôn ngữ đó đã tạo cho chị một phong cách không lẫn với ai. Nhà văn Huỳnh Công Tín trong bài viết

Nguyễn Ngọc Tư – nhà văn trẻ Nam Bộ, đã chia sẻ về việc làm từ điển từ ngữ Nam Bộ và những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã giúp anh rất nhiều trong

công việc như thế nào. So với những thế hệ trước: Đoàn Giỏi, Sơn Nam chúng tôi nhận thấy Nguyễn Ngọc Tư chính là người đưa tiếng nói của người dân Nam Bộ vào văn chương nhiều nhất. Nguyễn Ngọc Tư chọn con đường trung thành với phương ngữ bởi như có lần cô đã nói, nếu không viết vậy cô sẽ đánh mất tính tự nhiên của tác phẩm. Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng phương ngữ một cách có ý thức, vừa không quên tạo dựng một bối cảnh giúp người đọc hiểu được những phương ngữ đó. Chúng tôi cho rằng việc tận dụng phương ngữ đầy ý thức đó đã tạo nên một sự tiếp nối và bổ sung mạnh mẽ cho kho tàng ngôn ngữ phong phú của Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 86)