6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Nhân vật sám hối
Trong những năm gần đây, văn học Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Xu hướng tìm lại những ngọn nguồn hiện thực chính là quá trình tự thú,
quá trình sám hối. Tự vấn trở thành một nhu cầu không chỉ của cá nhân mà của toàn xã hội. Đó là cơ sở dẫn đến sự xuất hiện và phát triển kiểu nhân vật sám hối. Thực tế, kiểu nhân vật này đã manh nha từ sáng tác của các nhà văn thế hệ trước: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp. Sau đó kiểu nhân vật này càng rõ nét hơn trong những tác phẩm của các nhà văn trẻ: Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh. Đến Nguyễn Ngọc Tư kiểu nhân vật sám hối trở nên sinh động, phong phú và chân thật.
Nhân vật sám hối là kiểu nhân vật nội tâm. Tác giả không quan tâm nhiều đến ngoại hình tên tuổi nhân vật mà chủ yếu quan tâm đến sự vận dộng trong nội tâm, quan tâm đến những suy tư của nhân vật. Nhân vật sám hối và nhân vật tìm kiếm có quan hệ mật thiết với nhau. Nhiều khi tìm kiếm là sám hối và có lẽ vì sám hối mà nhân vật tìm lại được chính mình.
Trong Cải ơi, nhân vật người cha luôn trải qua sự dằn vặt. Đó là sự sám hối của ông với chính lương tâm. Ông cứ ngỡ ông là người gây ra nỗi khổ cho gia đình. Đứa con gái khi mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn nó trốn biệt. Khác với ông, vợ ông là người để bụng chuyện nó là con chồng trước nên bị ông hà khắc ngược đãi. Gần mười hai năm trời ông tìm nó. Đến đâu ông cũng cố gắng để ý, nghe ngóng tin tức về Cải, nhưng mọi thứ vẫn bặt vô âm tín. Ông lang thang, rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười tất cả chỉ với hy vọng tìm được con. “Ông già Năm Nhỏ lặng đi, tự hỏi, bây giờ ông lên ti vi, con Cải có nhận ra ông không”. Câu trả lời là có, ông đã dắt con nhỏ đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chuối làm bè dạy nó lội, thả trâu, chơi diều, ông đã cõng con nhỏ đi mấy vạt đồng đến khám bệnh chỗ ông bác sĩ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ dây chun khoanh, mấy cục kẹp dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về… Tất cả những thứ đó, ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng về đi con ơi, đôi trâu có sá gì!”.
So với Tạ Duy Anh hệ thống nhân vật sám hối của Nguyễn Ngọc Tư không khốc liệt bằng. Đa phần nhân vật của Tạ Duy Anh sám hối khi đã vướng vào tội ác. Những sám hối của nhân vật Nguyễn Ngọc Tư không liên quan đến tội ác khốc liệt. Tuy vậy những dằn vặt, giày vò luôn thường trực ở các nhân vật này khiến cho nhân vật trở nên khắc khổ hơn.
Trong Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư để nhân vật trải qua những thử thách tưởng chừng khắc nghiệt. Hình ảnh người cha gắn với sự sám hối muộn màng với những gì mà ông gây ra khi trước. Chỉ để trả thù mà ông quyết liệt lừa những người đàn bà rồi bỏ họ khi họ cần đến ông. Cuối cùng chính ông phải tận mắt chứng kiến cảnh đứa con gái bị hãm hiếp và ông đã biết quan tâm đến con gái bằng những hành động thể hiện tình thương con “cởi áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời” (8, 212). Người đọc thấy xót xa cho số phận cô gái. Nhưng điều an ủi một chút đó là người cha đã trở về con người mình như trước kia, chính ý thức về tình mẫu tử đã khiến ông day dứt, hối hận.
Tác phẩm Vết chim trời mở đầu ấn tượng với một buổi trưa xuất hiện tiếng khóc xé lòng của bà nội. Tiếng khóc ấy làm đau đớn trái tim người cha khi bà nội vô tình hỏi: “Sao bay bắn chết Út Hơn của má?”. Người cha đã cả đời sống trong nỗi mặc cảm, lo âu về một quá khứ xa xôi nào đó khi ông và em trai mình ở hai đầu chiến tuyến. Người cha ấy chỉ có một cách là: Chờ đợi.
Ngay cả những lý do tưởng chừng như vụn vặt cũng làm cho nhân vật phải suy nghĩ. Người cha trong Chuồn chuồn đạp nước, sau một câu trợ giúp sai cho con gái trong một showgame truyền hình, cuộc đời ông đã thay đổi. Sự dằn vặt ấy mãi theo suốt tâm hồn ông: “Cha đã đi qua ba bảy hai mốt bình minh, luôn thức dậy với một nỗi tuyệt vọng còn nhớ”. Người cha càng đau đớn hơn khi nghĩ rằng hình ảnh đẹp của mình đã bị sụp đổ trong mắt vợ con
và những người tin yêu mình. Ông luôn rơi vào trạng thái dằn vặt, rối bời không lối thoát.