Con người sống là để yêu thương

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 29)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Con người sống là để yêu thương

Trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư, yêu thương đã thành lẽ sống, niệm vui, niềm hạnh phúc. Với chị “Dù tôi có yêu đơn phương (chắc là cũng hơi buồn) nhưng bản thân việc yêu đã là sống, là vui”. Nguyễn Ngọc Tư yêu cha mẹ, yêu quê hương, yêu những kỷ niệm tuổi thơ, yêu từ cái khuông cửa sau nhà đến khoảng sân đầy nắng, yêu những con người quê hương lam lũ, tảo tần. Chị thương cha mẹ vất vả sớm hôm, thương

người nông dân nghèo gặp nhiều bất trắc, thiên tai, thương bày trẻ thơ bất hạnh…Trả lời phỏng vấn, chị cho biết: “Người ta sẽ nhận ra ai cũng có nhu cầu được ấm áp, yêu thương ngay cả những người mạnh mẽ, tàn nhẫn nhất cũng mong muốn có một ngày được hoàn lương, một mái nhà yên ấm”. Nguyễn Ngọc Tư đã viết về nhu cầu bình dị ấy một cách say mê, xúc động. Chính bởi thế, hầu hết các nhân vật của chị đều giàu tình yêu thương và luôn khát khao được yêu thương. Dường như họ sinh ra để yêu thương và sẵn sàng chở che, giúp đỡ người khác, nhất là những người bất hạnh. Nhiều nhân vật khác thì luôn mong được sum họp ấm cúng trong mái ấm gia đình. Là người giàu cảm xúc, Nguyễn Ngọc Tư rất sợ sự lạnh lùng, vô cảm. Có dịp chị giãi bày: “Tôi rất sợ lòng mình vô cảm. Tôi cũng sợ y như vậy khi thấy những người xung quanh không còn biết yêu thương nữa”. Một khi vơi cạn lòng yêu thương, con người sẽ trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn và cuộc đời sẽ mất đi vẻ đẹp, mất đi những điều tốt lành. Với tấm lòng nhân hậu, Nguyễn Ngọc Tư luôn níu giữ lòng tin yêu của con người. Chị mong muốn mọi người “…đừng bao giờ mất hy vọng vào tâm hồn người trẻ. Bởi vì sau tất cả những bất đồng, những biểu hiện vô tâm nếu có, thì rồi ai cũng sẽ có nhu cầu được yêu thương. Mà muốn được vậy, phải biết chia sẻ lòng nhân từ, sự quan tâm từ chính trái tim mình trước nhất”. Khi được hỏi: “Cái ác có phải là đề tài hấp dẫn với chị không?”, Nguyễn Ngọc Tư trả lời: “Cái ác, sự tàn nhẫn thói vô tâm luôn làm tôi ghê sợ, hấp dẫn cái nỗi gì chớ. Tôi đã động tới cái ác vì có nó thì cái thiện, sự thương yêu sự yếu ớt mong manh của những tình cảm tốt đẹp mới nổi lên được, để cho người ta nhìn thấy rõ hơn”. Nhìn như vậy có thể thấy, trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư viết về cái ác cũng là một cách để tôn vinh cái thiện và ca ngợi tình yêu thương con người, để con người biết sống tốt đẹp, nhân ái hơn.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)