Giọng điệu trữ tình, mượt mà

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 83)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.3.Giọng điệu trữ tình, mượt mà

Có thể nói đây là giọng điệu cơ bản để tạo nên chất nữ tính và cũng là sức hút trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư.

Giọng văn của chị dung dị mà sâu lắng, trữ tình nhẹ nhàng, câu văn mềm mại. Cái nhẹ nhàng, thủ thỉ của chất trữ tình dường như thấm trong từng câu chữ, cất lên từ những lời tâm sự, trong những hoài niệm về quá khứ của nhân vật. Thông thường giọng điệu này dễ tìm thấy ở dạng truyện tự bạch, người kể chuyện xưng “tôi” và tự kể về cuộc đời mình, bộc bạch nỗi lòng của mình. Tuy nhiên trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, không kể là truyện được kể từ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba mà tùy thuộc vào nội dung câu chuyện. Tác phẩm có thể chứa đựng giọng điệu trữ tình hay không là tùy

thuộc vào dòng cảm xúc của nhân vật mà nó mang lại sự dịu dàng, đằm thắm, mượt mà.

Ta bắt gặp trong trang viết của Nguyễn Ngọc Tư những câu văn mềm mại, tràn đầy cảm xúc: “Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong”, hay “và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi”. Ngay cả khi thuật về tình cảnh đáng thương của Sương - một cô gái giang hồ sau một đêm đi “thương lượng” với những người “có trách nhiệm” của địa phương (về việc đàn vịt của gia đình Út Vũ bị nhiễm bệnh) trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, lời văn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn rất nhẹ nhàng: “Một người nuốt nước miếng, ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo. Mắt ông ta lột trần chị, và toan tính một thoáng. Người còn lại có vẻ thú vị, háo hức như sắp được xem một vở cải lương hay. Chị thấu hiểu đàn ông đến nỗi, ngay lập tức chị ngó về phía chúng tôi, ngầm báo, cuộc thương lượng (về một sự đổi chác) đã kết thúc rồi.”… “Chị về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau này, tôi vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy). Ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương. Hơi rượu quyện với mùi thuốc lá làm tôi chạo chực. Nhác thấy hai chị em tôi ngồi thù lù, chị kêu lên, trời đất, hai cưng chờ chị chi vậy. "Chị... làm đĩ quen rồi, mấy chuyện này nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?".”

Điểm khác biệt của Nguyễn Ngọc Tư với Nguyễn Huy Thiệp cũng chính là ở chỗ đó. Nguyễn Huy Thiệp hay bày tỏ thái độ bằng những ngôn từ gân guốc, đầy góc cạnh, thậm chí có lúc rất bạo liệt. Nhà văn Dạ Ngân đã nhận xét về Nguyễn Ngọc Tư có giọng “điềm đạm mà thấu đáo”. Hay Kiệt Tấn nói Nguyễn Ngọc Tư có giọng văn “…thành thật hiền hòa, không xốc táp ngang ngược, không có những kiểu nói om sòm mà rỗng tuếch”.

Với nhịp điệu kể chuyện chậm rãi bình thản, có phần dửng dưng của chị, Nguyễn Ngọc Tư cố tình mở ngoặc đơn để giải thích, chú thích thêm một vấn đề gì đó:

- Đáng lẽ phải nói như vầy, em thấy yêu mến, gắn bó mảnh đất này quá đi anh à (nói theo kiểu thanh niên tình nguyện trả lời phỏng vấn truyền hình. (Duyên phận so le)

- Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu lời nói thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai (Thương quá rau răm)

Các truyện của Nguyễn Ngọc Tư phần lớn đều có lời đề từ. Lời đề từ có thể là một danh ngôn, một câu hát dân gian, một ý nghĩ bâng quơ, nêu một sở thích ngộ nghĩnh,… Chẳng hạn truyện Cải ơi có lời đề từ sau: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại…”, tôi hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng cố chanh chua, hằn học một tí, "Gió đưa thằng quỷ sứ về thành. Để tui ở lại chành ành... đắng cay". Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều...Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dỗi, nặng lời.Và mình thì chưa bao giờ yêu ai đến như vậy?!!!” (Cánh đồng bất tận, tr6). Hay ở một trái tim khi có lời đề từ “Sáng sáng anh uống cà phê. Tối tối anh uống cà phê…” hay “ở bên người ấy xin đừng nhớ đến tôi, ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi…”, mấy chiếc xe kẹo kéo, khoai mì luộc hay mở bản nhạc như vầy “Một trái tim khô. Một trái tim mùa đông. Trái tim đã nhiều lần, nhiều lần chạy trốn tình yêu. Suốt đời tôi mãi mãi là người đến sau…”, nghe cũng hay hay. Mà hơi mắc cười, tình yêu, ai cũng khoải, sao cha nội nầy đòi chạy trốn?!”

Các lời đề từ góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Những lời đề từ ấy giống như đoạn trữ tình ngoại đề.

Trong tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta lại thấy giọng điệu thủ thỉ tâm tình về những câu chuyện xung quanh mình. Đọc tạp văn Nguyễn Ngọc Tư ta thấy chị kể về miền quê Đất Mũi “Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất

lại cho người…”. Hơn thế là một suy nghĩ là lạ: “Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng nói tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no rồi anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô…”.

Với một tâm hồn đa cảm, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên được giọng điệu trần thuật, đa thanh: Giọng điệu mộc mạc, dân dã, tự nhiên; giọng điệu ấm áp tràn đầy yêu thương; giọng điệu trữ tình mượt mà,… Nhưng nhìn chung giọng điệu văn của Nguyễn Ngọc Tư vẫn phảng phất nỗi buồn. Có thể nói giọng văn trữ tình, mượt mà đã tạo cho trang văn của Nguyễn Ngọc Tư một vẻ mềm mại, đầy nữ tính. Đó là những tâm tình được thổ lộ, giãi bày, là sự chia sẻ cảm thông với những số phận éo le của con người. Tất cả đều được dẫn dắt bởi cái nhìn tinh tế và trái tim nhân hậu của Nguyễn Ngọc Tư.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 83)