Đặt nhân vật vào những tình huống “có vấn đề”

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 70)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Đặt nhân vật vào những tình huống “có vấn đề”

Trước hết, để tạo được những biến đổi trong nhận thức của các nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đã đặt nhân vật vào những tình huống, những biến cố để nhân vật không còn suy nghĩ theo lối mòn nữa mà bắt đầu chiêm nghiệm, phân tích lại bản thân, để nhận ra sai lầm, nhận ra những chân lý của cuộc đời. Trong Cải ơi, khi Cải làm mất trâu vì sợ đòn mà trốn nhà nhưng mọi người xung quanh lại nghi ngờ ông Năm Nhỏ - bố dượng là thủ phạm giết con. Không chịu nổi dư luận ông Năm Nhỏ quyết đi tìm con. Tình huống đó đã làm nổi bật tình yêu thương con của ông Năm Nhỏ.

Tình huống đầy kịch tính được đặt ra trong Cánh đồng bất tận. Tình huống đó là người vợ bỏ theo trai, hận tình người chồng trả thù vợ bằng cách quan hệ với những người đàn bà rồi bỏ rơi họ, tình huống Nương bị cưỡng hiếp ngay trước mặt người cha của mình. Qua những tình huống đó ta nhận thấy các nhân vật nổi lên với những nét tính cách riêng biệt: Ông bố là kẻ hận thù một cách mù quáng, Nương sống trong môi trường tăm tối mà vẫn giữ được sự trong sạch.

Sau những biến cố xảy đến với nhân vật hoặc có liên quan đến cuộc đời nhân vật, nhà văn thường dành những khoảng lặng nhất định để nhân vật đối diện với chính mình. Đó là khoảng thời gian để nhân vật biện hộ, giải thích hay dằn vặt với những giằng xé nội tâm để tự thức tỉnh, tự hoàn thiện nhân cách. Cái nhìn khắc khoải là một câu chuyện xoay quanh tình cảm của ông già với cô Út nhưng khi biết tin tức của chồng cô, ông lập tức nói cho cô biết rồi ông quay trở về dựng lại nhà và hi vọng sẽ gặp lại cô. Ông là một người đàn ông cao thượng và biết hi sinh vì người khác.

Với những tình huống tự nhận thức, Nguyễn Ngọc Tư đã để cho nhân vật tự đối thoại, tự đẩy mình đến tận cùng những cảm xúc, để tự thức tỉnh và điều tiết hành động của chính mình. Đa số khi nhân vật ý thức được thực trạng của mình, hoặc thức tỉnh điều gì đó là khi họ ít có cơ hội làm lại. Người cha trong Cánh đồng bất tận, anh chàng Hiện trong Nhớ sông, cậu con trai trong Nỗi buồn rất lạ,… đều là những trường hợp như vậy. Sự xót xa tiếc nuối là điều khó tránh khỏi của các nhân vật. Kể cả khi đã là quá khứ, đã xa rồi nhưng không khỏi có một lúc nào đó từ sâu lắng của tâm can day dứt lên một nỗi niềm ân hận hay tiếc nuối.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 70)