Nhân vật kiếm tìm

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 45)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1.Nhân vật kiếm tìm

Nhân vật kiếm tìm là kiểu nhân vật xuất hiện chủ yếu trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Xuyên suốt các tác phẩm của chị là những con người đang kiếm tìm: Kiếm tìm người thân, kiếm tìm chân lý, kiếm tìm niềm tin, lẽ sống; kiếm tìm hạnh phúc, kiếm tìm sự sống và tìm kiếm chính mình.

Ông Sáu Đèo trong Biển người mênh mông, suốt bốn mươi năm dằng dặc kiếm tìm người vợ. Ông lặn lội qua khắp hang cùng ngõ hẻm, chịu đựng bao khổ ải, nhọc nhằn chỉ mong được gặp lại người vợ để nói lời xin lỗi. Chính hành trình kiếm tìm trong sự cô đơn, giày vò ấy đã làm nên vẻ đẹp của lương tri, của tình yêu thương của ông. Con đường kiếm tìm mang ý nghĩa con đường hoàn thiện nhân cách tốt đẹp của ông.

Trong Cải ơi, ông Năm Nhỏ cũng phiêu bạt suốt mười hai năm trời để tìm lại đứa con riêng của vợ. Vì làm mất đôi trâu, đứa bé hoảng sợ bỏ nhà ra đi, nhưng vợ ông và mọi người lại cho rằng vì tiếc của nên ông đã đánh mắng, khiến con bé phải bỏ nhà mà đi. Ông không quản nắng mưa vất vả, lặn lội đi tìm con vì ông thực lòng yêu thương con, lo cho con và cũng muốn giải tỏa cho mình: Ông cũng yêu thương con bé như con ruột của mình, “con mới là trọng, đôi trâu có sá gì”. Cũng như vậy, hành trình tìm kiếm bà nội của Dự trong Gió lẻ cũng là cách để cậu có được sự thanh thản tâm hồn. Dự đau khổ vì mình đã làm tổn thương bà nội, khiến bà bỏ nhà ra đi. Cậu thề sẽ không trở về nếu không tìm được bà nội và nếu không tìm được bà, Dự sẽ phải mãi mãi sống trong day dứt, hối hận.

Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc. Hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm yêu thương cũng chính là để thoát khỏi nỗi cô đơn. Trong Một chuyện hẹn hò, nhà văn miêu tả thành công cuộc đấu tranh tâm lý giằng xé của nhân vật người phụ nữ giữa một bên là tình nhân và một bên là gia đình với những đứa con. Chị luôn mang trong mình

một trái tim khao khát yêu thương đến cháy bỏng, nhưng chị còn có gia đình, có con nên hạnh phúc ấy cũng trở nên mong manh. Những cơn gió lòng cứ hối thúc mãi khiến chị càng cảm thấy đau đớn.

Trước tình yêu con người luôn ở trạng thái kiếm tìm cho dù có khoảng cách về tuổi tác. Trong Của ngày đã mất vị giáo sư già như đang muốn tìm lại cảm giác yêu đương cháy bỏng với một cô sinh viên trẻ hơn mình gần năm mươi tuổi. Những khát khao yêu đương cháy bỏng ở một tâm hồn đầy xao động. Đáp lại những cơn khao khát ấy là cơn buốt lạnh đến tê tái. Cuối cùng chính ông Giáo sư già lại là người chối bỏ tình yêu ấy. Ông đã chọn một cái chết cô đơn vì ông không muốn người mình yêu phải rơi nước mắt.

Có những lúc yêu thương tưởng như trong vòng tay, có những lúc tưởng chừng như tìm thấy nhau, nhưng rồi tất cả lại sụp đổ, biến mất, con người lại chìm trong cô đơn. Trong Sầu trên đỉnh Puvan, nhân vật Vĩnh luôn khao khát nhìn thấy những bông hoa Sầu nở sau mười ba tháng hạn. Anh cố gắng chờ và quyết tâm lên tận đỉnh Puvan cao nghìn mét để thấy được cây Sầu trổ bông. Cuối cùng anh đã thấy được bông hoa Sầu ý nghĩa cuộc đời nở đồng thời cay đắng nhận ra anh đã sống một cuộc đời tầm thường nhạt nhẽo, một cuộc đời vĩnh viễn mất đi gia đình và người con gái anh yêu. Kết thúc anh đã chọn cái chết dưới những bông hoa Sầu. Nhiều nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc để thoát khỏi nỗi cô đơn nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy hạnh phúc và tình yêu. Đó là bi kịch của họ.

Trong hoàn cảnh mà niềm tin và sự trung thực của con người thường xuyên “bị đánh cắp” thì các nhân vật lại đi tìm kiếm nó. Trong Ngọn đèn không tắt Tươi đại diện cho thế hệ trẻ, thay nội kế tiếp trang sử hào hùng ở xứ Hòn. Bên cạnh niềm tự hào chiến thắng trộn lẫn máu và nước mắt của các bác, các chú, trong trái tim chị ngọn đèn vẫn mãi mãi không tắt vì nó được thắp sáng bằng niềm tin, bằng ý chí. Trong Cái nhìn khắc khoải cô Út đã yêu

và đặt niềm tin vào một anh thợ gặt mà cô không hề biết gốc gác ở đâu. Anh ta làm ít, nhậu nhiều, nợ nần chồng chất khiến cô phải nai lưng ra trả. Nợ nhiều quá người ta siết nợ, anh đành bỏ cô mà trốn đi. Vậy mà cô không hề thù hận anh ta, chỉ trách một cách nhẹ nhàng bằng hai từ “tệ thiệt”.

Trong Mộ gió người chị cố gắng và tạo cho mình một niềm tin trải dài theo thời gian cho tới khi giả đò là người em chỉ bổ đi đâu đó chơi rồi sẽ trở về. Cũng bởi niềm tin ấy mà chị phải chịu những lời cay nghiệt của bố mẹ chỉ vì không coi chừng em cẩn thận.

Nhân vật tìm kiếm chính mình cũng thuộc kiểu nhân vật sám hối. Các nhân vật thường ở thời điểm hiện tại quay trở về quá khứ rồi lại trở về hiện tại. Tất cả quá khứ phần nhiều là đau khổ, là thấp thỏm, lo âu. Chính vì sám hối nên nhân vật mới tìm lại được chính mình. Người cha trong Cánh đồng bất tận khi trở lại là một người cha yêu thương con thì lại phải chấp nhận một bi kịch: Con gái bị hãm hiếp ngay trước mắt mình.

Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ tìm nhau khi xa cách mà ngay cả khi họ ở bên nhau. Họ tìm kiếm nhau trong vô vọng. Trong Nhà cổ cô gái Út nhỏ chờ đợi tình yêu của anh em nhà Tứ Hải, Tứ Phương trong vô vọng bởi hai anh em đã để bụng thương chị Thể mất rồi. “Năm tôi mười sáu tuổi, qua bên đó chơi, biết hai anh em đều lặng lẽ để bụng thương chị Thể mất rồi. Chị Thể mồ côi từ nhỏ về ở nhờ trong “Nhân Phủ”, đẹp nết, đẹp người. Sinh thời má anh Hải hay nắm tay trìu mến,” “ Má có hai thằng con trai chừng nào lớn, bây chọn một đứa, làm con dâu má nghen”. Chị Thể chỉ cười cười không nói. Chị hiền, dịu dàng như chiếc lá me, con trai xóm khác gặp một lần còn nhớ, huống chi ba người họ lớn lên cùng nhau… nhưng nhường qua nhường lại hoài, mãi không ai mở lời. Chú em nhịn ăn sáng, ốm sòm, mặt mày xanh rỏ cắc củm dành tiền tha về cho chị Thể nào kẹp tóc, dép, giày… Ông anh chẳng mua gì nhưng thấy chị vo cơm thì nhảy vào

thổi lửa, thấy chị sắp giặt đồ, anh xách nước để sẵn mấy thùng. Những buổi sớm mai hai người cùng nhau xào nhân, nhồi bột, hấp bánh bao, khói quây lấy cả hai, khói thơm ngây dại mùi lá dứa. Người em thức sớm học bài, thấy cảnh đó, đọc linh tinh những câu chẳng có nghĩa gì”. Cô gái cứ chờ đợi tình yêu một cách mòn mỏi. Họ sống cạnh nhau, thậm chí là thân quen mà không thể đến với nhau, không thể thổ lộ tình cảm với nhau. Họ thương nhau, yêu nhau và trên hết chịu khổ để người mình yêu thương được sung sướng, hạnh phúc. Ngay lời đề từ, Nguyễn Ngọc Tư có viết: “Tôi thích những mối tình câm, tình thầm… chắc là khó chịu đựng lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình” [8, 62].

Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư con người sống với nhau vì cái tình. Vì tình mà người đàn bà trong truyện Dòng nhớ mải miết chèo ghe đi tìm người phụ nữ từng là vợ trước của chồng mình. Bởi chị chứng kiến chồng mình cũng đang tìm một bóng hình xưa với ánh mắt nhìn xa xăm “rồi những lần ra bến đứng dưới mắm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lở, mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng, một mình, ông già tha thiết nhìn ra sông”. [Cánh đồng bất tận, 123]. Trong

Cái nhìn khắc khoải ông già cứ chờ đợi mãi một người phụ nữ sẽ quay về với ánh mắt ngóng trông bao ngày dù người phụ nữ ấy chỉ ở nương nhờ ông trong một thời gian. Rồi trong Một mối tình, người em gái chờ đợi, kiếm tìm tình yêu của người chồng chị gái mình.

Sở dĩ các nhân vật phải tìm kiếm nhau ngay cả khi họ ở cạnh nhau cũng bởi vì tình cảm là chuyện không thể nói một là một, hai là hai, không thể tuân theo một nguyên tắc nào cả. Bởi thế những cuộc tìm kiếm nhau của những người hàng ngày sống cận bên nhau còn khắc khoải, còn ít hy vọng hơn những người tìm kiếm người nơi xa. Nguyễn Ngọc Tư thật tinh tế khi đi sâu vào thể hiện tình cảm, tâm lý thầm kín đó của nhân vật.

Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư có nhiều nhân vật là nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thường theo đuổi những hoài bão lớn lao của cuộc đời mình, những cái đẹp. Nhiều nhân vật sẵn sàng bỏ nhà ra đi theo đoàn hát để được đứng trên sân khấu. Nhân vật Điệp trong Chuyện của Điệp mải mê với nghiệp ca hát dù chỉ luôn được giao vai con nít. Cùng với Điệp, cô đào Hồng Lý bỏ cả con để đi kiếm tìm cho mình một danh tiếng. Cuối cùng sự nghiệp sụp đổ Hồng Lý lại quay về tìm con. Điệp vẫn mải mê với nghiệp hát. Cũng có những nhân vật như đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc cho tới lúc sức tàn lực kiệt, vẫn muốn mình được rực rỡ trên sân khấu, giữ được vẹn nguyên hình ảnh trong lòng công chúng. Lao động trong văn hóa nghệ thuật có những cái khó khăn nhất định của nó. Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải gắn bó vai diễn với hoàn cảnh thực tại của mình. Có như vậy cuộc tìm kiếm mới thật sự thành công. Đúng như là bà ngoại Điệp đã nói với cô: “Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ con à”.

Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư các nhân vật luôn tìm kiếm. Những tìm kiếm ấy có thể thành công nhưng cũng có nhiều đau khổ, thất vọng. Tuy nhiên, chính những khao khát về tình yêu hạnh phúc của người phụ nữ, hành trình tìm kiếm cái đẹp, ý nghĩa thực sự của cuộc sống của các nghệ sĩ, hành trình tìm kiếm chính mình, tìm kiếm niềm tin ở cuộc sống… khiến những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư mang hơi thở cuộc sống phong phú, đa dạng. Cho dù kết quả mà họ nhận được sau những cuộc tìm kiếm ấy phần nhiều là vô vọng, nhưng họ vẫn không nản, vẫn tiếp tục cuộc hành trình kiếm tìm của mình. Dường như đối với họ những cuộc tìm kiếm có ý nghĩa tinh thần giúp họ tạm quên đi hiện tại đau khổ mà họ đang phải gánh chịu.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 45)