6. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Giọng điệu ấm áp, chan chứa yêu thương
Giọng điệu này đã thể hiện nhiều cung bậc yêu thương trong tâm hồn Nguyễn Ngọc Tư. Gây ấn tượng với độc giả là lốivăn đầy tính nhân văn, đầy tình nghĩa.
Những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư thể hiện tình cảm thiết tha với những số phận éo le bất hạnh. Trong Hiu hiu gió bấc, anh Hết yêu chị Hoài là vậy, nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo không thể lấy chị về làm vợ nên đành nghe theo lời mẹ Hoài, giả bộ mải mê chơi bời để chị yên lòng theo chồng. Trong khi đó, chị Hoài lại có tình cảm với anh Hết “Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hoài vẫn chưa lấy chồng. Ai cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm “Viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh niết bàn”, chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông”.
Nhưng mà chờ tới chừng nào lận? Ai mà biết”.
Nguyễn Ngọc Tư xót thương đồng cảm với hi vọng của nhân vật. Khi người ta yêu mà không được đền đáp, tình yêu đó mỗi lúc một lớn thêm không gì dễ xóa bỏ. Họ vẫn luôn sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để người mình thương được hạnh phúc. Trong Duyên phận so le anh Năm Già cầm lòng ra đi
trước sự vô tình của Xuyến. Cũng không trách gì Xuyến, Nguyễn Ngọc Tư với giọng đôn hậu xuất phát từ sự thấu hiểu, đã đồng cảm với nỗi đau của Xuyến “Và tàu mang người đi, thăm thẳm như thể nó đã nuốt chửng anh rồi. Mọi người hỏi Xuyến có sao không, Xuyến bảo, mai mốt cũng quên (như quên đôi dép, đôi giày… và như quên Khởi). Rồi Xuyến đi gom khăn trải bàn, cuốn tất cả các bức màn, đem giặt. Nhưng vừa rảnh tay, Xuyến đã nghe buồn anh cõng buồn em đi lê thê trong dạ, cô dựa lưng vào tường, những vuông vải phơi trên đầu cồn cào, oằn oại, tơi tả gió. Xuyến ngồi ở đó, ngó nắng, bỗng thèm có con Bi ở cạnh, để khóc với nó chơi, để đi qua niềm đau đang như bão bời bời”.
Giọng văn ấm áp ân tình khám phá những suy nghĩ, những trăn trở trong tâm hồn nhân vật. Tiên trong Nửa mùa là một cô gái nghèo lang thang không cha không mẹ, nhưng khi đã dành tình cảm cho Sỹ thì hết lòng hết dạ. Tiên yêu Sỹ bằng một tình yêu không tính toán, ngay cả khi bị phản bội thì cũng dành cho người khác những lời tốt đẹp “Cuối cùng, nó nuốt nước mắt tin rằng chuyện này giống như trong phim, chắc là anh mặc cảm, anh không muốn làm gánh nặng cho nó nên mới ra đi. Chắc là anh không dùng cách giả đò thân mật với một cô gái khác vì sợ làm nát tan lòng nó. Chắc là anh đứng dán chỗ hàng rào một hồi, câm lặng nuốt nước mắt nhìn nó ngủ, tay muốn vuốt tóc nó biết bao nhiêu, muốn hôn lên trán nó biết bao nhiêu nhưng rồi buộc lòng quay gót. Và giống như trong phim thì Tiên phải đi tìm anh dù ở cùng trời cuối đất, để nói với anh rằng nó có thấy nặng nề, cực nhọc gì đâu, cả nghĩ tới điều đó nó còn không mảy may nữa là”.
Hay như Chín Vũ – một cậu công tử con nhà giàu vì mê tiếng hát của đào Hồng đã bỏ tất cả để trở thanh một chân lăng xăng trong đoàn diễn. Đến cuối đời, ông cũng không nhận được một lời yêu thương nào từ đào Hồng, nhưng ông vẫn thấy đời mình thật ý nghĩa “lần đầu tiên ông đóng được vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của
người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi “Má ơi!” và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à. Ừ, chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn…”. (Cuối mùa nhan sắc). Nguyễn Ngọc Tư để cảm xúc của nhân vật bộc lộ một cách chân thật giàu nghĩa tình.
Hình ảnh những người nghệ sĩ và người nông dân bất hạnh nhưng giàu tình nghĩa trở đi trở lại trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư. Sống ở đời chỉ có cái tình, cái nghĩa mới cảm hóa được con người, cái tình cái nghĩa là cái gốc của hạnh phúc bền lâu. Giọng điệu tâm tình của những người bạn chơi với nhau từ thuở nhỏ lớn lên mỗi người một phương nhưng cứ đến Tết trở về gặp nhau trò chuyện, sẻ chia với nhau những nhọc nhằn buồn vui trong Ngày đã qua “Thi rót rượu ra mấy cái ly nhỏ như trứng cút. Uống, chúc mừng năm mới, chúc tụi ta vạn sự như ý, an khang thịnh vượng. Nguyên cười, “Sao người ta lại có tật chúc toàn chuyện không có, cụ thể lại đi”. Vậy thì phải chúc như vầy, chúc Thi vui vẻ, làm công tác thanh tra, vô việc không đối mặt với bạn cũ để khỏi lâm vô cảnh đánh cũng lỡ mà lùi cũng dở. Tiêu chí vậy thôi. Chúc Hòa, Chi buôn may bán đắt, cuối năm trời xui đất xụi có một đứa con. Hòa nói dễ ợt, đợt này bồng bế nhau đi Từ Dũ lần nữa mà vô phương thì xin một đứa con nuôi về, làm gì làm cũng có một đứa con gái gả cho Nhện Con. Sau này già, khỏi sợ thằng rể điên điển. Cạn nữa đi chớ, trăm phần trăm, chúc Nguyên mau… về hưu để có thời gian ở lại quê chơi với bạn bè. Cuối cùng, chúc Tiệp hạnh phúc, thăng tiến, thế nào cũng lên chức Giám đốc chi nhánh thời trang Bình San”.
Giọng điệu hồn hậu chân thành còn được thể hiện ở sự cảm thông với những mối tình không thành. Ông già trong Cái nhìn khắc khoải hết lòng lo lắng, chăm sóc và mong đợi một tình yêu từ phía người phụ nữ bị bội bạc, nhưng người phụ nữ ấy vẫn tìm kiếm anh thợ gặt là người thương một thuở “Buổi chiều ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc lén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như
không “Cộc, mưa lạnh hôn con?” Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình”. Những ước mơ về mái ấm gia đình hạnh phúc thể hiện qua giọng văn ấm áp yêu thương về một gia đình đầm ấm. Cuộc nói chuyện giữa nhân vật Tôi với thằng Bầu về khao khát hạnh phúc gia đình của mình với Trọng “Tự dưng tôi nghe nỗi buồn chao chát trong lòng, tôi bảo nhưng có một vai dì thèm mà không ai cho đóng, vai gì hả, vai một người bình thường, có chồng, sống với nhau trong căn nhà xưa cũ kĩ. Buổi sáng chở mớ rau vườn ra chợ, mua ít thức ăn mang về nấu bữa cơm trưa, chiều phụ chồng mần cỏ rẫy, chạng vạng chờ chồng từ ngoài đìa vác một mớ bông súng bước vô nhà… và để được nghe con trai nói với mình những câu chuyện chỉ để dành cho má nó nghe thôi. Ừ dì chỉ ước có vai bình thường như vậy…”. Dòng chảy yêu thương thấm đẫm trang văn Nguyễn Ngọc Tư, tất cả được khơi nguồn từ trái tim nhân hậu của chị. Chính vì vậy, giọng điệu ấm áp tràn đầy yêu thương của chị nhanh chóng đi vào lòng độc giả.