6. Cấu trúc luận văn
2.2.5. Nhân vật nghèo khổ, bất hạnh
Người ta thường nhắc đến Nam Bộ là một vùng đất mới, con người đến từ khắp mọi nơi. Cuộc sống ở vùng đất mới quả thật không dễ dàng. Thêm vào đó những khó khăn do thiên tai xảy ra rất nhiều. Đọc Cá tính miền Nam
của Sơn Nam ta mới thấy hết được cảnh nghèo của người dân Nam Bộ. “Kinh nghiệm của người già để tổng kết là, cứ hai năm làm ăn khá giả được mùa thì bất cứ địa phương nào cũng phải gặp một năm mất mùa. Trong sáu tháng ở không chờ lúa chín hoặc sau Tết chờ khi trời đổ mưa, người dân sống bằng nợ, vay với tiền lời quá cao. Những năm thu hoạch ở mức trung bình, người làm ruộng chỉ đủ ăn cho tới tháng ba, tháng tư âm lịch là vay lúa, vay tiền. Mấy tháng rảnh rỗi ấy, người dân ở quê vì thiếu công nghệ nên chỉ có một con đường là sống lê thê, trước sau gì cũng nghèo, không chơi thì chẳng làm gì sinh lợi cả” [24; 8]. Điều đó lý giải vì sao ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh người dân nghèo lam lũ trong tác phẩm của những cây bút Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Đoàn Giỏi, Sơn Nam…
Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư hình ảnh những người nghèo khổ, bất hạnh cũng là hình ảnh đậm, phổ biến, có sức ám ảnh với người đọc. Nhiều lúc ta tự hỏi: Có cái nghèo đến thế thật sao trong thời buổi này? Trong Bến đò xóm Miễu nhân vật Lương phải chèo đò từ năm 12 tuổi. Nhà Lương rất nghèo chỉ có cái chòi rách tả tơi. Anh chèo qua 9 con đò, bến đò qua tay chủ tới 4 lần mà anh vẫn nghèo, xơ xác. Trong Biển người mênh mông nhân vật Phi sống cùng bà ngoại, khi lớn lên thôi học đi theo đoàn hát. Đến khi 30 tuổi Phi
vẫn ở một mình, sống nghèo đói. Nhiều đứa trẻ tứ cố vô thân, bị bỏ rơi lang thang, phiêu bạt khắp nơi khắp chốn lớn lên bằng ăn nhờ ở đậu, ban ngày thì sống lay lắt, ban đêm thì trú nhờ dưới mái hiên nhà người khác. Diễm Thương và Thân trong Cải ơi cô bé Tiên trong Nửa mùa…là những kiếp người sống vất vưởng như thế !
Cái nghèo đói nhiều khi đẩy con người vào hoàn cảnh bất hạnh, tan tác, chia rẽ. Trong cuộc sống hiện đại, lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng nhiều. Người vợ trong Cánh đồng bất tận chỉ vì những mảnh vải mới mà sẵn sàng bỏ chồng, bỏ con để ra đi. Huệ và Thi vốn yêu nhau, chắc sẽ là một cặp đôi xứng với nhau nếu không vì tiền. Vì tiền Thi chuyển lên huyện dạy và rồi anh không trở về với Huệ nữa (Huệ lấy chồng). Không chịu nổi cuộc sống nghèo túng khó khăn nên Ái đã bỏ Trọng đi theo thày giáo Thành (Nhà cổ). Những xô đẩy của cuộc sống đã dồn họ đến sự cùng quẫn. Bông vì nghèo phải đi bán bia ôm (Bến đò xóm Miễu). Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư nói nhiều đến những thay đổi của cuộc sống: dịch cúm gia cầm, tiêu cực trong xã hội kinh tế thị trường… chính những điều đó đã đẩy người dân vào cảnh sống nghèo khó, túng quẫn...
Nhưng nghèo vật chất mà tinh thần không nghèo. Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, hầu hết nhân vật đều nghèo, phải lao động vất vả, cực nhọc, song họ vẫn luôn là những người nghĩa hiệp, giàu lòng nhân ái, yêu thương. Thật đáng trân trọng cho “những con người có tình, có nghĩa dễ gì bỏ được nhau” (Làm mẹ). Lời dạy của người mẹ trong truyện Qua cầu nhớ người thật đáng nể trọng “có nên nói hay không lời xưa rày má thường dạy thằng con trai lớn, rằng sống trên đời, thấy phải thì làm, mà làm thì cũng đừng nghĩ sẽ được đáp đền xứng đáng, vì có những thứ quý giá lắm, chẳng gì bù đắp được đâu”. Người Nam Bộ sống nặng với chữ tình nên trước cuộc sống hiện đại con người càng cần vững vàng lên rất nhiều. Đây là lời nhắn nhủ của một người cha với con trai “ Coi chừng sống trong cuộc sống toàn
máy lạnh làm cho máu người ta lạnh đi. Còn mày, mày lạnh được bao nhiêu phần rồi? Nói chuyện tao nghe không được”. Ồng Hai trong Cái nhìn khắc khoải dù cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng vẫn sẵn lòng cưu mang cô Út khi gặp cô ngồi khóc trên bờ kênh. Ông đưa cô Út về nhà, đối xử với cô tử tế, đúng mực, chăm sóc cô chu đáo. Biết cô gái vẫn còn để lòng thương người chồng cũ đã bỏ cô đi, ông không quản ngại, cất công tìm giúp cô. Ông sẵn lòng giúp cô, giúp mọi người mà không gợn một chút vụ lợi. Ông già Tư Nhỏ trong Đau gì như thể mở rộng vòng tay cưu mang cô Cúc và đứa con trong bụng cô. Dù đứa bé không phải là con mình, nhưng ông hết lòng yêu thương nó, ngay cả khi cô Cúc bỏ ông ra sống ngoài xóm chợ. Khi Nga có thai, dân làng đàm tiếu, nghi ngờ ông hại con gái nuôi. Dù rất đau khổ, nhưng ông vẫn không oán giận, trách mắng Nga, trái lại hết lòng đối xử tốt với Nga và đứa con của cô. Chỉ có lòng nhân hậu, bao dung, ông mới có thể sống nghĩa hiệp được như vậy. Ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc đã dành cả cuộc đời và tình yêu cho Đào Hồng dù cô không nói với ông một lời yêu thương. Mỗi khi cô gặp khó khăn ông đều mở rộng vòng tay giúp đỡ. Khi Thương Thanh – người Đào Hồng yêu và suốt đời khắc khoải chờ đợi – đến tìm cô, mặc dù rất buồn nhưng ông Chín đã giấu kín nỗi đau của mình, để bà vui và hạnh phúc. Ông Chín tiêu biểu cho tinh thần nghĩa hiệp xả thân vì người khác, nâng đỡ người khác của con người Nam Bộ.
Thế hệ già đã vậy. Thế hệ trẻ cũng sống rất có tình có nghĩa. Lương dù nghèo nhưng anh là con người có tấm lòng bao dung “Chứng kiến những gì cuộc đời đối xử với Bông, Lương nảy sinh tình cảm với Bông, vui buồn với những cảm nhận của Bông. Anh sẵn sàng đón nhận Bông trở về ngay cả khi Bông đã là một người tàn phế” (Bến đò xóm Miễu).
Tiểu kết
Trở lên, chúng tôi đã khảo sát những dạng nhân vật tiêu biểu trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Thực tế, thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư rất đa dạng, chân thật với những con người của chính vùng đất Nam Bộ. Có thể nói, cuộc sống, con người Nam Bộ và quan niệm văn chương, quan niệm về con người của Nguyễn Ngọc Tư đã chi phối, để lại những dấu ấn đậm trong thế giới nhân vật của chị. Nguyễn Ngọc Tư có khả năng phát hiện những nét tính cách đặc sắc, những uẩn khúc tinh vi, sâu thẳm trong lòng người và thể hiện nó một cách xúc động, đầy ám ảnh.
CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ