Nhân vật cô đơn

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 57)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.4.Nhân vật cô đơn

Nhân vật cô đơn là kiểu nhân vật khá phổ biến trong văn học Việt Nam đổi mới. Kiểu nhân vật này trở thành một chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều cây bút văn xuôi hiện nay. Cuộc sống hiện đại với những guồng quay hối hả đã cuốn con người vào nhịp sống nhanh, thậm chí vội vàng. Nhưng trước những thay đổi đến chóng mặt của cuộc sống, con người lại cảm thấy khó hòa nhập và có cảm giác bị cô đơn. Chính vì thế, các nhà văn chọn viết nhiều hơn về nỗi cô đơn. Thậm chí có những lúc chính họ cũng rơi vào trạng thái cô đơn trong hành trình sáng tạo của mình. Nguyễn Ngọc Tư là một tác giả như thế. Chị tự nhận: “Trong cõi văn chương, tôi là đứa cực kỳ cô đơn. Nếu tôi rất dễ dàng để nhân vật của mình sống trong cô đơn tận cùng. Trong hoang hoải chán trường. Tôi cũng như những con người trong Cánh đồng bất tận, sống giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, sống giữa biển người nhưng có cảm giác bị bỏ rơi”.

Có người đặt vấn đề: Có thể chính thế giới sông nước mênh mông của miền Tây Nam Bộ và nhịp sống hối hả của thời hiện đại đã tạo nên cảm thức cô đơn trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu như các nhân vật của Phạm Thị Hoài đa phần chọn cô đơn như một cách thế sống, “tự cô đơn” để khước từ thực tại tầm thường thì các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư hầu hết là những con người “bị cô đơn”. Họ chỉ một mình đơn độc trong dòng đời.

Có thể nhận thấy một điều, nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu là những người nghệ sĩ và những người nông dân. Ở cả hai loại nhân vật này cô đơn là một trạng thái thường thấy. Điều đó cũng dễ hiểu bởi con người vô cùng phức tạp và bí ẩn. Đôi khi họ cảm thấy cô đơn vì lạc lõng trong một đám đông xa lạ, có khi cô đơn vì cái tôi quá cao. Họ cô đơn khi họ muốn tách mình ra khỏi số đông… Nguyễn Ngọc Tư đã đi vào khai thác rất sâu kiểu nhân vật cô đơn ấy bởi chị đã từng nói: “Là phụ nữ, dễ nuôi cô đơn để viết”. Thông qua cái cô đơn của người nghệ sĩ, cô đơn của những con người nhỏ bé giữa biển người mênh mông, cô đơn ngay cả chính trong gia đình mình chúng tôi sẽ làm rõ nét độc đáo, sâu sắc của cây bút Nguyễn Ngọc Tư khi xây dựng kiểu con người Nam Bộ cô đơn này.

2.2.4.1. Người nghệ sĩ cô đơn

Trên hành trình sáng tạo của mình, người nghệ sĩ luôn muốn cống hiến cho độc giả, khán giả những công trình nghệ thuật có ý nghĩa. Sự sáng tạo ấy luôn đi đôi với cảm thức về sự cô đơn. Họ trăn trở đi tìm cái đẹp, ý nghĩa của cuộc sống và thường hay rơi vào trạng thái cô đơn.

Điều dễ nhận thấy trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là người nghệ sĩ rất yêu nghề. Họ chấp nhận tất cả thậm chí họ có thể sống chết với nghề. Đào Hồng ốm sát chiếu nhưng vẫn đòi ra hát. Đào Hồng đã bỏ hết tất cả, trở thành một người lăng xăng trong đoàn diễn, kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo (Cuối mùa nhan sắc). Điệp trong Chuyện của Điệp sẵn sàng bỏ nhà đi theo đoàn hát, sẵn sàng đóng vai con nít suốt chỉ vì quá mê nghề ca hát này. Chú Sa trong Chuyện vui điện ảnh sẵn sàng vì đóng vai tên ác ôn khét tiếng đạt mà bị hàng xóm xa lánh. Hay như Diệu trong Làm má đâu có dễ chấp nhận xa con theo đoàn diễn lâu ngày. Nhân vật San trong Bởi yêu thương

không muốn quá khứ ô nhục của mình làm tổn hại đến môn nghệ thuật hát bội nên đã từ giã nghề ca hát.

Các nghệ sĩ sống chết với nghệ thuật, ước mơ, khát vọng lớn lao của họ là cống hiến cho sân khấu, khán giả cùng những vai diễn hay, ấn tượng và ý nghĩa. Điệp cống hiến bao nhiêu năm, luôn luôn bị nhận vai con nít vẫn không nguôi hy vọng một vai diễn chính trên sân khấu. Nhân vật đào Hồng tuy bệnh tật vẫn muốn đứng trên sân khấu, không muốn làm mất đi hình ảnh của mình với quá khứ đầy hào quang trước con mắt của khán giả. Biết trước những khó khăn sẽ đến nhưng San chấp nhận từ bỏ cuộc đời ô nhục để theo đuổi ước mơ trở thành người nghệ sĩ hát bội.

Cũng bởi chấp nhận mọi thứ để theo đuổi nghệ thuật nên họ cô đơn, lạc lõng trong thế giới con người xung quanh. Nghiệp hát khiến các nhân vật phải đi theo đoàn diễn lâu ngày, nay đây mai đó. Mối ràng buộc thường trực với người thân trở nên lỏng lẻo hơn. Trong Chuyện của Điệp, Điệp luôn sống một mình, sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Khi cô nhận nuôi bé Bơ do đào Hồng Lý bỏ lại cô đã thấy vui hơn. Nhưng sau đó đào Hồng Lý quay lại tìm con cô sẵn sàng trả lại và sống cuộc đời cũ. Ông Chín Vũ mê hát bỏ tất cả theo tiếng gọi tình cảm của mình nhưng vẫn luôn sống một mình chịu lời ra tiếng vào, ông vẫn thấy cuộc đời có ý nghĩa ngay cả trong Cuối mùa nhan sắc. Đau khổ hơn, San trong Bởi yêu thương không được thỏa nguyện và phải sống một cuộc đời cô độc. Nhiều nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư rơi vào tình trạng cô đơn do chính việc làm của họ. Tiêu biểu là hai người mẹ - hai nghệ sĩ Đào Hồng (Cuối mùa nhan sắc) và Diệu (Làm má đâu có dễ). Cả hai đều là những nghệ sĩ tài năng, say mê nghề nghiệp. Vì muốn nổi tiếng và được giữ những vai chính, chị Diệu đã gửi con cho má để tự do phấn đấu. Vì chiến tranh, vì quá nghèo và bận đi diễn nay đây mai đó, Đào Hồng đã cho đứa con của mình đi. Rồi thời xuân sắc qua đi, nghiệp diễn tàn, họ thấy cô đơn và cần có đứa con như một điểm tựa về tinh thần, một niềm an ủi thì những đứa con quay lưng từ chối họ. Họ phải chấp nhận sống tuổi già cô đơn, buồn tẻ trong cảm giác ân hận, day dứt.

2.2.4.2. Con người cô độc trong “Biển người mênh mông”

Nguyễn Ngọc Tư rất nhạy cảm trước sự cô đơn: “ Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghẹt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời…Lúc ấy tôi có một cảm giác thật kỳ lạ, chỉ mình trên cõi đời này, chỉ một mình, chẳng ai là tri ân, chẳng ai cả…”. [9; 98].

Hiện thực cuộc sống biến động từng ngày. Cuộc sống ấy tác động đến nhiều người. Nhịp sống hối hả kéo theo nhiều hệ lụy. Sống gấp, sống nhanh, sống vội vàng nhưng khi mọi thứ không theo ý muốn người ta lại dễ rơi vào trạng thái cô đơn.

M. Gorky đã từng nói: “Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là cuộc sống mà chỉ là tồn tại, không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn chính là để mà yêu”. Tình yêu là một thứ tình cảm khó lý giải, nó đem đến cho con người bao nhiêu hạnh phúc thì cũng gây ra cho con người bấy nhiêu đau khổ. Bởi thế hai người ở cạnh nhau nhưng không có tình yêu hoặc nếu chỉ có tình yêu đơn phương, thì chỉ là những con người cô đơn. Trong Cái nhìn khắc khoải người đàn ông và người phụ nữ sống cạnh nhau nhưng giống như một cuộc rượt đuổi không có điểm chung. Người đàn ông chú ý, quan tâm đến người đàn bà còn chị ta lại để tâm đến người thợ gặt mà mình yêu. Trong Dòng nhớ, cái cô đơn xoáy sâu vào lòng mỗi con người trong một gia đình: “Cả nhà ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới, cứa lui trong lòng. Bởi cái lúc này là sự xum họp đây, mà sao vẫn thấy thiếu một người, mà thiếu đúng cái người lững thững đi dưới nắng kia mới chết chứ”. [8, 126]. Trong Cánh đồng bất tận ba cha con sống cùng nhau, ăn ở cùng nhau vậy mà ta không thấy có hơi ấm gia đình trong đó. Các cá nhân trong gia đình này như các cá thể rời rạc, không gắn kết. Mẹ bỏ đi, người cha mãi đuổi theo những thù hận. Hai đứa trẻ lớn lên

không được hưởng tình cảm, sự chăm sóc của cha mẹ, không có định hướng cuộc sống.

Cũng chính bởi thế mà họ quá cô đơn, cái buồn cứ theo bám họ trong một thời gian dài thậm chí rất dài. Chỉ có tình yêu làm người ta đau khổ, cô đơn đến thế. Chàng trai mù tên Vĩnh trong truyện ngắn Nửa mùa chỉ biết thở dài khi Tiên dành tình cảm cho Sỹ dẫu biết rằng Sỹ là một kẻ chẳng ra gì. Anh chàng Hiên trong Nhớ sông chẳng thể làm gì ngoài ngâm nga câu vọng cổ buồn hiu hắt trong ngày cưới của Giang. Nỗi cô đơn còn đậm đặc hơn ngay cả trong những mối tình tưởng như gắn bó mà lại không được đến với nhau. Trong Huệ lấy chồng, Huệ và Thi yêu nhau tưởng như không có gì ngăn cản nổi, ấy thế mà khi Thi ra huyện dạy học để kiếm thêm tiền cưới vợ thì lại vướng phải mối tình với người con gái vị Giám đốc Sở Giáo dục huyện. Anh Hết yêu chị Hoài là thế nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo, không thể lấy chị về làm vợ nên đành nghe theo lời mẹ Hoài, giả bộ mải mê chơi bời, hư thân để chị yên lòng theo chồng (Hiu hiu gió bấc). Nỗi cô đơn của các nhân vật cứ tăng dần lên vì tình yêu tan vỡ cộng theo sự đánh giá của dư luận.

Phần lớn nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống giữa “biển người mênh mông” mà luôn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Họ là nạn nhân của những bi kịch, éo le, ngang trái, bị số phận xô đẩy đến nỗi cô đơn. Phi trong Biển người mênh mông thiếu thốn tình yêu thương của mẹ. Anh ở với bà ngoại nhưng một ngày kia bà cũng bỏ Phi mà đi. Phi thấy mình cô đơn, xa lạ giữa biển người mênh mông. Phi chọn nghề hát để “được sống tự do, tự tại, để được hát cho vơi đi nỗi lòng” chứ không phải để mưu sinh. Nếu không hát, Phi lại uống, uống đến say để quên đời, để vượt thoát nỗi cô đơn và mặc cảm. Phi cảm thấy mình bê tha nhưng “có ai rầy la, có ai để ý đâu mà biết”. Rồi ông già Sáu dạt vào đời anh, giúp anh vợi bớt nỗi cô đơn trong một đoạn đời ngắn ngủi. Nhưng rồi khi ông Sáu ra đi, Phi lại càng thấm thía hơn bao giờ hết sự cô đơn, vô nghĩa của cuộc đời mình.

Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận trơ trọi như hai cái cây bị bứt rễ khỏi mảnh vườn quen thuộc từ ngày mẹ bỏ đi, cha đốt nhà. Chúng sống cuộc đời du mục, chỉ biết làm bạn với gió, với đàn vịt…Chúng đắm chìm trong thế giới đó để “tạm quên đi nỗi buồn của cõi người” và để “hy vọng sẽ không bị đau như yêu thương một ai đó”. Đời sống của chúng khác biệt với những người xung quanh và không khỏi có cảm giác “nhiều lúc tôi hơi nhớ con người họ ở trong cái xóm nhỏ kia, chỉ cách chỗ chúng tôi dựng trại vài ba công đất. Họ lúc nhúc trên thị trấn kia, nơi chúng tôi vẫn thường ghé lại mua gạo, cám, mắn, muối…dự trữ cho những chuyến chạy đồng xa…nhưng tôi vẫn nhớ”. Hai chị em khao khát vô cùng “được đưa tiễn, được xao xuyến, nhìn những cái vẫy tay, được nhận vài món quà quê như buồng chuối già hương hay bó rau ngót trong vườn, cùng lời dặn dò quyến luyến “đi mạnh giỏi ghen”. Chúng nghèo quá, cô đơn quá; chúng không có bạn bè, không có mẹ, không có ông bà, chỉ có người cha ở ngay bên cạnh nhưng ông lại xem chúng như đã chết. Chính vì thế “Cái ghe thấy nhỏ vô cùng tận, loay hoay chỉ ba con người nhưng nhiều năm trôi qua, hai chị em tôi cảm thấy xa cách cha”. Mỗi con người là một thế giới riêng, không thể gần gũi, sẻ chia. Sống gần cận nhau mà lòng xa cách vô bờ. Không chỉ xa lạ nhau, họ còn xa lạ với chính mình.

Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư còn khá nhiều nhân vật khác cũng thường trực cảm giác cô đơn. Người cha trong Dòng nhớ ôm nặng mối tình xưa trĩu nặng trong lòng mà không thể chia sẻ, thổ lộ cùng ai. Những đêm dài, ông âm thầm ngồi bó gối, không đổi tư thế ngồi, ngó xuống dòng sông, nhớ về người vợ cũ. Ông như khối cô đơn đặc quánh. Xuyến trong Duyên phận so le phải âm thầm chịu đựng một nỗi đau, một bí mật riêng không thể san sẻ. Ông Mười (Mối tình muôn năm cũ) “Cả đời chỉ mong người nhà hiểu mình chứ trông mong gì người thiên hạ”, vậy mà cũng không ai chịu hiểu, chịu chia sẻ cùng ông. Ông già Chín (Cuối mùa nhan sắc) suốt đời ôm một tình yêu

đơn phương. Ông Tư Nhớ (Đau gì như thể) bị nghi oan mà không thể giãi bày. Người cha trong Chuồn chuồn đạp nước không có lỗi lầm gì, vậy mà cứ luôn cảm thấy mọi người xa lánh mình. Có thể nói, không mấy nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thoát ra khỏi cảm giác bị cô đơn. Họ cố vùng vẫy tìm cách vượt thoát cô đơn. Vĩnh trong Sầu trên đỉnh Puvan không có người thân. Kí ức còn lại của anh chỉ là “những mụn thịt rơi vãi của người thân mình trong bom đạn và đôi môi tím sẫm của người yêu khi người ta vớt cô lên ở ngã ba sông”. Anh sợ ngày mai bởi với anh “ngày mai là trống rỗng”. Tuyệt vọng, Vĩnh tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nỗi cô đơn. Các nhân vật: Ông Hai trong Cái nhìn khắc khoải, Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận, nhân vật “em” trong Gió lẻ…đều chạy trốn nỗi cô đơn bằng cách bầu bạn với chim muông, gà vịt…Để quên đi nỗi cô đơn, bất hạnh, chị em Nương đã phát hiện ra những ngôn ngữ mới để giao tiếp và “chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên đi nỗi buồn của cõi – người). Chị em tôi tìm cách yêu thương đàn vịt…nhưng nhiều khi nhìn thằng Điền dỏng tai coi mấy con vịt nói cái gì tôi giật mình, nuốt một họng đắng, tự hỏi đã đến nỗi nầy sao, đến nỗi chơi với người thấy buồn, nên chuyển qua chơi cùng vịt”. Và thật chua chát khi thấy Điền cười, phát hiện ra, hai chị em nó “hỏng nói tiếng người? Tôi nhận ra nó không hề máy môi, tôi đọc được những ý nghĩ trong Điền. Ở đó, đang có bão tơi bời, gió quất điên cuồng vào trái tim nhỏ chi chít vết đau”. Liệu cách giao tiếp mới này có giúp chúng cảm thấy vơi nhẹ đi nỗi cô đơn, nỗi buồn của cõi người?

Quả thật, nỗi cô đơn của nhiều nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư khó sẻ chia và họ cứ sống chìm đắm rất lâu trong cái vỏ bọc của sự cô đơn ấy. Một số nhân vật muốn thoát khỏi sự cô đơn bằng cách tìm kiếm, nhưng những cuộc tìm kiếm ấy phần nhiều là không thành. Họ lại càng buồn hơn. Mỗi con người là một thế giới khác nhau. Để có một điểm chung trong tình cảm thì nhân vật phải cố gắng hơn rất nhiều.

Đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, nhiều lúc có cảm giác nghẹn đắng, xót xa. Chị viết về số phận con người trong những cảm nhận về sự cay đắng chua chát mà cuộc đời đã dồn đẩy họ đến. Lối kể của chị thản nhiên nhưng lúc nào cũng khiến người đọc cảm thấy những bất ổn rồi trăn trở cùng chị để nghĩ cách giải thoát cho số phận cuộc đời mỗi nhân vật.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 57)