Nhân vật lưu lạc

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3.Nhân vật lưu lạc

Trước khi nói về kiểu nhân vật này, chúng ta có thể nhận thấy, đây là loại nhân vật đặc trưng cho tính cách con người khai phá vùng đất mới Nam Bộ. Vùng đất Nam Bộ không phải là vùng đất có cội nguồn gốc rễ lâu đời mà được biết đến như một vùng đất mới với những đặc trưng riêng chứa đầy những điều thú vị. Vùng đất nào con người ấy. Trong cuốn Đồng bằng sông

Cửu Long nhà văn Nguyễn Văn Bổng nói về quan niệm của người Nam Bộ về

nhà cửa. “Họ không cần có nhà đẹp, vì xưa nay có ở đâu được lâu. Nhà của họ là “nhà đạp”, “nhà đá”, dựng lên đó ở lại đó nhưng nếu không chịu nổi áp bức thì lại đạp đi, đá đi, đến chỗ khác mà ở”. Ăn mặc cũng vậy “họ chẳng cần mặc sang, và có thì ăn, cũng không cần lo cho ngày mai lắm”. Dân cư Nam Bộ chủ yếu là ở nơi khác đến. Trong quá trình kiếm kế sinh nhai họ không ở cố định một chỗ mà lưu lạc “lang thang xứ nầy xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê, gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau (Biển người mênh mông).

Cuộc sống tha hương phiêu dạt của những người khai phá vùng đất mới đã tạo nên nét đặc trưng trong tính cách của họ. Lớn lên trong cái nôi văn hóa Nam Bộ, tâm hồn nhạy cảm khiến Nguyễn Ngọc Tư bắt rất tinh một nét tâm hồn của người dân nơi đây: Cảm thức lưu lạc.

Do vậy, nhân vật lưu lạc thường xuyên xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Cùng với đó là bao nhiêu số phận mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thường có cuộc sống bất định, liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Không gian sống và cả không gian tâm tưởng của nhân vật luôn thay đổi. Hoặc giả có ở cố định một

nơi nhưng từ sâu xa, nhân vật vẫn nghĩ về một cuộc ra đi, vẫn chịu ám ảnh về sự chia ly phiêu bạt.

Đọc Cánh đồng bất tận ta thấy tập truyện mở ra cả một không gian mênh mông rợn ngợp của những cánh đồng ngút ngát. Công việc của những người nông dân khu vực này chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng. Họ sống lang thang vô định qua những cánh đồng. Cuộc sống của họ là sự chuyển dịch từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Với họ những nơi họ đi qua đều chứa đầy những kỷ niệm. Chính bởi thế họ coi cánh đồng là mái nhà của mình. Họ sống, gắn bó mật thiết với nó.

Có những nhân vật như nhân vật cô gái trong Gió lẻ ngày lại qua ngày sống lay lắt như cỏ dại. Cô cuốn vào đời với những số phận khác. Cô ở nhà ông Tám Nhơn Đạo rồi lang thang đến chiếc xe của ông Buồn, anh Tìm Nội. Bóng dáng nhỏ nhoi của cô lẩn khuất gió, cát, bụi nhạt nhòa. Không có một bàn tay ấm nào nắm lấy bàn tay lạnh, nhỏ bé của cô.

Khảo sát qua sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy: Một số nhân vật như ông Sáu Đèo trong Biển người mênh mông, ông già Năm Nhỏ trong Cải ơi, cha con ông Chín trong Nhớ sông, cha con Nương Điền trong

Cánh đồng bất tận, ba nhân vật trong Gió lẻ, gia đình chú Đời trong Đời như ý…là những nhân vật thể hiện sâu sắc cảm thức lưu lạc của nhà văn. Các nhân vật này cứ lênh đênh, phiêu dạt ở một nơi nào đó, không phải là nhà mình, không phải là quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Dường như cuộc đời họ là những chuyến đi, là sự kiếm tìm mỏi mòn, vô vọng. Thực ra Sáu Đèo, Năm Nhỏ, Dự…đều có nhà nhưng không thể trở về; cha Nương có nhà mà phải đốt nhà vì không chịu được sự phản bội. Điền và Nương đi hết tuổi thơ vẫn không tìm được mảnh đất dung thân, dù tên chúng là đất đai, nương rẫy.

Ba nhân vật “Em”, Dự và “gã” trong Gió lẻ đều là nhưng con người lưu lạc. Dù mỗi người có một hoàn cảnh, một suy nghĩ, một mục đích, song họ

cùng lang thang, phiêu dạt. Cả ba người đều rong ruổi trên đường, chiếc xe cũ là nhà. Họ không muốn dừng lại ở một nơi nào cố định. Những chuyến đi của họ không có điểm dừng cuối cùng. Họ chọn cuộc sống phiêu bạt như một cách để tồn tại, để trốn tránh nỗi đau, trốn tránh hiện thực giả dối. Mỗi khi nhân vật có ý định làm một việc gì đó, ngay lập tức ý thức về đời sống lưu lạc lại trỗi dậy, thức tỉnh nhân vật: Cuộc sống lưu lạc của họ không thể thực hiện được điều đó. Cũng như vậy, nhân vật “Gã: (Gió lẻ) không có ý định tạo dựng hạnh phúc lâu bền, không gắn bó cuộc đời mình với ai bởi “gã” luôn sợ mọi thứ lại sẽ biến mất và “gã” sẽ lại đau khổ. Cuộc đời “Gã” đã sớm phải chịu chia lìa, mất mát và bởi vậy “Gã” không thích có một nơi nào cố định, không muốn trói buộc mình, không muốn một cuộc sống đầm ấm…Ba cha con Nương, Điền (Cánh đồng lưu lạc) là điển hình nhất, ám ảnh nhất cho các nhân vật lưu lạc của Nguyễn Ngọc Tư. Dòng ý thức đan xen quá khứ với hiện tại của Nương thấm thía cảm giác lưu lạc. Nơi nào cũng khiến Nương cảm thấy xa lạ, mùa nào cũng làm Nương buồn nhớ ngày xưa. Những gì chứng kiến trong hiện tại đều gợi cho Nương nhớ về quá khứ tươi đẹp yên bình. Nương lưu lạc ngay trong chính dòng tâm tư của mình. Bị chịu nhiều chấn thương về tâm lý, Nương luôn mang dự cảm mong manh về hạnh phúc: “Tôi lắc đầu, bảo thôi, thí dụ mình lỡ mến người ta, mai mốt dời đi, buồn dữ lắm. Mà đã ngấm, đã xé lòng tan hoang với nỗi đau chia cắt rồi chưa sợ sao?”. Cuộc sống với Nương và Điền là một chuỗi ngày lưu lạc thực sự. Họ không có nhà cửa, liên tục di chuyển trên con thuyền nhỏ, không bạn bè, không người thân, không ai chờ đợi, níu giữ ngoài những kỷ niệm đau đớn trong quá khứ. Bị bứt khỏi những sợi dây liên kết với quê hương, họ luôn bị ám ảnh bởi tai họa, bất trắc, bởi nỗi tha hương, lưu lạc. Cảm thức lưu lạc đã khiến họ không dám hy vọng vào hạnh phúc bền lâu. “Sống cuộc đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kênh khác. Chúng tôi vô định hơn bất cứ người nuôi vịt chạy đồng nào. Vì những

cuộc tình của cha tôi, ngày càng ngắn ngủi”. Thậm chí, ngay cả việc trông mấy cây ô môi nhỏ để tìm lại cảm giác yêu thương, che chở cho những sinh hoạt nhỏ bé, Điền và Nương cũng nghĩ ngay đến hiện trạng lưu lạc của chúng! “Hai đứa ngồi nhìn công trình của mình, bỗng buồn, không biết mai này còn có kịp quay lại coi trụ cây này lớn lên, để trèo lên hái trái, để giăng cái võng, ngủ một giấc đã đời” [9; 187]. Chính cảm thức về sự lưu lạc luôn thường trực đã chi phối mọi suy nghĩ, tình cảm, hành động, ứng xử của con người. Vừa muốn thương một ai đó, gắn bó với một ai đó, chúng lại ngậm ngùi sợ gắn bó rồi lại phải chịu tổn thương như cha mình “đã ngấm, đã xé lòng toang hoang với nỗi đau chia cắt rồi, chưa sợ sao?” [9;188]. Những con người tha hương, lưu lạc luôn có cảm giác: “Dường như không còn kịp nữa để hàn gắn những đổ nát, để sắp xếp những mảnh vỡ lạo xạo trong lòng” [9; 206]. Và họ tìm về quá khứ như tìm lại bản nguyên của mình đã bị mất đi do sự đổ vỡ, mất mát những mối quan hệ, đặc biệt khi con người phải xa rời không gian sống quen thuộc. Có thể thấy các nhân vật lưu lạc trong Cánh đồng bất tận và rộng hơn trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thường có tâm trạng phức tạp, lưỡng phân: Vừa muốn hoài hương, hoài cố vừa muốn ly hương, dấn thân vào con đường mới.

Trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc còn bị ám ảnh bởi một kiểu người lưu lạc khác: Đó chính là những nghệ sĩ. Cuộc sống tại các đoàn hát cũng là một cuộc sống thường xuyên thay đổi. Nghề nghiệp của họ đòi hỏi phải nay đây mai đó. Điểm chung của những nhân vật này chính là yêu nghề, say mê với nghề. Họ chính là Điệp, đào Hồng, Diệu… Họ mang đến cho người xem những vai diễn đáng nhớ. Cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, những khó khăn trong cuộc sống không ngăn được họ đến với sân khấu. Hình ảnh những nghệ sĩ mang đậm chất nghệ sĩ. Điệp trong Chuyện của Điệp nhận nuôi bé Bơ khi cô đào Hồng bỏ lại. Điệp nuôi bé Bơ trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cô yêu thương nó hết lòng. Khi đào Hồng Lý quay trở lại xin con cô

chấp nhận trả lại. Nhân vật San trong Bởi yêu thương quá yêu ca hát sùng bái môn nghệ thuật hát bội để rồi cuối cùng đành từ giã ước mơ vì không muốn cái nghề ô nhục của mình làm tổn hại đến nó.

Nhìn chung, tuy sống lưu lạc nhưng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư luôn là những nhân vật có tình cảm, phẩm chất tốt đẹp. Tiên vốn là một cô gái lang thang nhưng rất tình cảm. Cô dành nhiều tình cảm cho một nhạc sĩ nghèo. Tiên chăm lo cho anh từng chút một. Thế rồi anh đi, anh thay đổi, Tiên vẫn nhớ về anh, không một lời oán trách. Dường như với cô được chăm lo cho người mình yêu thương là hạnh phúc lắm rồi. Trong Một dòng xuôi mải miết, Sáng vì giữ lời hứa với người đã khuất phải sống xa em, sống lang thang nay đây mai đó. Các nhân vật chấp nhận một cuộc đời lưu lạc để có một sự thỏa mãn trong tâm hồn. Ông Sáu Đèo (Biển người mênh mông) từng sống với vợ thật hạnh phúc. Chỉ một lần uống rượu say, vì nóng giận, ông mắng bà không sinh con cho ông khiến bà tủi thân, đau đớn bỏ đi. Ông hối hận, bỏ hết nhà cửa, lặn lội hơn bốn mươi năm ròng để tìm vợ. Ông chỉ mong tìm được bà để được nói một lời xin lỗi. Dù vô vọng ông vẫn cố kiếm tìm…

Dường như, đi là một cách giải quyết tối ưu của các nhân vật, bởi đó là con đường giải thoát họ khỏi những thứ mà họ cho là tù túng, kìm kẹp. Họ lưu lạc hết nơi này đến nơi khác để hy vọng về một sự thay đổi. Anh chàng Lương trong Bến đò xóm Miễu lớn lên theo những dòng xuôi ngược của những chuyến đò. Anh ta chứng kiến Bông cùng lớn lên với những bến đò xuôi ngược ấy. Cũng có lúc anh cảm thấy bất lực khi Bông nhúng mình vào cuộc sống ô nhục. Tuy vậy anh vẫn tôn trọng cô như một con người thực sự. Đón Bông về khi cô chỉ còn là một người tàn phế anh vẫn chấp nhận, bỏ qua dư luận bàn tán khen chê. Tình yêu thương của các nhân vật được thể hiện thầm lặng, qua hành động, tình cảm và suy nghĩ, mang đậm nét vị tha, cao thượng. Và bởi thế, có chiều sâu chân thực và gây xúc động sâu xa cho người đọc.

Trên con đường lưu lạc các nhân vật phải tự học cách sinh tồn, cách yêu thương đồng loại. Phần lớn các nhân vật lưu lạc trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đều là người có tình cảm, tình yêu thương sâu sắc. Không gian của tác phẩm được mở rộng hơn để nhân vật thể hiện nhân cách, phẩm chất tốt đẹp đó của mình.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 52)