“Tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng mới quý”

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.3.“Tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng mới quý”

Một trong những tính cách nổi bật của con người Nam Bộ là trọng nghĩa tình. Là người dân Nam Bộ “đặc sệt”, Nguyễn Ngọc Tư luôn luôn trọng tình nghĩa. Trong quan niệm của chị, tình cảm phải chân thành, không khiên cưỡng, không giả dối. “Tình cảm phải xuất phát từ tấm lòng mới quý”. Sự giả dối trong tình cảm sẽ gây đau đớn cho những người trung thực: “Sẽ khổ sở rất dài khi ta thấy những cử chỉ thương yêu, tai ta nghe những lời ngọt ngào mà ta biết tỏng tòng tong tất cả đều không thật”.

Trong Bùa yêu và con nhỏ thất tình, cô gái đã từ chối đi kiếm tìm một cái bùa yêu để níu giữ người cô yêu thương dù cô rất muốn. Cô cho rằng, nếu chỉ vì bùa yêu mà người đó quay lại với mình, nói những lời yêu thương ngọt ngào…thì chỉ là giả dối, còn đau đớn hơn cả thất tình bởi tình

cảm ấy có được không phải tự nguyện mà do bùa yêu. Ông Tư Mốt và bà con ở mút Cà Tha trong Thương quá rau răm đã thật lòng yêu quý Văn, nhưng chàng bác sĩ trẻ vẫn ra đi không một lời từ biệt. Chàng đã phụ lại tấm lòng của biết bao con người giản dị ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh này bởi chàng không có tình cảm chân thành với họ. Chàng đến mút Cà Tha để trốn chạy nỗi đau của mối tình tan vỡ chứ không phải vì muốn chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Vì không có tình cảm bền chặt nên chàng dễ dàng dứt áo ra đi.

Có thể nói, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đều bộc lộ tính cách của con người Nam Bộ: Thẳng thắn, bộc trực, quý trọng sự thật lòng, ghét sự giả dối, nhất là trong tình cảm. Đó là hệ quả từ quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 32)