6. Cấu trúc luận văn
3.3.1 Giọng điệu dân dã, mộc mạc, tự nhiên
Đọc sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, ta nhận ra ngay một phong cách khác so với truyền thống văn chương chỉn chu của miền Bắc với ngôn ngữ miền Nam mộc mạc, giọng điệu dân dã. Tất cả xuất phát từ cảm hứng chân thành về một vùng đất mà chị yêu quý và gắn bó. Giọng điệu dân dã, tự nhiên xuất hiện nhiều trong những trang văn của chị: Khung cảnh thiên nhiên, cảnh sống sinh hoạt chân thực của người dân Nam Bộ.
Đây có thể coi là một đoạn văn miêu tả đầy đủ nhất về sinh hoạt đời sống của người dân buôn bán trên chợ nổi ở Cà Mau: “Tôi thường đứng trên Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sông, những cái chân vịt gác chổng lên loang loáng dưới mặt trời / Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa để xoay lưng, để nằm co, để cúi người... mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh / Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đâu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm xới nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu những ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc / Họ chắc cũng từng yêu từng vui từng đau, từng nghe phảng phất niềm thương nhớ đất”.
Ta bắt gặp trong trang văn của Nguyễn Ngọc Tư cái không gian sông nước đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Trong tản văn Đất Mũi mù xa Nguyễn Ngọc Tư viết: “Đất Mũi thiệt tình không có núi cao, không có biển xanh, cát trắng, không cung đình cổ kính, lại càng không có phố cổ đìu hiu. Đất Mũi chỉ có bùn sình, rừng thẳm và biển. Dẫu biển không xanh ngằn ngặt mà đục ngầu phù sa nhưng ở đây nhiều biển lắm. Biển đằng trước, biển bên phải, biển bên trái. Bình minh, mặt trời từ biển quẩy nước ngoi lên rồi khi chiều về, mặt trời chin đỏ già nua lại ngụp về biển sau một ngày tự cháy”. Những suy ngẫm được viết với giọng điệu tự nhiên như nó vốn có như vậy khiến tác phẩm trở nên gần gũi, tự nhiên.
Cuộc sống gắn bó với sông nước thân thiết tới mức tâm hồn người dân cũng mênh mông, khoáng đạt. Vì vậy cho nên Giang trong Nhớ sông, đã đi
lấy chồng rồi mà vẫn còn mơ giấc mơ trên thuyền ghe. Nhớ sông, nhớ nhà nên cô rời bỏ nhà chồng để quay về với bố và em gái. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống tình cảm, đối đãi với nhau bằng tình cảm.
Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư thích tự do, không ưa cầu kì hình thức, bởi thế lời nói của họ cũng rất tự nhiên. Nhiều khi ta có cảm giác ở tác phẩm của chị lời văn gần với văn nói. Cho nên những trang văn của chị cứ tự nhiên đi vào lòng người đọc. “Một bữa gió dầm dề, khách vắng teo, mười ba nhân viên khu du lịch văn hóa So Le tổ chức nhậu nhẹt, xong rồi thì coi ai có cuộc đời buồn nhất. Mới biết dì Chín nấu bếp hồi nào giờ chưa từng biết yêu ai; con Mỵ nghèo toàn mặc đồ cũ của chị Hai, mười tám tuổi mới vung vinh được bộ quần áo của chính mình; Hường thì yêu thầm nhớ trộm ông thầy dạy Toán… Xuyến kể sau cùng, bằng cái giọng hết sức điềm nhiên, cô nói mười bảy tuổi có yêu một người, yêu đến nỗi bỏ cha mẹ theo tình. Mười tám tuổi thằng nọ phũ phàng, bỏ cù bất cù bơ giữa chợ. Lúc ấy đã không còn đường về nhà nữa” [9; 135].
Nhân vật chính trong những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là nông dân nên ta thấy rõ được tính cách bộc trực, thẳng thắn của họ. Cảm hứng chính của chị được tạo nên từ những số phận nhỏ bé, từ những người nông dân cần cù lam lũ ấy. Những người nông dân, những người nghệ sĩ nghèo khổ - những con người gắn bó sâu sắc với mảnh đất Nam Bộ. Cho nên trong văn Nguyễn Ngọc Tư có sử dụng dày đặc ngôn ngữ Nam Bộ, ví dụ: Bí thơ (bí thư), đờn (đàn), thiệt (thật), linh đinh (lênh đênh), mếch lòng (mích lòng). Theo những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư chúng tôi nhận thấy số lượng khẩu ngữ khá lớn trong văn chị: Cà chớn, nghèo cù nèo, cà lơ phất phơ, rã cặp giò, mát trời ông địa, tổ cha, mắc dịch, biết chết liền,… Người Nam Bộ khi đọc tác phẩm của chị có thể thấy rõ được bản thân mình trong đó.
Ta bắt gặp trong trang văn của Nguyễn Ngọc Tư cuộc sống thực như nó vốn có nhờ giọng văn mộc mạc, dân dã này. Sự thiếu thốn về vật chất, sự thiếu hiểu biết cũng là những nét chân thực qua giọng kể tự nhiên của Nguyễn Ngọc Tư: “… Bên đường thấp thoáng nhiều nấm đất con con của những đứa trẻ kiệt sức vì bị đẹn mà chỉ được rơ miệng bằng cỏ mực, những đứa trẻ bệnh sốt xuất huyết chỉ chữa bằng cạo gió, uống nước mía lau, rễ tranh, những đứa trẻ mắc thương hàn bị thủng ruột vì tự do chạy ra vườn ăn ổi chua, ổi chát…” [9; 18].
Những ảnh hưởng của thiên nhiên cũng thật là khắc nghiệt mang đặc trưng vùng miền Nam Bộ “… Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn…” [9; 155].
Trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư ta bắt gặp giọng điệu tự nhiên ấy càng nhiều: “Ngồi trên xe không biết làm gì cho qua cơn hoang mang mệt mỏi này, đành ngó ra cột cây số với một niềm hi vọng mãnh liệt nào đó. Và cái bệ bê tong lùn beo lùn bít được trân trọng thái quá, qua được một cột cây số, vài ba người lại reo lên như gặp bạn cũ, gặp má đi chợ mua bánh ú về. A Tep- 50km. Trưa xế rồi, xe chao lắc liên tục nên ai cũng đói, A Tep là niềm hi vọng lớn. Đã chuẩn bị trước tinh thần là đường vắng, người thưa, ít hàng quán nên lúc trưa dừng chân lại quán xôi định mua xôi hộp, chị chủ quán nói bằng giọng Quảng Trị đặc sệt, hết xôi gà rồi, chỉ còn xôi trộn thôi. Mình nghe thế nào mà thanh xôi chồn, thấy hơi dã man, chạy ra xe xin ý kiến tập thể, “Xôi chồn, dám ăn không?” Mọi người hơi hoảng, bảo xôi gì ghê vậy, thôi, đi. Bây giờ thì hối hận, bây giờ thì đang đói và hoang mang, A Tep – 46km”. Hay một không gian quán xá tự nhiên như nó vốn có xuất hiện “Ta có một chiều ngược ngạo, mang tiếng là đi chơi nhưng phải len lỏi chen chúc mới tìm được một chỗ ngồi trong khuôn viên quán. Chiều xuống rồi mà cả người nhễ nhại
mồ hôi. Đã vậy, các cô tiếp viên mặt đẹp mà quạu đeo. Bạn khoát tay “Chịu cực một chút, ở đây chim sẻ nướng muối ớt ngon dã man. Đi nhậu chớ có phải làm thơ đâu mà tìm chỗ đẹp”. Lâu lắm mới gặp nó, nhưng chẳng thể trò chuyện, xung quanh ồn đến mức chỉ có thể ngó nhau cười gật gật, cuối cùng (hay bắt đầu?) là cụng ly”. Thiên nhiên và cung cách sinh hoạt đều mang đậm chất Nam Bộ.