6. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Con người “Sống là luôn hy vọng…”
Thực tế, cuộc sống của con người luôn có hai mặt thuận lợi suôn sẻ và khó khăn, bất hạnh. Để tồn tại, do vậy con người phải biết đối mặt với cả những bất hạnh, khó khăn và như vậy, hy vọng luôn là liều thuốc hữu hiệu, là sức mạnh giúp con người đủ sức chịu đựng và vượt qua mọi khó khăn. Quan niệm như vậy nên Nguyễn Ngọc Tư luôn khẳng định: “Sống là luôn hy vọng…Hy vọng là liều thuốc chữa được bách bệnh”. Quan niệm đó đã chi phối cách tiếp cận, phản ánh hiện thực đời sốngvà con người của Nguyễn Ngọc Tư. Chính vì vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn gian nan đến đâu, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, bất hạnh khó khăn sẽ qua đi và hạnh phúc đang đón chờ ở phía trước. Trong hàng loạt tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư:
Ngậm ngùi Hưng Mĩ, Thư từ quê, Đi qua những cơn bão khô, Chờ đợi những mùa tôm, Gió mùa thao thức…đề cập đến vô vàn khó khăn người dân đang phải chịu đựng: Từ dịch cúm gia cầm, cảnh chôn vịt sống đến cảnh “bão tôm”…Những rủi ro tưởng chừng đẩy người nông dân vốn đã chẳng giàu có gì vào cảnh trắng tay, kiệt quệ. Vậy nhưng, biết hy vọng, con người vẫn vượt qua tất cả. Sạt nghiệp vì nuôi tôm, nuôi vịt, nợ ngân hàng lút đầu nhưng người ta vẫn cười: “Rầu cũng nghèo mà cười cũng nghèo, sao mình hỏng cười, hỏng hy vọng cho đỡ khổ hả cô”. “Lúa thất thì hy vọng mùa sau, giá rẻ như bèo thì cứ đinh ninh năm sau được giá. Lứa tôm này chết thì chờ lứa sau. Lúc thả bọc tôm như cây kim xuống
đầm, vẫn mong mai này còn gặp lại chúng”. Chính những người nông dân
lạc quan “hết thuốc chữa” ấy đã khiến tác giả phải ngạc nhiên. “Tôi nhận ra rằng, nông dân mình xưa nay có món đặc sản độc lắm, nhờ món đó mà họ sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Đó là hy vọng”. Chính hy vọng tạo ra sức mạnh giúp con người vượt lên khó khăn thực tại để tiếp tục sống và gây dựng tương lai.
Trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cũng xuất hiện khá phổ biến những con người sống bằng hy vọng. Tiêu biểu là Nương trong Cánh đồng bất tận. Từ nhỏ Nương đã phải chịu bao bất hạnh, thiếu thốn tình cảm thương yêu của cha mẹ. Sống bên cạnh người cha đầy lòng thù hận, Nương vẫn hy vọng một ngày nào đó cha cô sẽ thay đổi, cuộc sống của cha con cô sẽ tốt đẹp hơn. Nương cứ níu giữ niềm tin đó để sống. Ngay cả khi đứa em trai bỏ đi, cả khi thân mình bị làm nhục, cô vẫn nghĩ: Nếu cô có con, cô “sẽ đặt tên nó là Thương, Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường…Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Ở hoàn cảnh của Nương, phải lạc quan lắm, giàu lòng hy vọng lắm, con người mới có thể vượt lên oán hận và không nghĩ đến cái chết. Đúng như Nguyễn Ngọc Tư từng phát biểu: “Con người mà tắt hy vọng thì chết còn sướng hơn”. Chính hy vọng giúp con người đủ sức mạnh, đủ nghị lực để sống.