Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư với nhân vật của

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 42)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư với nhân vật của

của một số nhà văn nữ cùng thời

Mỗi nhà văn đều có quan điểm và cách thức xây dựng nhân vật riêng hay nói cách khác là mỗi nhà văn đều tìm cho mình một lối đi riêng. Cách mà nhà văn tạo dựng tên tuổi của mình đó chính là tạo được nhân vật của riêng mình, nhắc tới Huấn Cao ta nhớ ngay đến Nguyễn Tuân, nhắc đến Chí Phèo ta nhớ ngay đến Nam Cao… và còn rất nhiều nhà văn nổi tiếng khác, mà tên tuổi của họ luôn gắn liền với nhân vật mà họ tạo dựng được. Cho dù mỗi nhà văn đều có ý thức tìm cho mình một lối đi riêng nhưng do đối tượng mà họ phản ánh đều là những con người nên nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn cũng có những điểm gặp gỡ thú vị, đó là tất yếu khách quan. Trên văn đàn Việt Nam hiện đại, đương đại, người ta nhắc nhiều tới các nhà văn nữ: Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… Những nhà văn này đều có những thành công nhất định trên con đường tìm tòi đổi mới truyện ngắn. Ở mỗi nhà văn chúng ta ghi nhận những thành công của họ ở nhiều phương diện khác nhau nhưng nổi bật của họ chính là khả năng đi sâu vào khai thác đời sống tinh thần của con người hiện đại. Trong số những nhà văn trên, chúng tôi thấy có sự gặp gỡ khá thú vị giữa nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư với nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ và Đỗ Bích Thúy.

Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy là hai tác giả trẻ với hai phong cách khác nhau. Cả hai người đều cùng tầm tuổi với nhau tuy vậy mỗi người đều có cách lĩnh hội kiến thức và tài năng văn chương bẩm sinh khác nhau. Nguyễn Ngọc Tư được coi là một hiện tượng với chất Nam Bộ đặc sệt. Giống với Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy cũng làm người đọc nhớ ngay tới chị qua một phong cách văn đậm chất miền núi. Tuy vậy nhân vật trong truyện ngắn của hai nhà văn đều chứa đựng những bi kịch. Ở Cánh đồng bất tận các nhân vật đều rơi vào bi kịch, các nhân vật đều có lòng tốt, tính hướng thiện nhưng bị đẩy vào cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, dốt nát, lam lũ, cuộc

sống ngột ngạt tù túng. Người vợ nhẹ dạ bị vật chất quyến rũ bỏ đi không một lời từ biệt. Người cha vì bị phụ bạc quyết tâm trả thù đời bằng cách quyến rũ vợ người khác rồi vứt bỏ họ giữa chừng. Hai đứa con đáng thương sống vạ vật. Thế rồi Điền bỏ đi chạy theo người đàn bà bị sỉ nhục. Nương bị hãm hiếp ngay trước mặt người cha đang bị đè nén xuống. Đọc xong Cánh đồng bất tận

không ai là không có cảm giác về sự đau khổ mà các nhân vật phải gánh chịu. Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đi sâu vào khai thác những dằn vặt đau khổ của tâm hồn nhân vật. Trong Gió lẻ người đọc có cảm giác rơi vào cài vòng xoáy hun hút sâu của những cơn gió vô hồn. Một cô bé 6 tuổi đầu phải chứng kiến cái chết nhọc nhằn, oan khuất của mẹ: “Mẹ em không trả lời lẳng lặng vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em treo mình đung đưa trên xà nhà”. Và khi người cha nói về cái chết vô trách nhiệm của vợ mình, cô bé không chấp nhận được lời nói dối ấy dù mãi về sau. Từ đó em như cơn gió lẻ lang thang, cô đơn bất định giữa dòng đời, Cái cô độc hiu hắt của Gió lẻ cứ mãi ám ảnh người đọc. Cái quá khứ luôn theo mãi nhân vật một cách nhức nhối.

Trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy quá khứ luôn ám ảnh người dân lâu dần trở thành định kiến, cho số phận của Kim trở thành bi kịch. Trong tác phẩm Bóng của cây sồi, Kim rất xinh đẹp nhưng lại bị dân làng xa lánh chỉ vì mẹ sinh Kim ra sau vụ cưỡng bức của đám thổ phỉ. Với những người dân thì dòng máu đang chảy trong người cô là dòng máu đen, dòng máu của loài quỷ dữ. Chính bởi vậy Kim không lấy được người mà cô yêu. Và Phù cũng không dám vượt qua định kiến để đến với tình yêu của mình.

Sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng có những nét tương đồng với sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Chị hay nói về những bất hạnh của người phụ nữ. Chị để cho nhân vật của mình cố chịu đựng và mong muốn được giải thoát để cho “không còn nỗi cô đơn cố hữu, không còn nỗi khắc khoải chờ mong”… Nhân vật trong Đêm dịu dàng là cô gái thật đáng thương. Cô bị lừa

dối, cô cảm thấy đau khổ sau chuyện bị lão thủ trưởng già quấy rối trong phòng làm việc đúng lúc anh đẩy cửa vào. Chính cái lúc cô luống cuống đi tìm anh để giải thích thì thấy anh đang cười khả ố với lão thủ trưởng già về chuyện vừa xảy ra với cô. Bấy giờ cô mới nhận ra con người mình đang thương yêu đã thay lòng đổi dạ. Sự chung thủy, niềm tin đã bị xúc phạm. Mọi đau khổ, lừa dối tồn tại xung quanh chỉ có một cách để giải thoát cô khỏi điều đó chính là cái chết. Nhưng cô không làm được. Cũng bởi vậy cô lâm vào thế cô đơn, buồn chán tuyệt vọng.

Nhìn như vậy, có thể thấy, sáng tác của ba tác giả nữ này đều chú trọng đến nhân vật, nhất là nhân vật người phụ nữ. Nhân vật của ba tác giả cũng có những điểm chung: Nhân vật rơi vào bi kịch khi khát vọng tình yêu và hạnh phúc bị chà đạp.

Mặc dù có khá nhiều điểm tương đồng nhưng nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư và nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy không hề bị hòa lẫn vào nhau. Mỗi nhà văn lại mang đậm nét phong cách của từng vùng miền: Nguyễn Thị Thu Huệ là gương mặt đại diện cho văn học miền Bắc, Nguyễn Ngọc Tư là đại diện cho văn học miền Nam và Đỗ Bích Thúy đại diện cho văn học miền núi. Tuy vậy cái chất vùng miền Nam Bộ “đặc sệt” trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư gây nhiều ấn tượng sâu đậm với người đọc.

Một phần của tài liệu Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (Trang 42)