Quá trình hình thành và phát triển của du lịch homestay ở Việt

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện phát triển du lịch homestay ở Sa Pa (Lào Cai (Trang 48)

7. Bố cục và nội dung chủ yếu của luận văn

1.2.2.1.Quá trình hình thành và phát triển của du lịch homestay ở Việt

Người Việt Nam biết đến hình thức homestay qua hành trình thường niên của con tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP), cập cảng lần đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995. Con tàu mang tên Nippon Maru này có sự tham gia của hàng trăm thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản, lần lượt cập cảng biển của các nước thành viên. Khi cập cảng một nước, các thành viên trên tàu ngoài việc cùng tham gia những hoạt động văn hóa cộng đồng sẽ được bố trí đến ở tại nhà những người dân bản xứ. Qua những năm tham gia tàu Thanh niên Đông Nam Á, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã được sống trong các gia đình người Nhật, Malaysia, Thái Lan… Ngược lại, nhiều bạn trẻ nước ngoài đã ở tại các gia đình người Việt để học hỏi, tìm hiểu về văn hóa, lối sống… Từ đó, người Việt Nam bắt đầu làm quen với tên gọi của một loại hình du lịch homestay.

Tuy nhiên, sự hình thành của du lịch homestay ở Việt Nam không phải xuất phát từ ý tưởng của các công ty lữ hành mà từ nhu cầu và sự thâm nhập của những khách du lịch “Tây ba lô”. Nhiều khách du lịch khi đến Việt Nam đã nhờ môi giới, hướng dẫn viên hoặc tự liên hệ để được nghỉ homestay ở những gia đình người Việt thân thiện với mục đích tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa bản địa.

Những công ty lữ hành như Saigontourist, Handspan Adventure Travel… nhận thấy đây là một loại hình du lịch mới hứa hẹn những sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn khách du lịch nên họ bắt tay vào việc thiết kế, xây dựng, quảng bá, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch homestay. Cho đến nay, công ty lữ hành vẫn đóng vai trò chủ chốt trong kinh doanh loại hình du lịch này. Công ty đã tổ chức thực hiện một số chương trình du lịch homestay tại các điểm du lịch miền núi phía Bắc hay vùng sông nước phương Nam, chương trình du lịch “Một ngày làm dân phố cổ” ở phố cổ Hội An hay “Ăn Tết với người Sài Gòn” nhân dịp Tết âm lịch hàng năm.

Du lịch homestay đã bước đầu phát triển ở một số nơi như: Sa Pa, Mai Châu, Ba Bể, Hội An, Huế, Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long… Như vậy, du lịch homestay đã được triển khai tại các địa bàn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và cả đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi…

Hiện nay, với mục đích hỗ trợ ngành du lịch phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn vào công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, một số nước và tổ chức quốc tế đã dành nhiều trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho du lịch Việt Nam nhằm xây dựng mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng, du lịch vì người nghèo, phát triển hệ thống nhà khách - nhà nghỉ nông thôn. Với tên gọi khác nhau, các dự án đều có chung mục tiêu là bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch. Dự án khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động du lịch với các hoạt động như cung cấp dịch vụ lưu trú, sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, phương tiện vận chuyển… [18, tr.72]

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện phát triển du lịch homestay ở Sa Pa (Lào Cai (Trang 48)