7. Bố cục và nội dung chủ yếu của luận văn
1.1.6.2. Điều kiện về không gian
Để du lịch homestay phát triển thì phải có không gian để tổ chức thực hiện. Không gian của du lịch homestay bao gồm không gian vùng và không gian nhà. Hai không gian này có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Không gian vùng bao hàm không gian nhà hay nói cách khác, không gian nhà là yếu tố cấu thành không gian vùng. Hai không gian này bổ trợ và làm nổi bật giá trị của nhau. Du lịch homestay phát triển phải có sự kết hợp hài hòa của hai không gian này. Nếu không gian vùng hấp dẫn mà không gian nhà đơn điệu hay ngược lại, không gian nhà độc đáo mà không gian vùng sơ sài thì rất khó thu hút khách du lịch.
* Không gian vùng
Trước hết, vùng phải là môi trường sống an toàn, không tiềm tàng các nguy cơ, sự cố thiên tai như lũ quét, nhiễm xạ… Bên cạnh đó, không khí trong lành cũng là một trong những điều kiện quy định cho không gian vùng. Môi trường sống phải đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường thể hiện ở nguồn nước sạch, chuồng trại gia súc xa nhà…
Thứ hai, cảnh quan sạch đẹp, mang đậm sắc thái vùng. Thành thị phải khác với nông thôn, làng đồng bằng phải khác với làng miền núi, làng người Thái phải khác làng người Mông. Cảnh quan phải có những đặc trưng riêng. Đặc trưng này được thể hiện ở cấu trúc không gian vật chất của vùng: đường xá, không gian ở, không gian sản xuất (nương rẫy, cánh đồng lúa…)
Thứ ba, vùng phải có hệ thống cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc đi lại của khách du lịch: giao thông trong vùng và giao thông từ vùng này đến vùng khác. Du lịch ngày nay phát triển một phần cũng là do khoảng cách giữa các vùng miền ngày càng được rút ngắn với sự thuận lợi về giao thông và các phương tiện vận chuyển. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách.
Thứ tư, vùng phải chứa đựng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Tài nguyên du lịch tự nhiên đối với du lịch homestay không phải là điều kiện tiên quyết nhưng cũng là yếu tố bổ trợ nhằm thúc đẩy, lôi cuốn khách du lịch để họ quyết định tham gia hoạt động du lịch homestay. Hoạt động tham quan thắng cảnh, khám phá những thành tạo của thiên nhiên sẽ làm chuyến du lịch phong phú và thú vị hơn bên cạnh hoạt động ở nhà dân của khách du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là truyền thống văn hóa bản địa là chìa khóa quan trọng nhất để phát triển loại hình du lịch homestay. Văn hóa bản địa bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa vô thể là hệ thống những giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo và tích lũy bởi một tộc người nhất định tại một vùng đất nhất định trải dài trong suốt quá trình sinh hoạt và sản xuất như: công trình sinh hoạt, công trình tôn giáo, lễ hội, trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán… Văn hóa bản địa mang tính đặc trưng vùng và đặc trưng tộc người, là một vệt màu riêng biệt trong bức tranh văn hóa đa sắc màu. Đó là nguyên liệu chính tạo nên sự thành công của hoạt động du lịch homestay, là điểm hấp dẫn của chuyến đi, là mục đích của khách du lịch khi tham gia chương trình du lịch này. Thông qua việc ở nhà dân, cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt với gia đình người dân bản địa để tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của tộc người đó tại vùng đất đó. Văn hóa bản địa chính là cái đích cuối cùng mà khách du lịch muốn khám phá. Vì vậy, văn hóa bản địa càng độc đáo thì càng thu hút và hấp dẫn được đông đảo khách du lịch tham gia du lịch homestay.
* Không gian nhà
Trước hết đó phải là những ngôi nhà mang nét đặc trưng của vùng về cảnh quan, kiến trúc. Cảnh quan và kiến trúc của ngôi nhà phải mang đậm tính văn hóa truyền thống của cộng đồng và là hình ảnh đại diện của vùng.
Thứ hai, ngôi nhà phải đảm bảo yếu tố an ninh và vệ sinh. Yếu tố độc đáo trong kiến trúc, xây dựng phải được bổ sung bởi yếu tố an toàn, thuận tiện cho khách du lịch trong ăn ở, sinh hoạt. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh phải được quan tâm và đầu tư đúng mức như vấn đề nước sạch hay thiết bị vệ sinh… Dù kiến trúc nhà có
độc đáo, văn hóa nhà có hấp dẫn nhưng không có nước sạch hay không có nhà vệ sinh tiện nghi thì cũng không thể níu chân khách du lịch, càng không thể kéo dài thời gian lưu trú. Vì vậy, muốn tổ chức du lịch homestay thì chủ nhà và chính quyền địa phương trước hết phải chú trọng đến vấn đề vệ sinh cho không gian nhà.
Thứ ba, không gian nhà phải mang đậm nét văn hóa bản địa. Văn hóa bản địa được thể hiện từ nội thất, cách bài trí, ẩm thực đến trang phục, cách ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Mỗi một tộc người lại có những phong tục tập quán và hành vi ứng xử khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm của họ về thế giới và con người xung quanh. Đó chính là văn hóa bản địa được thể hiện trong không gian nhà. Những nét văn hóa bản địa này là tài sản vô giá của cộng đồng và là tài nguyên du lịch tiên quyết để tạo nên sức hấp dẫn của một điểm du lịch. Văn hóa bản địa càng độc đáo thì càng có giá trị và thu hút khách du lịch tham gia du lịch homestay.
Thứ tư, không gian nhà nên có những khoảng không riêng biệt dành cho khách du lịch. Đặc trưng của loại hình du lịch homestay là khách du lịch cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt với chủ nhà nhưng một không gian riêng tư sẽ tạo cho khách du lịch cảm giác thoải mái, đặc biệt là đối với khách du lịch có tập quán sinh hoạt trái ngược với chủ nhà.
Như vậy, không gian dành cho du lịch homestay đòi hỏi những điều kiện riêng mang tính độc đáo, truyền thống mà không phải không gian nào cũng đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Việc tổ chức không gian này cần có sự phối kết hợp của các bên tham gia nhằm đem lại hiệu quả môi trường, kinh tế - xã hội cho vùng và cho nhà.