Người dân địa phương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện phát triển du lịch homestay ở Sa Pa (Lào Cai (Trang 105)

7. Bố cục và nội dung chủ yếu của luận văn

3.2.4.1. Người dân địa phương

Những hộ gia đình tham gia kinh doanh du lịch homestay ở Sa Pa là những hộ gia đình dân tộc thiểu số. Đó là người Giáy ở xã Tả Van; người Tày ở xã Bản Hồ, Thanh Phú; người Mông ở San Xả Hồ; người Dao ở Tả Phìn. Đây là những tộc người không chỉ chiếm đa số trong tổng số dân của cả huyện mà còn ghi dấu ấn văn hóa rõ nét trên vùng đất này. Họ có lịch sử định cư lâu đời và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc tộc người. Khách du lịch homestay tìm thấy ở các tộc người này những nét văn hóa bản địa đặc sắc, độc đáo mà họ mong muốn tìm hiểu, khám phá. Trong số những tộc người trên thì người Giáy ở Tả Van và người Tày ở Bản Hồ làm du lịch homestay sớm nhất và hiện tại là thành công nhất. Nguyên nhân là do Tả Van và Bản Hồ là hai xã nằm cách xa trung tâm thị trấn Sa Pa nên việc nghỉ qua đêm tại bản tạo thuận lợi cho khách du lịch trong việc kết nối tour du lịch tham quan làng bản. Hơn nữa, người Tày và người Giáy có phong tục tập quán đón khách cởi mở hơn người Mông và người Dao. Vì vậy, bản của người Giáy và người Tày trước kia và hiện nay luôn là bản có doanh thu cao hơn và kinh nghiệm kinh doanh du lịch homestay nhiều hơn các bản khác.

Các hộ gia đình tham gia kinh doanh du lịch homestay đã tạo ra những nguồn thu nhất định cho gia đình. Các hộ kinh doanh du lịch homestay tại tất cả các bản có điều kiện vật chất khá giả hơn những hộ chỉ đơn thuần lao động sản xuất

truyền thống. Trung bình mỗi hộ đón khách một tháng thu nhập 500.000 - 700.000VND. Đặc biệt, những hộ đón khách đông và đều thì thu nhập hàng tháng có thể lên đến 1.500.000 - 2.000.000VND điển hình là ông Đào A Son, ông Đào A Vinh ở Bản Hồ hay nhà ông Phan Văn Páo, Hoàng Văn Châu ở Tả Van. Với nguồn thu từ du lịch homestay nhưng các hộ vẫn duy trì hoạt động sản xuất truyền thống là làm ruộng, trồng rau, chăn thả gia cầm… để đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho gia đình. Tuy nhiên, một vài hộ do làm kinh doanh du lịch homestay và do hạn chế nhân lực nên đã cho thuê ruộng sản xuất.

Dù tham gia kinh doanh du lịch homestay nhưng các hộ vẫn duy trì tổ chức gia đình truyền thống nghĩa là vẫn sinh hoạt, lao động và vui chơi giải trí theo phong tục tập quán của tộc người. Tuy nhiên, các gia đình này vẫn ít nhiều chịu tác động của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa trong hoạt động du lịch homestay nên sự mai một văn hóa truyền thống đã xuất hiện tuy chưa rõ nét. Đây cũng là một trong những bài toán khó giải đối với Sa Pa, phát triển du lịch homestay như thế nào để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương nhưng cũng phải bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống.

Theo ý kiến của người dân, một thực tế tại các bản là tỷ lệ đón khách chênh lệch rất lớn giữa các hộ gia đình đăng ký kinh doanh du lịch homestay, thậm chí có những hộ từ khi đăng ký kinh doanh chưa một lần đón khách. Và những hộ đón khách thì lượng khách đến nghỉ homestay cũng không đồng đều. Thực tế này đòi hỏi các chủ thể phải hợp tác để có những biện pháp hữu hiệu trong việc hỗ trợ người dân tuyên truyền, quảng bá, liên kết để thu hút khách, điều phối hợp lý lượng khách du lịch đến các nhà nghỉ để đảm bảo công bằng những lợi ích từ du lịch homestay đến cộng đồng địa phương.

3.2.4.2. Khách du lịch

Khách du lịch tham gia hoạt động du lịch homestay ở Sa Pa chưa được thống kê một cách chính xác và đầy đủ mà chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương chỉ nắm được số lượng khách du lịch nghỉ đêm tại bản năm 2006 là 29.621 lượt khách.

Khách du lịch nghỉ đêm tại bản bao gồm khoảng 20 - 30 quốc tịch: châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc nhưng chủ yếu vẫn là khách châu Âu trong đó phần lớn là khách Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, ngoài ra còn một lượng đáng kể khách Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, những làng bản Sa Pa đón một đối tượng khách mới, đó là dòng khách nội địa đi theo đoàn.

Khách du lịch quốc tế tham gia nghỉ đêm tại bản như một trong những hoạt động thú vị của chương trình du lịch tham quan làng bản ở Sa Pa, chỉ có một số lượng nhỏ tự liên hệ với gia đình chủ nhà để tham gia chương trình du lịch homestay theo nhu cầu cá nhân. Phần lớn khách du lịch quốc tế tham gia chương trình du lịch cùng gia đình, một số ít là đi cùng bạn bè hoặc cặp đôi. Họ là những khách du lịch có khả năng chi trả cao, đến từ những đất nước có truyền thống về du lịch homestay, là những khách du lịch ham học hỏi, khám phá những nét văn hóa bản địa ở những bản làng xa xôi. Tham gia du lịch homestay, họ không yêu cầu những tiện nghi hay dịch vụ cao cấp, chỉ là những tiện nghi tối thiểu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu hàng ngày nhưng những sản phẩm đó phải đảm bảo yếu tố an toàn và vệ sinh. Đối với du lịch homestay, yêu cầu của họ thường là: môi trường tự nhiên trong lành, cảnh quan nguyên sơ, đặc biệt, văn hóa truyền thống giàu bản sắc và người dân hiếu khách… Họ thường đến nghỉ từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau và sau đó lại tiếp tục hành trình tham quan những làng bản khác theo lịch trình của chương trình du lịch.

Khách du lịch nội địa thường đi theo đoàn thể với số lượng lớn, phần lớn trong số những đoàn khách này là sinh viên. Họ nghỉ tại nhà dân theo những chương trình du lịch tự tổ chức với mục đích tham quan cảnh đẹp nguyên sơ của vùng rừng núi Sa Pa, khám phá nét văn hóa độc đáo của các tộc người và lịch trình của họ thường diễn ra những chương trình tổng kết, giao lưu, lửa trại… Thời gian lưu trú của họ thường là một ngày một đêm hoặc hai ngày một đêm. Họ có thể yêu cầu chủ nhà phục vụ các món ăn bản địa nhưng cũng có thể đoàn khách chuẩn bị dụng cụ và tự túc lương thực, thực phẩm để tự nấu ăn.

4.2.4.3. Công ty du lịch

Các công ty du lịch gửi khách tham gia du lịch homestay ở Sa Pa hiện nay đều là những công ty ở Hà Nội và Sa Pa, trong đó chủ yếu là các công ty du lịch ở Sa Pa. Các công ty thường xuyên gửi khách là khách sạn Châu Long, khách sạn Hoàng Gia, khách sạn Green Bamboo, khách sạn Auberge Đặng Trung, các khách sạn Cát Cát và một số công ty lữ hành như Topas, Đức Minh, Hanspan Adventure Travel… Đây đều là các doanh nghiệp du lịch uy tín đang hoạt động trên địa bàn Sa Pa và nguồn khách của các doanh nghiệp này đều là những nguồn khách ổn định, có khả năng chi trả cao.

Theo khảo sát điều tra, tất cả các công ty tham gia du lịch homestay ở Sa Pa hiện nay đều chưa thiết kế, xây dựng, bán và tổ chức chương trình du lịch homestay theo đúng nghĩa loại hình. Họ chỉ tổ chức những hoạt động nghỉ homestay cho khách du lịch kết hợp trong chương trình du lịch tham quan làng bản.

Các chương trình du lịch tham quan làng bản có kết hợp nghỉ homestay được ưa thích là các chương trình du lịch dài ngày xuyên các bản làng đẹp nhất của Sa Pa: Sa Pa - Cát Cát - Ý Lình Hồ - Lao Chải - Tả Van - Bản Hồ - Thanh Phú - Sa Pa. Đầu tiên, khách du lịch xuất phát từ thị trấn Sa Pa. Sau đó, khách du lịch đến tham quan Cát Cát là bản làng của người Mông với những con đường quanh co và ruộng bậc thang uốn khúc, từ Cát Cát khách du lịch rẽ sang Ý Lình Hồ và tham quan Lao Chải, Tả Van, con đường Lao Chải - Tả Van được nhiều người ghi nhận là con đường núi đẹp nhất Sa Pa vì cảnh sắc rừng cây, ruộng bậc thang, đèo dốc, thác bạc… Khách du lịch tham quan Tả Van là bản của người Giáy và nghỉ homestay để ăn tối và ngủ đêm tại nhà người Giáy, thông qua đó tìm hiểu những giá trị truyền thống của văn hóa bản địa. Sáng hôm sau, khách du lịch tiếp tục hành trình đi Bản Hồ là bản làng của người Tày với không gian vùng và không gian nhà đặc trưng, đậm đà bản sắc. Điểm đến cuối cùng là Thanh Phú, một xã vùng hạ huyện Sa Pa của người Tày và người Dao. Sau khi tham quan cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản làng, khách du lịch được nghỉ homestay tại nhà của người Tày để thưởng thức các món ăn bản địa và ngủ nhà sàn. Sáng hôm sau, đoàn trở về thị trấn Sa Pa, kết thúc chương trình du lịch.

Như vậy một chương trình du lịch homestay theo đúng nghĩa chưa được các công ty du lịch quan tâm và đầu tư để phục vụ khách du lịch. Hoạt động du lịch homestay chỉ đơn thuần là một yếu tố cấu thành trong chương trình du lịch tham quan làng bản mà các công ty du lịch đã và đang thực hiện tại Sa Pa .

4.2.4.4. Chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương tại các xã đã thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng nhằm mục đích quản lý bền vững hoạt động du lịch cộng đồng nói chung và hoạt động du lịch homestay nói riêng. Cơ cấu Ban quản lý bao gồm đại diện chính quyền địa phương, đại diện cơ quan công an, đại diện những chủ hộ kinh doanh nhà nghỉ homestay tại địa phương và trưởng ban là phó chủ tịch xã, phó ban là một chủ hộ kinh doanh nhà nghỉ homestay. Ban quản lý có nhiệm vụ: phân chia khách cho các nhà nghỉ (với các đoàn khách du lịch tình nguyện và có liên hệ với Ban quản lý), đăng ký tạm trú cho khách du lịch, công tác kiểm tra, xử lý đối với các hộ kinh doanh nhà nghỉ, công tác quản lý doanh thu và chia sẻ lợi ích cộng đồng.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương đã xây dựng và thành lập Trung tâm dịch vụ và xúc tiến du lịch xã Tả Van và Nhà du lịch cộng đồng xã Bản Hồ nhằm mục đích xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng và du lịch homestay đến khách du lịch. Mặc dù những công trình này được xây dựng kiên cố với vị trí thuận lợi nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động thường xuyên, đồ trưng bày bên trong còn sơ sài, nghèo nàn, chưa tương xứng với những giá trị của giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều kiện phát triển du lịch homestay ở Sa Pa (Lào Cai (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)