7. Bố cục và nội dung chủ yếu của luận văn
1.2.1.1. Kinh nghiệm phát triển du lịch homestsay của vùng Wallonie Bỉ
Vùng Wallonie - Bỉ là một trong những vùng tổ chức du lịch homestay nổi tiếng ở châu Âu. Từ lý do đó, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã hợp tác cùng Tổng cục Du lịch vùng Wallonie - Bỉ tổ chức mô hình du lịch homestay thí điểm tại Huế từ năm 2004 - 2006. Vì vậy, kinh nghiệm phát triển du lịch homestay của vùng là những cơ sở hữu ích để Việt Nam tìm hiểu và học hỏi. Những kinh nghiệm đó có thể được tổng kết như sau:
* Chính sách quản lý phù hợp
Tổng cục Du lịch vùng Wallonie - Bỉ đã ban hành các chính sách như biển hiệu nhà nghỉ của vùng, điều kiện gia nhập Hiệp hội nhà nghỉ trong dân của vùng và các chính sách hỗ trợ các chủ nhà nghỉ.
Trước tiên, để được cấp biển hiệu nhà nghỉ Wallonie, các nhà nghỉ phải thực hiện đầy đủ ba điều kiện do Tổng cục Du lịch vùng Wallonie quy định như giấy chứng nhận là thành viên, hình thức đón tiếp tại nhà nghỉ và chất lượng nhà nghỉ vùng Wallonie.
Điều kiện đầu tiên để được cấp biển hiệu nhà nghỉ là các chủ nhà phải được Tổng cục Du lịch vùng chứng nhận là thành viên, đồng thời phải cam kết đảm bảo chất lượng nhà nghỉ do Tổng cục Du lịch quy định.
Về hình thức đón tiếp tại nhà nghỉ, chủ nhà nghỉ phải có sự tự nguyện khi trở thành hội viên của Hiệp hội. Hội viên đón tiếp khách tại nhà từ lúc khách đến cũng như trong suốt kỳ nghỉ, đồng thời phục vụ bữa sáng hoặc bữa chính nếu khách yêu cầu. Chủ nhà luôn phải tạo cho khách một kỳ nghỉ thoải mái qua việc giới thiệu, cung cấp thông tin về các hoạt động văn hóa, các sự kiện của vùng để khách có thể tham gia. Một yêu cầu khác là mỗi chủ nhà chỉ được sử dụng tối đa năm buồng và trong trường hợp thừa khách, chủ nhà có thể thuê các nhà nghỉ khác nằm trong danh sách hội viên của Hiệp hội. Giá cả dịch vụ phải được niêm yết rõ ràng.
Về chất lượng, vùng Wallonie quy định nhà nghỉ phải nằm trong khuôn viên đẹp, không khí trong lành, không có tiếng ồn, kiến trúc đặc thù. Nhà nghỉ cần có trang thiết bị nội thất tiện nghi, hài hòa và đảm bảo chất lượng. Điều đặc biệt trong chuyến du lịch là khách du lịch được phục vụ bữa sáng bằng các sản phẩm địa phương hoặc của gia đình tự làm. Vấn đề vệ sinh cũng là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt như việc lau chùi, quét dọn phải được thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch vùng Wallonie áp dụng chính sách hỗ trợ các chủ nhà nghỉ trong việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà nghỉ. Sở dĩ Tổng cục Du lịch có kinh phí hỗ trợ là do theo quy định, các chủ nhà nghỉ phải đóng thuế 30% số tiền cho thuê phòng để sử dụng cho công tác quản lý, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi
trường, an ninh và hỗ trợ xây dựng. Các chủ nhà nghỉ được quyền xin hỗ trợ kinh phí một lần trong thời gian 10 năm ngay cả khi thay đổi chủ nhà nghỉ và số tiền hỗ trợ không vượt quá 30% tổng số tiền thực hiện. Tổng cục Du lịch vùng quy định số tiền hỗ trợ không thấp hơn 500 Euro và không cao hơn 1.225 Euro. [18, tr.22 - 28]
* Quy hoạch du lịch homestay cụ thể
Vùng Wallonie quy hoạch phát triển dựa trên tiềm năng du lịch homestay của vùng thành ba chủ đề câu cá, khám phá thiên nhiên và đua ngựa. [18, tr.22 - 28]
* Phân loại cơ sở lưu trú rõ ràng
Vùng Wallonie phân loại nhà nghỉ homestay từ một đến bốn bông lúa với mục đích tạo hình ảnh cho hệ thống nhà nghỉ homestay của vùng cũng như cung cấp thông tin cho khách du lịch, định hướng cho họ trong việc lựa chọn thứ hạng nhà nghỉ phù hợp. Hơn nữa, việc xếp hạng nhà nghỉ là công cụ nhằm đánh giá định kỳ chất lượng nhà nghỉ. Biển hiệu nhà dân cho thuê lưu trú du lịch gồm có: tên Tổng cục Du lịch vùng Wallonie, tên vùng Wallonie, chữ W - viết tắt của vùng và hình tượng con gà trống - biểu tượng của vùng và số bông lúa tương đương với từng thứ hạng. Biển hiệu của vùng được đánh giá là một trong những biển hiệu đặc sắc tại châu Âu. [18, tr.22 - 28]
* Đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu
Tổng cục Du lịch vùng Wallonie rất coi trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Trong nội dung đào tạo cho các chủ thể liên quan, Tổng cục Du lịch vùng đã đưa ra 13 nội dung chính như sau:
- Cơ cấu tổ chức du lịch vùng Wallonie - Quy định liên quan đến hoạt động lưu trú
- Giáo dục nâng cao sự hiểu biết về khách du lịch - Kỹ năng đón tiếp khách du lịch
- Dịch vụ đặc biệt của chủ nhà dành cho khách du lịch - Nội thất trong nhà nghỉ
- Thiết bị vệ sinh
- Giới thiệu Hiệp hội các chủ nhà nghỉ - Đào tạo về kinh doanh du lịch
- Xúc tiến, quảng bá
- Tính toán hiệu suất của nhà nghỉ - Đào tạo ngoại ngữ. [18, tr.59 - 61]
1.2.1.2. Kinh nghiệm tổ chức du lịch homestay của Malaysia
Malaysia là đất nước nằm ở khu vực Đông Nam Á có những điều kiện phát triển du lịch homestay tương đồng với Việt Nam. Malaysia đang là một điểm đến của du lịch homestay trong khu vực. Những chính sách và phương thức tổ chức du lịch homestay của Malaysia sẽ là kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phát triển. Một số kinh nghiệm phát triển du lịch homestay của Malaysia đó là:
* Chính sách quản lý hiệu quả
Bộ văn hóa nghệ thuật và du lịch và Ủy ban kế hoạch kinh tế quốc gia Malaysia đã thành lập Hiệp hội du lịch homestay nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các hộ kinh doanh và cấp giấy chứng nhận cho những hộ gia đình có dịch vụ homestay, triển khai các chương trình quảng bá… Hơn nữa, Malaysia còn áp dụng những chính sách khuyến khích và lấy chương trình du lịch homestay ở Desa Muni làm mô hình điểm thành công và từ đó nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước. Ngoài những chính sách ưu đãi để phát triển loại hình du lịch này, chính phủ khuyến khích những người dân tham gia chương trình trực tiếp quảng bá tại nước ngoài. Theo chương trình du lịch homestay, khách sẽ ở cùng với chủ nhà, thưởng thức các món ăn địa phương… Bên cạnh đó, khách du lịch có cơ hội học hỏi phong tục tập quán, cách sinh hoạt hàng ngày của người dân Malaysia thông qua việc học nấu ăn, đóng vai cô dâu, chú rể, học các điệu nhảy truyền thống, sản xuất cùng người dân địa phương… Ngoài ra, chính phủ Malaysia còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch ở nhà dân như vay vốn lãi suất thấp, vốn bảo lãnh của chính phủ, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thuê chuyên gia tư vấn, nghiên cứu thị trường, thành lập các khu vực ưu tiên phát triển du lịch homestay... [18, tr.24 - 34]
Để quản lý du lịch homestay, Malaysia đã tiến hành các bước thống nhất. Tất cả quá trình triển khai đều được xây dựng trên cơ sở chiến lược. Để quản lý một cách hiệu quả, Malaysia đã thành lập các cơ quan chuyên trách, mỗi cơ quan phụ trách các mảng công việc khác nhau: Ủy ban hành động phát triển du lịch homestay quốc gia, ủy ban du lịch homestay của bang và ủy ban du lịch homestay tại địa phương. Cơ cấu tổ chức quản lý du lịch homestay phải hài hòa và phù hợp với cơ cấu phát triển du lịch chung. Việc quản lý du lịch homestay được triển khai hiệu quả tại tất cả các cấp từ Liên bang, Bang đến Tỉnh. Du lịch homestay được quản lý theo nguyên tắc thống nhất từ trên xuống dưới, tuy nhiên vai trò cộng đồng vẫn là vai trò trung tâm.
Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch homestay, chính phủ Malaysia đã đầu tư 100 triệu ringgit tập trung vào các hạng mục như đầu tư cơ sở lưu trú nhằm tạo ra những cơ sở lưu trú có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch homestay có tính đặc thù, nâng cao khả năng cạnh tranh, xây dựng các khu vực ưu tiên phát triển du lịch homestay trên cơ sở kết hợp các điểm du lịch có sẵn, đồng thời tiến hành các dịch vụ bổ sung, cải thiện môi trường và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
* Cơ sở lưu trú còn nhiều hạn chế
Nhà dân cho thuê lưu trú du lịch có các tiêu chuẩn cụ thể về vị trí, phòng ngủ, nhà tắm, nhà vệ sinh, an ninh, trang thiết bị. Tuy nhiên, tại làng Kampung Pelegong, nhà dân vẫn tồn tại một số hạn chế. Thứ nhất, nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Các trang thiết bị trong nhà tắm, nhà vệ sinh còn nghèo nàn và đặc biệt còn thiếu nước nóng sinh hoạt. Nhà tắm ở xa phòng nghỉ của khách, khách phải đi qua phòng ngủ, phòng bếp của chủ nhà mới sử dụng nhà tắm và nhà vệ sinh chung. Một số nhà vệ sinh nằm ở ngoài trời gây ra những bất tiện đối với khách du lịch. Hơn nữa, trong các phòng nghỉ cho khách du lịch vẫn còn đồ đạc của chủ nhà. [18, tr.68]
* Hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch homestay được chú trọng
Malaysia là một trong những quốc gia thành công trong việc xây dựng thương hiệu đặc trưng phát triển du lịch homestay. Việc phát triển du lịch homestay
thu hút sự quan tâm của chính phủ, bộ du lịch, các bang và chính quyền địa phương. Trong kế hoạch phát triển lần thứ 7, Malaysia đã phát động chương trình xúc tiến “Du lịch homestay”. Để triển khai chương trình này, Malaysia tập trung nguồn lực vào việc xúc tiến quảng bá thông qua các bước sau đây:
- Kêu gọi chính quyền, nhân dân địa phương tích cực tham gia vào kế hoạch xúc tiến, quảng bá, xây dựng các chương trình du lịch homestay đặc sắc, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Tất cả các thành viên tham gia chương trình sử dụng một logo chung, logo này sẽ xuất hiện trên tất cả tập gấp, tờ rơi, chương trình quảng cáo.
- Tổ chức các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch homestay rầm rộ tại các thị trường được xác định là trọng điểm.
- Thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá, Malaysia đã nghiên cứu kỹ những phản hồi, ấn tượng của khách du lịch homestay tại Malaysia như thế nào, tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết để nhanh chóng đưa Malaysia trở thành một điểm đến của loại hình du lịch homestay trong khu vực. [18, tr.40 - 42]
* Đào tạo nguồn nhân lực tập trung
Malaysia đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho những người tham gia trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động du lịch homestay. Vì vậy, công tác này được triển khai ở nhiều mức độ khác nhau và tập trung vào những đối tượng:
- Đào tạo người đào tạo (giảng viên, cán bộ quản lý): kiến thức chuyên môn, hiểu biết…
- Đào tạo cho những người cung cấp sản phẩm du lịch homestay: chủ hộ gia đình, cộng đồng địa phương: Trình độ nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc khách hàng, ngoại ngữ, kiến thức về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiểu biết về nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, kỹ năng marketing cơ bản và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình bán sản phẩm…
- Đào tạo cán bộ du lịch: thông tin về du lịch cũng như vai trò, tác động của loại hình du lịch homestay, kiến thức cơ bản về sản phẩm và chất lượng sản phẩm du lịch homestay…[18, tr.58]
1.2.2. Khái quát về du lịch homestay ở Việt Nam
1.2.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của du lịch homestay ở Việt Nam
Người Việt Nam biết đến hình thức homestay qua hành trình thường niên của con tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP), cập cảng lần đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1995. Con tàu mang tên Nippon Maru này có sự tham gia của hàng trăm thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản, lần lượt cập cảng biển của các nước thành viên. Khi cập cảng một nước, các thành viên trên tàu ngoài việc cùng tham gia những hoạt động văn hóa cộng đồng sẽ được bố trí đến ở tại nhà những người dân bản xứ. Qua những năm tham gia tàu Thanh niên Đông Nam Á, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã được sống trong các gia đình người Nhật, Malaysia, Thái Lan… Ngược lại, nhiều bạn trẻ nước ngoài đã ở tại các gia đình người Việt để học hỏi, tìm hiểu về văn hóa, lối sống… Từ đó, người Việt Nam bắt đầu làm quen với tên gọi của một loại hình du lịch homestay.
Tuy nhiên, sự hình thành của du lịch homestay ở Việt Nam không phải xuất phát từ ý tưởng của các công ty lữ hành mà từ nhu cầu và sự thâm nhập của những khách du lịch “Tây ba lô”. Nhiều khách du lịch khi đến Việt Nam đã nhờ môi giới, hướng dẫn viên hoặc tự liên hệ để được nghỉ homestay ở những gia đình người Việt thân thiện với mục đích tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa bản địa.
Những công ty lữ hành như Saigontourist, Handspan Adventure Travel… nhận thấy đây là một loại hình du lịch mới hứa hẹn những sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn khách du lịch nên họ bắt tay vào việc thiết kế, xây dựng, quảng bá, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch homestay. Cho đến nay, công ty lữ hành vẫn đóng vai trò chủ chốt trong kinh doanh loại hình du lịch này. Công ty đã tổ chức thực hiện một số chương trình du lịch homestay tại các điểm du lịch miền núi phía Bắc hay vùng sông nước phương Nam, chương trình du lịch “Một ngày làm dân phố cổ” ở phố cổ Hội An hay “Ăn Tết với người Sài Gòn” nhân dịp Tết âm lịch hàng năm.
Du lịch homestay đã bước đầu phát triển ở một số nơi như: Sa Pa, Mai Châu, Ba Bể, Hội An, Huế, Sài Gòn, đồng bằng sông Cửu Long… Như vậy, du lịch homestay đã được triển khai tại các địa bàn ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam và cả đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi…
Hiện nay, với mục đích hỗ trợ ngành du lịch phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn vào công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, một số nước và tổ chức quốc tế đã dành nhiều trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho du lịch Việt Nam nhằm xây dựng mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng, du lịch vì người nghèo, phát triển hệ thống nhà khách - nhà nghỉ nông thôn. Với tên gọi khác nhau, các dự án đều có chung mục tiêu là bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch. Dự án khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động du lịch với các hoạt động như cung cấp dịch vụ lưu trú, sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, phương tiện vận chuyển… [18, tr.72]
1.2.2.2. Điều kiện phát triển du lịch homestay ở Việt Nam
* Chính sách và pháp luật có liên quan đến du lịch homestay
- Luật Du lịch (2005) quy định một số điều khoản liên quan đến du lịch homestay. Luật Du lịch quy định nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Luật du lịch cũng quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du