V. Một số tổ chức TCQT chủ yếu (1 tiết)
2. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)
IMF là một tổ chức tự trị của LHQ, hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng quốc tế. Quỹ được thành lập trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị quốc tế về tiền tê - tài chính của LHQ họp tháng 7/1944 tại Bretton Woods ( Mỹ) với đại diện của 44 nước tham gia. Từ ngày 1/3/1947, IMF bắt đầu đi vào hoạt động chính thức. Đến nay đã có trên 180 quốc gia thành viên.
a. Cơ cấu tổ chức:
_ Điều hành hoạt động của IMF gồm một hội đồng thống đốc, một ban điều hành, một tổng giám đốc điều hành và đội ngũ nhân sự. Mỗi quốc gia thành viên đều có một thống đốc đại diện và một thống đốc dự bị trong Hội đồng thống đốc - cơ quan quyền lực cao nhất của IMF. Hội đồng này nhóm họp hàng năm. Quyền bỏ phiếu của mỗi thành viên phụ thuộc vào mức đóng góp của quốc gia đó vào nguồn tài chính tại Quỹ.
_ Trụ sở tại Washington. Hoạt động hàng ngày của quỹ do một ban điều hành thực hiện, gồm 22 giám đốc, đứng đầu là một Tổng giám đốc điều hành.
b. Mục đích hoạt động của quỹ:
_ Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế.
_ Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và tăng trưởng ổn định của thương mại quốc tế. _ Thúc đẩy sự ổn định về hối đoái, duy trì việc dàn xếp hối đoái có trật tự giữa các thành viên.
_ Hỗ trợ trong việc thiết lập hệ thống thanh toán đa phương giữa các thành viên.
_ Giúp các nước thành viên bằng cách cho tận dụng nguồn vốn chung của IMF để sửa chữa các sai sót trong cán cân thanh toán .
_ Rút ngắn giai đoạn làm giảm bớt mức độ mất cân đối trong cán cân thanh toán giữa các nước thành viên.
_ Tránh áp dụng những hạn chế đối với thanh toán thường xuyên. _ Tránh việc thu xếp, thanh toán tiền tệ có sự phân biệt.
_ Chuyển đổi các số dư tiền tệ do các thành viên khác nắm giữ. _ Gửi và trao đổi các thông tin cho quỹ theo yêu cầu của quỹ.
_ Trao đổi, tham khảo, lấy ý kiến của các thành viên về các hiệp định, thoả thuận quốc tế hiện hành.
_ Có nghĩa vụ hợp tác với quỹ và các thành viên về các chính sách đối với các tài sản dự trữ.
d. Nguồn vốn của IMF: bao gồm nguồn tự có và nguồn đi vay.
_ Nguồn vốn tự có do các thành viên đóng góp theo hạn mức của mình và thu nhập ròng của quỹ không đem phân chia. Nguồn vốn gồm có vàng, SDR và tiền của các nước thành viên. Tiêu chuẩn xác định mức đóng góp của các nước thành viên là tiềm năng kinh tế và vị trí của mỗi nước trong nền kinh tế thế giới.
Giá trị nguồn vốn của IMF được biểu hiện bằng đồng SDR ( Quyền rút vốn đặc biệt). SDR được hình thành dựa trên cơ sở giá trị của 5 đồng tiền chính: USD, FF, DM, GBP, JY.
_ IMF có thể bổ sung nguồn vốn của quỹ bằng cách đi vay. Quỹ có một số thoả thuận vay mượn trong thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu tài trợ bổ sung ngày càng tăng lên của các nước thành viên.
e. Các hình thức tài trợ của IMF:
_ Các hình thức sử dụng nguồn vốn chung của quỹ:
Sử dụng nguồn vốn chung của quỹ là hình thức các nước thành viên dùng đồng tiền của mình mua SDR của quỹ hay đồng tiền của một nước thành viên khác để sử dụng trong một thời hạn xác định nào đó, chủ yếu là dùng cho nhu cầu về cán cân thanh toán. Có các hình thức cụ thể sau đây:
+ Rút vốn dự trữ:
Đây là việc một nước thành viên được quyền rút ra 25% số vốn góp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đã đóng vào IMF để bù đắp thiếu hụt trên cán cân thanh toán với điều kiện là nước này phải nộp vào quỹ một số tiền quốc gia tương đương và đến kỳ hạn thoả thuận phải nộp lại số ngoại tệ đã rút và thu lại số tiền quôc gia. Rút vốn dự trữ không mang tính chất vay mượn, không có lãi suất, chỉ thu lệ phí.
+ Tín dụng thông thường theo đợt:
Nước thành viên có thể mua 4 đợt tín dụng, mỗi đợt bằng 25% hạn mức đóng góp của mình vào quỹ. Hình thức này phục vụ giải quyết khó khăn về các cân thanh toán và vay dự phòng.
+ Cho vay dự phòng và mở rộng:
Cho vay dự phòng của IMF nhằm hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn của cán cân thanh toán. Cho vay mở rộng là hình thức tài trợ bổ sung theo yêu cầu khẩn thiết của các nước thành viên để khắc phục thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế ngoài khoản IMF đã cho vay theo mục đích này.
Thời hạn cho vay là 1 - 2 năm đối với vay dự phòng và 3 - 4 năm đối với vay mở rộng. + Tài trợ giảm bớt nợ và thanh toán nợ: Số tiền tài trợ cho mục đích này được quyết định cho từng trường hợp và phù hợp với cán cân thanh toán và mức độ mạnh mẽ của chương trình điều chỉnh do các nước thành viên thực hiện.
+ Tài trợ khẩn cấp liên quan đến thiên tai:
Hình thức này có thể được quỹ xem xét trong trường hợp thiên tai ảnh hưởng xấu đến cán cân thanh toán.
_ Các hình thức cho vay trợ giúp đặc biệt: + Tài trợ bù đắp và khẩn cấp:
Tài trợ bù đắp giúp các nước hội viên khắc phục sự thiếu hụt trên cán cân thanh toán do việc giảm mức xuất khẩu có tính chất tạm thời và khách quan.
Tài trợ bất ngờ sẽ được sử dụng khi một nước thành viên chịu tác động của các biến cố như: sự sụt giá của các sản phẩm cơ bản, sự nâng cao của lãi suất quốc tế, những biến động về dịch vụ, du lịch...
+ Tài trợ chứng khoán đệm: Hình thức này để tài trợ cho chứng khoán hàng hoá, các đại lý chứng khoán.
_ Các hình thức tài trợ cho các nước thành viên có thu nhâp thấp:
+ Cho vay điều chỉnh cơ cấu ( SAF): Là hình thức cho vay ưu đãi cao để hỗ trợ cho các chương trình điều chỉnh cơ cấu và kinh tế vĩ mô ở các nước có đủ điều kiện được vay đang ở tình trạng tỉ lệ tăng trưởng thấp, thu nhập đầu người thấp, gánh nặng nợ nước ngoài kéo dài nhiều năm.
Số tiền cho vay SAF cho mỗi nước có thể bằng 47% hạn mức đóng góp của nước đó và rút vốn trong 3 năm, số tiền này cũng có thể tăng lên đến 70%. Lãi suất 0,5%/năm, thời hạn vay là 10 năm với năm 5 ân hạn.
+ Cho vay điều chỉnh cơ cấu tăng cường và mở rộng ( ESAF):
Dùng để hỗ trợ cho các chương trình điều chỉnh ở các nước thành viên mà SAF không đủ hỗ trợ. Thông thường, mục tiêu các chương trình điều chỉnh có sự hỗ trợ cho vay ESAF rộng hơn mục tiêu cho vay SAF.
Vay ESAF có thể lên tới 250%, tối đa là 350% hạn mức đóng góp. Rút vốn một năm 2 lần, lãi suất 0,5%/ năm, thời hạn vay 10 năm ( 5 năm ân hạn).
+ Quỹ tín thác: Cho vay từ quỹ này nhằm hỗ trợ cán cân thanh toán với điều kiện ưu đãi.
f. Quan hệ của Việt nam với IMF:
_ Năm 1956, Chính phủ Việt nam cộng hoà đã đóng góp vào quỹ IMF 62 triệu SDR ( tương đương 62 triệu tại thời điểm đó), trong đó 25% bằng vàng.
_ Năm 1976, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam tiếp quản vai trò hội viên thay chính quyền Sài Gòn, đến tháng 7/1976 Chính phủ CHXHCN Việt nam tiếp quản vai trò
hội viên thay Chính phủ CMLT miền Nam Việt nam, từ năm 1977 Việt nam bắt đầu vay vốn IMF. Trong 2 năm 1977- 1978, IMF cho Việt nam vay 71,7 triệu SDR.
_ 3/12/1984, IMF ra quyết định xoá bỏ quyền nhận tài trợ của Việt nam do Việt nam có nợ quá hạn đối với quỹ. Thêm vào đó, dưới áp lực của Mỹ, quan hệ tài trợ của IMF đối với Việt nam bị ngưng trệ.
_ Năm 1986, Quỹ đã đề ra một giải pháp giúp Việt nam giải quyết nợ cũ bằng “ Chương trình bóng tối” do Quỹ giám sát, song do tình hình quan hệ Việt nam và Mỹ chưa tiến triển thuận lợi nên Quỹ lại bỏ qua chương trình này.
_ Đến cuối năm 1988, Quỹ và Việt nam đã thoả thuận khoanh số nợ cũ quá hạn của Việt nam ở mức 101,2 triệu SDR . Số còn lại Việt nam cố gắng thu xếp trả. Để giải quyết nợ cũ, Quỹ đã giúp Việt nam thành lập nhóm cho vay bắc cầu để trả nợ cũ của Quỹ, sau đó vay mới ngay để trả khoản vay bắc cầu.
_ Từ tháng 10/1993, quan hệ giữa Việt nam và IMF được cải thiện rõ rệt với việc Việt nam trả xong số nợ quá hạn và với việc giải toả lệnh cấm vận của Công đồng quốc tế đối với Việt nam.
_ Việt nam đã ký kết với Quỹ thoả thuận tài trợ theo thể thức cho vay dự phòng và theo chương trình chuyển đổi hệ thống với tổng số tiền là 243 triệu USD năm 1993 - 1994. Đến Tháng 11/1994, Việt nam được IMF tài trợ cho chương trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế 3 năm 1994- 1997 với số tiền 535 triệu USD.
_ Ngoài ra, IMF còn giúp Việt nam nắm bắt và áp dụng các nguyên tắc quản lý tài chính tiền tệ theo cơ chế thị trường và hội nhập với cộng đồng TCQT.
C. TÓM TẮT CHƢƠNG
1. TCQT là hệ thống những quan hệ kinh tế nảy sinh giữa các chủ thể của một nước với các chủ thể của nước khác, và với các tổ chức quốc tế trong việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm phục vụ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Sự vận động của các nguồn tài chính không chỉ vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của một nước mà còn liên quan đến việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của nhiều quốc gia khác nhau. Do vậy quan hệ TCQT luôn tiềm ẩn những rủi ro hối đoái hoặc rủi ro chính trị mà nhiều khi Nhà nước không thể lường trước được. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối của TCQT gắn liền với việc thực hiện mục tiêu kinh tế, chính trị của Nhà nước và TCQT không chỉ chịu sự chi phối của các yếu tố về kinh tế mà còn chịu sự chi phối bởi các yếu tố về chính trị của mỗi nước. Tài chính quốc tế có vai trò quan trọng. TCQT góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực tài chính bên ngoài phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước v à tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và phân công lao động quốc tế.
2. Tín dụng quốc tế là tổng thể các quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể của một nước với các chủ thể của nước khác và với các tổ chức quốc tế khi cho vay và trả nợ tiền vay theo những nguyên tắc của tín dụng. Tín dụng quốc tế có các hình thức: vay thương mại và viện trợ phát triển chính thức (ODA).Vay thương mại là hình thức vay nợ quốc tế dựa trên cơ sở quan hệ sử dụng về vốn trên thị trường, lãi suất do thị trường quyết định. ODA là các khoản viện trợ cho vay ưu đãi cảu các chính phủ, các hệ thống của tổ chức Liên Hiệp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức TCQT dành cho chính phủ và nhd các nước đang phát triển.
3. Đầu tư quốc tế trực tiếp (FDI) là việc các tổ chức, cá nhân một nước thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài dưới hình thức tự mình đứng ra kinh doanh hoặc hợp tác kinh doanh với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Động cơ chung nhất của các chủ đầu tư nước ngoài là tìm kiếm thị trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi và an toàn nhằm thu lợi nhuận cao và sự thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp. Tuy nhiên có 3 động cơ cụ thể tạo nên 3 định hướng khác nhau trong FDI đó là đầu tư định hướng thị trường, đầu tư định hướng chi phí, đầu tư định hướng nguồn nguyên liệu. FDI có các hình thức sau: doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức khác.
4. Viện trợ không hoàn lại là một hình thức của quan hệ TCQT, có thể diễn ra giữa 2 chính phủ ( gọi là viện trợ song phương) hoặc diễn ra giữa các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ với Chính phủ hoặc các tổ chức của các nước trong cộng đồng quốc tế ( gọi là viện trợ đa phương).
5. Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa các đồng tiền và là mức giá mà tại đó các đồng tiền có thể chuyển đổi được cho nhau. Để biểu thị tỷ giá hối đoái, người ta thường sử dụng 2 phương pháp sau: phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp. Trên thị trường tiền tệ thường gặp một số loại tỷ giá sau đây: tỷ giá chính thức, tỷ giá thị trường, tỷ giá ưu đãi, tỷ giá chợ đen, tỷ giá danh nghĩa, tỷ giá thực, tỷ giá bình quân, tỷ giá chéo, tỷ giá kỳ hạn. Tỷ giá hối đoái chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố: tỷ lệ lạm phát, hiện trạng cán cân thanh toán quốc tế, mức chênh lệch lãi suất giữa các nước, tiềm lực kinh tế của một nước, hoạt động đầu cơ ngoại tệ, tâm lý và tập quán tiêu dùng của dân chúng cũng như điều kiện lao động của một nước. Có 3 chế độ tỷ giá hối đoái: chế độ tỷ giá hối đoái cố định lấy vàng làm bản vị, chế độ tỷ giá cố định Bretton Woods (1944) và chế độ tỷ giá thả nổi. Tỷ giá hối đoái có vai trò quan trọng. Tỷ giá hối đoái là công cụ so sánh sức mua của đồng tiền, nó kích thích và điều tiết xuất nhập khẩu, điều tiết thu nhập trong hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo khả năng cạnh tranh cho hàng hóa - dịch vụ trên trường quốc tế và nó phản ánh cung cầu ngoại tệ. Để điều chỉnh tỷ giá hối đoái, nhiều biện pháp khác nhau đã và đang được sử dụng như lãi suất tái chiết khấu, can thiệp ngoại hối, phá giá tiền tệ.
6. Cán cân thanh toán quốc tế ( thường gọi là cán cân thanh toán) là một biểu tổng hợp, ghi chép một cách có hệ thống tất cả các khoản thu chi ngoại tệ của một nước phát sinh với các nước khác trong một thời kỳ nhất định. Cán cân thanh toán của một nước thường do ngân hàng trung ương biên tập và công bố. Cán cân thanh toán quốc tế bao gồm các hạng mục: cán cân vãng lai ( Tài khoản vãng lai), cán cân vốn và tài chính (Tài khoản vốn), lỗi và sai sót, cán cân tổng thể và tài trợ. Cán cân thanh toán quốc tế của một nước phản ánh kết quả của hoạt động trao đổi đối ngoại của nước đó với các nước khác. Thực trạng cán cân thanh toán có thể ảnh hưởng đến những nhà hoạch định chính sách làm thay đổi chính sách kinh tế của họ. Vì vậy Chính phủ các nước thường dựa vào cán cân thanh toán để thiết kế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và có những chính sách phù hợp cho từng thời kỳ. Trong trường hợp cán cân thanh toán bội chi, Chính phủ có thể áp dụng những biện pháp như điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vay ngoại tệ, bảo hộ mậu dịch và các biện pháp khác.
7. Về các tổ chức tài chính quốc tế, bài giảng đề cập đến Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, nguồn vốn và phân bổ nguồn vốn, các nguyên tắc và chính sách hoạt động của từng tổ chức cũng như quan hệ giữa chúng với Việt Nam.
D. CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày đặc điểm của Tài chính quốc tế. 2. Trình bày vai trò của Tài chính quốc tế.