Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 55)

II. Những nội dung chủ yếu của hoạt động TCDN

2. Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp

Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp là biểu hiên bằng tiền của toàn bộ chi phí của doanh nghiệp để hòan thành việc sản xuất và tiêu thụ một loại sản phẩm nhất định.

_ Giữa chi phí sản xuất sản phẩm và giá thành sản phẩm có sự giống nhau và khác nhau: + Giống nhau: chúng đều được cấu tạo bởi các thành phần chi phí trực tiếp và gián tiếp. + Khác nhau:

Chi phí sản xuất kinh doanh là khái niệm dùng để chỉ tất cả những chi phí cho sản xuất và kinh doanh mà doanh nghiệp phải bỏ ra trong một thời kỳ nhất định.

Giá thành sản phẩm biểu hiện lượng chi phí để hoàn thành việc sản xuất và tiêu thụ một đơn vị sản phẩm hay một khối lượng sản phẩm.

_ Đối với doanh nghiệp sản xuất, giá thành sản phẩm có thể chia thành giá thành sản xuất và giá thành toàn bộ.

+ Giá thành sản xuất: là biểu hiện bằng tiền các chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để hoàn thành việc sản xuất một khối lượng sản phẩm nhất định. Giá thành sản xuất của sản phẩm bao gồm:

- Chi phí vật tư trực tiếp: là chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp tạo ra sản phẩm.

- Chi phí nhân công trực tiếp: là tiền lương, tiền công, các khoản trích nộp của công nhân trực tiếp tạo ra sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định.

- Chi phí sản xuất chung: là những chi phí phát sinh chung trong phạm vi phân xưởng, tổ đội sản xuất như chi phí về khấu hao TSCĐ phục vụ chế tạo ra sản phẩm và phục vụ quản lý phân xưởng, chi phí về tiền lương nhân viên phân xưởng, chi phí dịch vụ mua ngoài...

+ Giá thành toàn bộ: là biểu hiện bằng tiền các chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để thực hiện tiêu thụ một khối lượng sản phẩm nhất định. Giá thành toàn bộ của sản phẩm tiêu thụ gồm:

- Giá thành sản xuất của sản phẩm tiêu thụ.

- Chi phí bán hàng: là toàn bộ các chi phí liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ như chi phí tiền lương và phụ cấp của nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói, bốc vác, vận chuyển, khấu hao TSCĐ, chi phí tiếp thị, quảng cáo, khuyến mãi, hội nghị khách hàng...

- Chi phí quản lý doanh nghiệp: là các chi phí chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí tiền lương, các khỏan phụ cấp, các khoản trích nộp theo quy định của bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp; chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài... phục vụ điều hành doanh nghiệp.

_ Sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải xác định chính xác giá thành sản phẩm. Điều này xuất phát từ hai lý do sau:

+ Có xác định được giá thành sản phẩm chính xác mới xác định được giá bán hợp lý, vì giá thành là cơ sở để xác định giá cả.

+ Có xác định được giá thành sản phẩm chính xác mới có thể đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh, từ đó xác định các biện pháp hạ giá thành sản phẩm để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

_ Giá thành giữ vai trò quan trọng và thể hiện trên các mặt sau:

+ Giá thành là thước đo mức chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, là căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động kinh doanh.

+ Giá thành là công cụ quan trọng của doanh nghiệp để kiểm soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, xem xét hiệu quả các biện pháp tổ chức, kỹ thuật.

+ Giá thành là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp xây dựng chính sách giá cả đối với từng loại sản phẩm.

_ Đối với một doanh nghiệp, việc hạ giá thành sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng, cụ thể:

+ Hạ giá thành sản phẩm là nhân tố tạo ra điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm. Việc hạ giá thành tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp trong cạnh tranh vì doanh nghiệp có thể giảm giá bán để tiêu thụ sản phẩm nhanh.

+ Hạ giá thành sản phẩm là điều kiện cho phép doanh nghiệp tiết kiệm được lượng vốn dùng trong sản xuất hoặc có thể mở rộng thêm quy mô sản xuất.

_ Các nhân tố tác động đến việc giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp bao gồm:

+ Thứ nhất, nhân tố khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sản xuất hiện đại làm giảm mức tiêu hao về nguyên vật liệu và sử dụng chúng có hiệu quả hơn, tạo ra khả năng rộng lớn để nâng cao năng suất lao động, năng suất chất lượng sản phẩm, từ đó hạ thấp chi phí lao động cá biệt của một đơn vị sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp trên thị trường.

Cần chú ý rằng, đầu tư đổi mới kỹ thuật là khoản đầu tư lớn, do đó để đảm bảo hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng. Đầu tư phải đồng bộ với các yếu tố khác như lao động, trình độ tay nghề của công nhân, khả năng cung cấp nguyên liệu, nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của doanh nghiệp.

+ Thứ hai, Nhân tố tổ chức lao động và sử dụng lao động:

Cần tổ chức lao động khoa học, bố trí sử dụng lao động phù hợp với trình độ và khả năng của người lao động cho phép doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân công đồng thời tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

+ Thứ ba, Nhân tố tổ chức quản lý.

Cần sắp xếp, tính toán tất cả các mặt hoạt động một cách hợp lý khoa học. Trong công tác quản lý, vai trò quản lý tài chính doanh nghiệp giữ vị trí rất quan trọng. Thông qua việc lựa chọn các quyết định tài chính; khai thác các nguồn vốn, sử dụng vốn có hiệu quả và tiết kiệm; tăng cường các khâu kiểm tra làm giảm bớt các phí tổn, tổn thất, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính; cùng các biên pháp đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn lưu động làm giảm bớt nhu cầu vay vốn, giảm bớt chi phí về lãi vay... đều có tác động đến việc hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

NỘI DUNG 3: DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP (1 tiết) 1. Doanh thu của doanh nghiệp

Doanh thu của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được nhờ đầu tư kinh doanh trong một thời kỳ nhất định.

_ Doanh thu của doanh nghiệp bao gồm:

+ Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: số tiền thu được từ giao dịch bán sản phẩm, hàng hoá và cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong một thời kỳ nhất định.

+ Doanh thu hoạt động tài chính: doanh thu từ các hoạt động liên doanh liên kết, từ các nghiệp vụ đầu tư tài chính và các khoản khác liên quan đến hoạt động tài chính khác.

+ Thu nhập khác: là những khoản doanh thu không mang tính chất thường xuyên như thu về nhượng bán TSCĐ, vật tư ứ đọng; các khoản được bồi thường...

_ Doanh thu của doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể:

+ Doanh thu của doanh nghiệp là một chỉ tiêu quan trọng về hoạt động của doanh nghiệp, có được doanh thu chứng tỏ hàng hoá mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng được xã hội thừa nhận.

+ Đứng về góc độ quản lý vốn, khi có được doanh thu tức là vòng tuần hòan vốn của doanh nghiệp đã được kết thúc, tạo tiền đề cho vòng tuần hoàn kế tiếp trong quá trình tái sản xuất.

+ Doanh thu là nguồn quan trọng để đảm bảo trang trải các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tiếp tục tái sản xuất giản đơn cũng như tái sản xuất mở rộng.

+ Doanh thu của doanh nghiệp là nguồn để doanh nghiệp có thể thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp các khoản thuế theo quy định, trích lập các quỹ của doanh nghiệp, tham gia góp vốn cổ phần, liên doanh liên kết, trả các khoản vay cho ngân hàng...

_ Các biện pháp tăng doanh thu:

+ Thứ nhất, phương chân sản xuất của doanh nghiệp là phải hướng ra thị trường và do thị trường quyết định. Doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm vì chất lượng sản phẩm luôn gắn liền với uy tín của doanh nghiệp trong giới kinh doanh và trong công chúng. Doanh nghiệp cũng cần mở rộng các hoạt động tiếp thị nhằm tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

+ Thứ hai, doanh nghiệp phải xác định giá bán hợp lý. Việc xác định giá bán hợp lý là giải pháp tốt tăng nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá, tăng nhanh vòng quay vốn. Việc xây dựng giá cần hết sức mềm déo và linh hoạt. Ngoài căn cứ vào giá thành, việc định giá không thể thoát ly quan hệ cung cầu thị trường. Một chính sách giá hợp lý sẽ có tác động vào cầu, kích thích tăng cầu của người tiêu dùng để tăng doanh thu tiêu thụ.

+ Thứ ba, doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ thanh toán, giảm bớt các khoản nợ phải thu, xử lý tốt những khoản nợ nần dây dưa... để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu doanh thu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lựa chọn những ngân hàng, bạn hàng đáng tin cậy tiến hành áp dụng các hình thức tín dụng thương mại.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)