Những vấn đề chung về Tài chính quốc tế ( TCQT) (1 tiết) 1 Khái niệm

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 140)

1. Khái niệm

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, các quan hệ TCQT đã ra đời và phát triển từ hình thức giản đơn đến những hình thức phức tạp, gắn liền với những điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội của mỗi quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Từ chế độ chiếm hữu nô lệ đã nảy sinh các quan hệ TCQT sơ khai dưới hình thức cống nạp của quốc gia này cho quốc gia khác. Vào cuối chế độ phong kiến, với sự phát triển của các quan hệ kinh tế quốc tế, ngoại thương xuất hiện và phát triển đã dẫn đến sự xuất hiện của thuế quan và tín dụng quốc tế.

Cùng với sự phát triển của CNTB và CHXH, những hình thức truyền thống của quan hệ TCQT như thuế xuất nhập khẩu, tín dụng quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển thích hợp với những bước phát triển mới của quan hệ kinh tế quốc tế. Song với bước phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hoá - tiền tệ, kinh tế thị trường và quốc tế hoá đời sống kinh tế ngày càng sâu sắc, bên cạnh những hình thức truyền thống trên, những hình thức mới của các quan hệ TCQT đã xuất hiện như: đầu tư quốc tế, viện trợ, ủng hộ, biếu tặng... giữa các nước với nhau và giữa các tổ chức TCQT với các quốc gia độc lập... Có thể thấy sự xuất hiện và tồn tại các quan hệ TCQT là một tất yếu của phạm trù tài chính, xuất phát từ các cơ sở khách quan sau:

_ Về mặt kinh tế:

Đây chính là yếu tố giữ vai trò quyết định cho sự phát sinh và phát triển của các quan hệ TCQT. Mỗi quốc gia là một bộ phận trong nền kinh tế thế giới, có quan hệ hữu cơ với nhau, cùng tham gia vào phân công lao động quốc tế với nhiều mức độ khác nhau. Điều này làm nảy sinh và phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế và từ đó làm nảy sinh, phát triển các quan hệ TCQT.

_ Về mặt chính trị:

Yếu tố chính trị có tác động trực tiếp đến hình thức và mức độ của các quan hệ TCQT. Các quan hệ này phát sinh giữa các quốc gia nên chịu sự chi phối của cơ chế, chính sách, đường lối

đối ngoại của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, chẳng hạn như chính sách thuế xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp, cấp tín dụng, viện trợ phát triển...

Trên đây có thể thấy quan hệ kinh tế và chính trị giữa các nước trong cộng đồng quốc tế là cơ sở khách quan của sự ra đời và phát triển các quan hệ TCQT. Tuy nhiên các quan hệ này chỉ thực sự hình thành khi tiền tệ thực hiện chức năng tiền tệ quốc tế làm chuyển dịch các nguồn tài chính vượt ra khỏi phạm vi quốc gia của mỗi nước.

KẾT LUẬN: TCQT là hệ thống những quan hệ kinh tế nảy sinh giữa các chủ thể của một nước với các chủ thể của nước khác, và với các tổ chức quốc tế trong việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm phục vụ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

2. Đặc điểm của Tài chính quốc tế

_ Một là, sự vận động của các nguồn tài chính không chỉ vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của một nước mà còn liên quan đến việc tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của nhiều quốc gia khác nhau. Hoạt động của TCQT liên quan đến nhiều chủ thể phân phối ở nhiều quốc gia và diễn ra trên phạm vị rộng lớn, liên quan đến nhiều khâu trong hệ thống tài chính, làm chuyển dịch nguồn tài chính vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ của một nước.

Quan hệ TCQT luôn tiềm ẩn những rủi ro hối đoái hoặc rủi ro chính trị mà nhiều khi Nhà nước không thể lường trước được.

_ Hai là, hoạt động phân phối của TCQT gắn liền với việc thực hiện mục tiêu kinh tế, chính trị của Nhà nước. Đặc điểm này thể hiện ở chỗ quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế với các chủ thể khác ở nước ngoài luôn chịu sự chi phối bởi chính sách đối ngoại của Nhà nước.

_ Ba là, TCQT không chỉ chịu sự chi phối của các yếu tố về kinh tế mà còn chịu sự chi phối bởi các yếu tố về chính trị của mỗi nước. Bằng quyền lực chính trị của mình, Nhà nước ban hành một hệ thống luật pháp để điều chỉnh toàn bộ hoạt động của các chủ thể tham gia vào quan hệ TCQT phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước.

3. Vai trò của Tài chính quốc tế

_ Một là, TCQT góp phần quan trọng trong việc khai thác các nguồn lực tài chính bên ngoài phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nhờ vào các quan hệ TCQT, mỗi quốc gia có thể khai thác một cách tốt nhất các nguồn lực tài chính từ bên ngoài kết hợp với việc sử dụng các nguồn lực từ trong nước tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước mình.

_ Hai là, TCQT tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và phân công lao động quốc tế. Thông qua các quan hệ TCQT, mỗi quốc gia có thể phát huy đến mức cao nhất lợi thế so sánh của mình về các nguồn lực trong nước trong quan hệ kinh tế với các nước khác. Điều này góp phần làm tăng hiệu quả của phân công lao động quốc tế.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)