Chức năng của ngân hàng thƣơng mại (1 tiết)

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 116)

Các ngân hàng thương mại thực hiện các chức năng sau đây:

1. Chức năng trung gian tín dụng

Hoạt động chính của ngân hàng thương mại là đi vay để cho vay, điều này thể hiện ngân hàng thương mại thực hiện chức năng trung gian tín dụng. Một mặt, ngân hàng thương mại huy động các khoản tiền nhàn rỗi ở mọi chủ thể trong xã hội. Mặt khác, ngân hàng thương mại dùng nguồn vốn đã huy động được để cho vay lại đối với các chủ thể cần vốn trong xã hội. Như vậy, ngân hàng thương mại là một trung gian về tín dụng giữa các chủ thể dư thừa vốn và những chủ thể thiếu vốn.

Hoạt động trên của ngân hàng thương mại mang tính chất kinh doanh, bởi vì khi cho vay, ngân hàng thương mại đặt ra mức lãi suất cao hơn so với khi huy động vốn. Hoạt động này ngày càng được mở rộng nhiều, nó tiết kiệm được các chi phí về thông tin và giao dịch cho nền kinh tế. Thông qua chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng thương mại góp phần tạo lợi ích cho tất cả các chủ thể kinh tế tham gia và lợi ích chung của nền kinh tế.

_ Đối với người gửi tiền

Người gửi tiền sẽ thu được lợi từ các khoản vốn tạm thời nhàn rỗi dưới hình thức lãi tiền gửi, đồng thời ngân hàng cùng đảm bảo an toàn cho các khoản tiền gửi và cung cấp cho khách hàng những dịch vụ thanh toán tiện lợi.

_ Đối với người vay

Người vay sẽ được thỏa mãn nhu cầu về vốn để kinh doanh, chi tiêu, thanh toán mà không phải tiêu tốn nhiều sức lực, thời gian cho việc tìm kiếm nơi cung ứng vốn tiện lợi, chắc chắn và an toàn.

_ Đối với ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại sẽ tìm kiếm được khoản lợi nhuận từ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Đây là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại.

_ Đối với nền kinh tế

Chức năng này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, vì nó đáp ứng được nhu cầu về vốn để đảm bảo quá trình tái sản xuất được thực hiện liên tục và mở rộng quy mô sản xuất. Với chức năng này, ngân hàng thương mại đã biến vốn nhàn rỗi không hoạt động thành vốn hoạt động, kích thích quá trình luân chuyển vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

2. Chức năng trung gian thanh toán

Trong nền kinh tế, khi chưa có hoạt động ngân hàng hoặc mới có những hoạt động sơ khai (nhận bảo quản tiền đúc) thì các khoản giao dịch thanh toán giữa những người sản xuất kinh doanh và các đối tượng khác đều được thực hiện một cách trực tiếp, người trả tiền và người thụ hưởng tự kiểm soát các giao dịch thanh toán, đồng thời sử dụng tiền mặt để chi trả trực tiếp. Khi ngân hàng thương mại ra đời và hoạt động trong nền kinh tế thì dần dần các khoản giao dịch thanh toán giữa các đơn vị và cá nhân đều được thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

Trên cơ sở hoạt động đi vay để cho vay, ngân hàng thương mại đã cung cấp các dịch vụ thanh toán cho các khách hàng. Thay cho việc thanh toán trực tiếp, các đơn vị, cá nhân có thể nhờ ngân hàng thương mại thực hiện những công việc này dựa trên những khoản tiền họ đã gửi ở ngân hàng, thông qua việc mang tiền của người phải trả chuyển cho người được hưởng bằng nhiều hình thức khác nhau với kỹ thuật ngày càng tiên tiến và thủ tục ngày càng đơn giản.

Những dịch vụ thanh toán của ngân hàng thương mại ngày càng được ưa chuộng vì nó đem lại sự thuận tiện,an toàn và tiết kiệm chi phí hơn cho những chủ thể trong nền kinh tế. Đối với ngân hàng thương mại, khi thực hiện chức năng trung gian thanh toán sẽ tạo điều kiện để mở rộng quan hệ khách hàng, không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của hoạt động huy động tiền gửi mà còn đối với cá hoạt động cho vay.

3. Chức năng tạo tiền

Khi kết hợp chức năng trung gian thanh toán và chức năng trung gian tín dụng tạo cho ngân hàng thương mại khả năng tạo ra tiền ghi sổ thể hiện trên tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng tại ngân hàng thương mại. Từ một lượng tiền gửi ban đầu, qua nghiệp vụ cho vay dưới hình thức chuyển khoản, đã làm cho số dư trên tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên.

Những hoạt động mà ngân hàng thương mại thực hiện đã làm hình thành nên một cơ chế tạo tiền trong toàn hệ thống ngân hàng. Từ những khoản tiền nhận được từ ngân hàng trung ương hoặc những khoản tiền gửi ban đầu, ngân hàng thương mại sử dụng để cho vay, sau đó những khoản tiền này sẽ được quay lại ngân hàng thương mại một phần khi những người sử dụng gửi tiền vào dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn. Quá trình huy động tiền gửi và cho vay của ngân hàng thương mại trên cơ sở lượng tiền được cung ứng ban đầu sẽ được kéo dài và chỉ dừng lại khi nào toàn bộ lượng tiền được cung ứng ban đầu quay trở về hết ngân hàng trung ương dưới dạng tiền gửi dự trữ bắt buộc. Khi đó các ngân hàng thương mại đã có một số dư rất lớn trên các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)