Những vấn đề chung về công tác kiểm tra tài chính (1,5 tiết) 1 Khái niệm kiểm tra tài chính

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 167)

1. Khái niệm kiểm tra tài chính

Trong đời sống kinh tê - xã hội, mọi lĩnh vực, mọi hoạt động đều có quá trình kiểm tra. Kiểm tra gắn bó chặt chẽ, thiết thực với công tác lãnh đạo và quản lý kinh doanh trong cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nó được thực hiện ở cả 4 khâu của quá trình tái sản xuất xã hội: sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.

Trong các hoạt động kiểm tra của xã hội nói chung, kiểm tra tài chính có vị trí quan trọng trong điều kiện tiền tệ hoá ngày càng phổ biến khi của cải vật chất, các loại tài sản, các khoản thu nhập, các loại hao phí, kết quả sản xuất kinh doanh đều được giá trị hoá, được phản ánh bằng tiền. Kiểm tra tài chính có thể xác định được quy mô vốn, chi phí đã bỏ ra, kết quả thu về: chỗ nào là hợp lý, là đúng và chỗ nào là lãng phí, kém hiệu quả. Kiểm tra tài chính còn xác định được các quan hệ cân đối trong kinh tế, các quyết định của Nhà nước và của người quản lý doanh nghiệp có liên quan đến các vấn đề tài chính có sai sót hay không, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp mới về kinh tế và tài chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.Cơ sở khách quan của công tác kiểm tra tài chính là chức năng giám đốc và chức năng này chỉ được thể hiện qua công tác kiểm tra tài chính.

Như vậy có thể hiểu:

Kiểm tra tài chính là loại kiểm tra được thực hiện đối với quá trình phân phối các nguồn lực tài chính để đảm bảo tính đúng đắn, hợp lý của việc tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.

CHÚ Ý: Cần phân biệt hai khái niệm “ Chức năng giám đốc” và “ Công tác kiểm tra tài chính”:

_ Chức năng giám đốc tài chính: là sự biểu hiện về mặt bản chất các phạm trù tài chính. Nó chỉ có tác dụng khi có sự tham gia của con người. Nói tới chức năng giám đốc tài chính là nói tới những khả năng khách quan của tài chính trong việc giám đốc tính mục đích, tính hiệu quả của

_ Công tác kiểm tra tài chính : là sự vận dụng chức năng giám đốc tài chính để tổ chức quá trình kiểm tra bằng đồng tiền của các chủ thể kinh tê - xã hội trong việc sử dụng chức năng này một cách độc lập với chức năng phân phối. Công tác kiểm tra tài chính là hoạt động chủ quan của con người.

2. Đặc điểm của kiểm tra tài chính

_ Kiểm tra tài chính là kiểm tra bằng đồng tiền, thực hiện thông qua các chỉ tiêu tài chính đối với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính quốc gia. Kiểm tra tài chính được giới hạn trong phạm vi các quan hệ tài chính đối với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của Nhà nước, của các chủ thể kinh tế - xã hội. Ví dụ:

+ Kiểm tra tài chính thông qua các chỉ tiêu tài chính như chỉ tiêu chi phí sản xuất kinh doanh, lợi nhuận, hệ số nợ ... giúp thấy được các mặt yếu kém hay tích cực trong hoạt động của doanh nghiệp.

+ Kiểm tra tài chính thông qua các chỉ tiêu tổng thu, tổng chi, các chi phí khác như chi phí văn phòng phẩm, hội nghị phí... cho phép Nhà nước thấy được chính xác quá trình huy động vốn và sử dụng vốn của NSNN, của các đơn vị hành chính sự nghiệp có tuân thủ chính sách, chế độ, nguyên tắc quản lý, mức độ tiết kiệm hiệu quả trong sử dụng tài chính để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao ở từng thời kỳ hay không.

_ Kiểm tra tài chính được tiến hành một cách thường xuyên ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, mọi đơn vị, cá nhân. Ở đâu có liên quan đến hoạt động tài chính, có sự tạo lập và sử dụng vốn tiền tệ thì ở đó có kiểm tra tài chính. Không một đơn vị nào có đặc quyền không phải kiểm tra, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất vật chất và không sản xuất vật chất. Mỗi hoạt động kiểm tra tài chính đều có đối tượng cụ thể cho nên phải có các tổ chức, con người, phương pháp và chỉ tiêu khác nhau trong kiểm tra đối với từng đối tượng cụ thể. Do đó kiểm tra tài chính mang tính tổng hợp, toàn diện, thường xuyên, rộng rãi và kịp thời.

Tuy nhiên, kiểm tra tài chính vừa có kiểm tra thường xuyên vừa có kiểm tra không thường xuyên các hoạt động tài chính. Trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, việc kiểm tra tài chính được thực hiện một cách thường xuyên chính là kiểm tra nội bộ, nó được thực hiện trong suốt quá trình kế hoạch hoá tài chính từ khâu lập, chấp hành đến quyết toán. Ngoài ra, cơ quan tài chính, ngân hàng có thể kiểm tra thường xuyên nhưng chủ yếu là khi chuẩn bị giao nhiệm vụ thu nộp, thực hiện thu nộp, phân bổ vốn, kinh phí cấp phát, sử dụng vốn kinh phí, cho vay, thu hồi vốn và quyết toán tài chính. Còn hoạt động kiểm tra không thường xuyên có kiểm tra của thanh tra Nhà nước, thanh tra tài chính, cơ quan kiểm toán. Thanh tra Nhà nước, thanh tra tài chính là cơ quan, vừa có quyền kiểm tra vừa có quyền xử lý kết quả kiểm tra đã phát hiện. Còn cơ quan kiểm toán chỉ thực hiện sự kiểm tra tài chính theo chức năng được pháp luật quy định: cung cấp thông tin kiểm toán cho chính quyền hay đơn vị hợp đồng để cơ quan này quyết định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận của kiểm toán mà không xét xử các vụ việc đã phát hiện.

3. Tác dụng của kiểm tra tài chính

_ Về phía Nhà nước:

+ Kiểm tra tài chính giúp Nhà nước nắm được tình hình sử dụng vốn NSNN và hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

+ Kiểm tra tài chính giúp Nhà nước nắm được tình hình kinh doanh, tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với mọi doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế thông qua việc đối chiếu, so sánh, phân tích tình hình thực tế so với yêu cầu khách quan của quản lý kinh tế thị trường theo hoạch định của Nhà nước, từ đó có thể đánh giá hiệu quả kinh tế, sự đúng đắn của chính sách, chế độ, luật pháp.

+ Kiểm tra tài chính giúp Nhà nước phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh những hiện tượng không lành mạnh, những sai lệch so với định hướng XHCN để từ đó điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ( chính sách thuế, chính sách chi tiêu công cộng, chính sách lãi suất, trợ giá...) nhằm khai thác hết khả năng tiềm tàng của nền kinh tế, tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, công ăn việc làm, thu nhập, giá cả, đầu tư, ... đảm bảo hiệu quả kinh tế ở tầm vĩ mô cũng như vi mô.

+ Công tác kiểm tra tài chính có tác dụng to lớn trong việc tăng cường pháp chế XHCN, tăng cường kỷ luật tài chính, đảm bảo bình đẳng về pháp luật trong xã hội, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đồng thời hạn chế, khắc phục các khuyết tật vốn có của kinh tế thị trường.

_ Về phía các doanh nghiệp:

+ Kiểm tra tài chính giúp cho người quản lý doanh nghiệp nắm được chính xác, toàn diện về tình hình tài chính để điều hành và kiểm soát các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua phân tích, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu tài chính về vốn, chi phí, công nợ, lợi nhuận... giúp phát hiện kịp thời những tồn tại trong kinh doanh để nhanh chóng đưa ra các quyết định điều chỉnh hoạt động phù hợp với yêu cầu của thị trường, phát hiện và khai thác triệt để các tiềm năng của doanh nghiệp, có biện pháp bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cũng như có căn cứ để xây dựng những dự án sản xuất kinh doanh, ra các quyết định tài chính đúng đắn.

+ Kiểm tra tài chính trong các doanh nghiệp góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia vào doanh nghiệp, quyền lợi của các cổ đông; tránh sự thao túng, lợi dụng của một số người trong bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia vào liên doanh, của các cổ đông...

+ Trong lĩnh vực phi sản xuất vật chất: công tác kiểm tra tài chính ở các đơn vị hành chính sự nghiệp có tác dụng thúc đẩy thực hiện tốt kế hoạch công tác của đơn vị đảm bảo tính mục đích, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí NSNN cấp nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của vốn ngân sách, thúc đẩy các đơn vị khai thác triệt để các khả năng tài chính trong điều kiện có thể trên cơ sở tôn trọng chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Bài giảng môn tài chính tiền tệ (Trang 167)