Có thể nói cơ chế nhân quyền châu Âu là cơ chế khu vực được hình thành sớm nhất, từ năm 1953 và cho đến nay là cơ chế hoạt động hiệu quả và phát triển nhất. Trước đây, theo quy định của công ước bảo vệ nhân quyền và
các quyền tự do cơ bản7
có hai cơ quan chính đảm trách việc thực thi nhân quyền bảo gồm Uỷ ban nhân quyền và Toà án nhân quyền. Uỷ ban nhân quyền có thẩm quyền xem xét những đơn kiện về vi phạm nhân quyền được các quốc gia và cá nhân đệ trình và có thể chuyển những vụ việc có liên quan đến việc giải thích công ước đến Toà án. Năm 1994, Hội đồng châu Âu đã ban hành Nghị định thư số 11, theo đó một Toà án nhân quyền thống nhất đã được thành lập thay thế Uỷ ban và Toà án nhân quyền trước đó. Nhờ đó, cơ chế nhân quyền châu Âu đã có được một quyền tài phán rộng rãi và đạt được sự tuân thủ cao thông qua phán quyết của toà án về bảo vệ quyền con người.
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu còn ký kết một số điều ước khác về lĩnh vực nhân quyền như Hiến chương xã hội châu Âu và Nghị định thư bổ sung Hiến chương này, công ước về ngăn chặn tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt phi nhân đạo, công ước về bảo vệ người dân tộc thiểu số. Những điều ước này cũng có các Uỷ ban chuyên môn đảm bảo việc thực thi nghĩa vụ điều ước của các quốc gia thành viên. Bên cạnh đó còn có một số cơ quan khác hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bao gồm Hội đồng châu Âu, Toà án công lý châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hội đồng Bộ trưởng. Tương tự trong cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ đây là những cơ quan chính có thẩm quyền rộng lớn, do vậy, một trong số hoạt động của cơ quan này có thể liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.