Vấn đề này được đặt ra khi AICHR đi vào hoạt động và Việt Nam tham gia cơ quan này thì để thực hiện tốt nghĩa vụ của mình Việt Nam có cần phải
rà soát lại hệ thống pháp luật hay không và mức độ tác động của việc tham gia cơ quan nhân quyền sẽ như thế nào?
Theo những phân tích về cơ cấu tổ chức và hoạt động của AICHR trên đây thì chúng ta chưa phải thay đổi nhiều hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, để AICHR thực hiện tốt chức năng thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản thì Chính phủ Việt Nam cũng phải có những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan này hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, để thúc đẩy tốt hơn quyền con người tại Việt Nam cũng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cụ thể hóa các quyền con người. Đồng thời bộ máy nhà nước cần tiếp tục được cải cách để thực hiện tốt hơn pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người trên thực tế. Một nội dung khác cũng cần được tính đến đó là chia sẻ thông tin về vấn đề bảo vệ quyền con người. Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi Việt Nam phải phối hợp trao đổi và thu thập các thông tin về quyền con người, đây hiện còn là mặt hạn chế của chúng ta.
Mặc dù hiện nay AICHR mới chỉ được giao những chức năng nhiệm vụ cơ bản và hạn chế, tuy nhiên để bảo vệ được quyền và lợi ích của người dân ASEAN mà tất cả các quốc gia mong đợi thì trong tương lai cơ quan này sẽ được trao những thẩm quyền cao hơn. Do vậy, chúng ta cũng phải có những thay đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm một mặt bảo vệ tốt hơn quyền con người mặt khác sẽ tự tin khi tham gia các cơ chế quốc tế cũng như khu vực về bảo vệ quyền con người. Cụ thể:
Trong trường hợp AICHR được trao thẩm quyền nhận và xem xét khiếu nại vi phạm quyền con người của công dân các nước thành viên thì Việt Nam sẽ cần tự hoàn thiện hệ thống luật tố tụng, luật về khiếu nại cũng như hệ thống tòa án để bảo đảm cho người dân có thể thực hiện quyền khiếu kiện của mình, tránh việc người dân Việt Nam phải kiện lên AICHR.
Nếu AICHR được trao thẩm quyền ra các quyết định có tính ràng buộc đối với các nước thành viên thì cũng sẽ dẫn đến khả năng phải sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan. Thực tiễn là các quyết định của CQNQ khu vực thường liên quan đến các biện pháp, chính sách và quy định của một quốc gia trái với các văn kiện về quyền con người. Do đó, thông thường CQNQ khu vực sẽ buộc các quốc gia phải sửa đổi luật pháp trong nước để khắc phục việc vi phạm quyền con người. Việt Nam có thể bị rơi vào hoàn cảnh nêu trên nếu AICHR đưa ra các quyết định về sự vi phạm của một văn bản hay một quyết định hành chính nào đó. Do vậy, trong trường hợp này, Việt Nam cũng sẽ cần chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật để hạn chế tối đa khả năng vi phạm quyền con người. Nếu AICHR có thẩm quyền nhận và xem xét khiếu kiện cá nhân thì đây sẽ là một vấn đề mới và chưa có tiền lệ tại Việt Nam vì trong các văn kiện quốc tế về quyền con người mà chúng ta đang là thành viên, Việt Nam chưa phê chuẩn các nghị định thư liên quan đến thẩm quyền của cơ quan tài phán về nhân quyền37
.
Tóm lại, để chuẩn bị đón nhận hoạt động của AICHR cũng như tiếp nhận những thẩm quyền cao hơn của CQNQ ASEAN thì Việt Nam cần phải ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật và quan tâm hơn nữa đến các chính sách dành cho con người.