Các quốc gia thành viên ASEAN đã nhiều dịp thể hiện thái độ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh quyền con người đã trở nên quan trọng trong quan hệ quốc tế. Điều này thể hiện rất rõ trong việc các nước thành viên ASEAN đã tham gia, đóng góp tích cực vào Hội Nghị Thế giới về Nhân quyền được tổ chức tại Viên, Áo năm 1993. Bên cạnh đó, trong tuyên bố Băngkok, các quốc gia Đông Nam Á, cũng như các quốc gia châu Á nói chung đã khẳng định tính "toàn cầu, khách quan và không mang tính chọn lựa" của các quyền con người (đoạn 7), công nhận và cam kết thúc đẩy một số quyền quan trọng của con người như các quyền kinh tế, chính trị, xã hội, quyền dân tộc tự quyết, quyền được phát triển, các quyền đặc biệt của nhóm những dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em (các đoạn 6, 10, 11, 13, 17, 22, 23). Ngoài ra, trong nhiều hội nghị Bộ trưởng, vấn đề nhân quyền cũng được đưa ra thảo luận thể hiện sự quan tâm to lớn của các quốc gia ASEAN đối với vấn đề này.
Sự quan tâm này đã được thể hiện trong 2 văn bản quan trọng của tổ chức là Tầm nhìn ASEAN tới năm 2020 và Hiến chương ASEAN. Tầm nhìn ASEAN khẳng định nỗ lực của các quốc gia thành viên xây dựng một cộng đồng ASEAN tới năm 2020 phát triển "năng động, cởi mở", tạo điều kiện thuận lợi để "tất cả cá nhân trong cộng động được tiếp cận tất cả các phương tiện nhằm phát triển toàn diện". Về Hiến chương ASEAN, tại điều 2 (j) về nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội có quy định rõ: "Hiệp hội và tất cả các quốc gia thành viên sẽ hành động phù hợp với nguyên tắc...tôn trọng các
quyền tự do cơ bản thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người". Tiếp nối định hướng trong Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 2621
, điều 14 Hiến chương quy định việc thành lập một Cơ quan Nhân quyền ASEAN.
Hơn nữa, thực tế cho chúng ta thấy rằng tất cả các quốc gia ASEAN đã tham gia và khẳng định tuân thủ các quy định về nhân quyền trong Hiến chương LHQ và Tuyên ngôn Nhân quyền. Công ước chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC) cũng đã được tất cả các thành viên ASEAN tham gia. Ngoài ra, một số quốc gia đã tham gia vào những công ước quốc tế khác về quyền con người đã chứng minh cho sự quan tâm của các quốc gia trong Hiệp hội đối với vần đề nhân quyền.
Tuy nhiên, mặc dù tỏ ra rất thiện chí khi công nhận tính toàn cầu của quyền con người nhưng các quốc gia ASEAN luôn giữ lập trường sẽ áp dụng những quyền này theo các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc biệt là văn hóa từng quốc gia, khu vực mình. Điều này đã được khẳng định trong báo cáo Băng Cốc năm 1993. Một mặt nào đó cũng có thể coi quan điểm trên là một cách “định nghĩa” của ASEAN về quyền con người.
Từ đó có thể thấy rằng nhân quyền theo “định nghĩa” của các nước ASEAN có các đặc điểm sau:
* Có tính đặc thù văn hóa. Điều này được hiểu là do sự khác biệt rất lớn về điều kiện lịch sử, cơ cấu xã hội, truyền thống văn hóa và phát triển văn hóa, các quốc gia khác nhau thì có cách hiểu và thực thi quyền con người khác nhau.
21 Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 26 được tổ chức tại Singapo, ngày 22-24 tháng 7 năm 1993. Tuyên bố chung của Hội nghị được đăng tải tại trang web của Nhóm làm việc về Cơ chế nhân quyền ASEAN:
* Phải giúp cộng đồng cùng phát triển. Văn hóa khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung luôn đặt cộng đồng lên trên cá nhân, ưu tiên trật tự và hài hòa xã hội hơn tự do cá nhân. Do đó, một số quyền con người nếu làm lợi cho phát triển xã hội đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế thì cần được ưu tiên thực hiện hơn so với quyền chỉ có lợi của từng cá nhân. Hơn nữa, các quốc gia ASEAN còn lập luận rằng, vì sự phát triển kinh tế, các quyền dân sự, chính trị phải chịu sự chi phối của trật tự xã hội và có thể chưa được áp dụng cho tới khi mọi người dân được cung cấp đủ nhu yếu phẩm hàng ngày [21, tr.10]. Thực tế hiện nay tại các quốc gia ASEAN còn nhiều quốc gia mới đang phát triển do đó việc đáp ứng đầy đủ nhu yếu phẩm hằng ngày vẫn là một vấn đề khó khăn.
* Nhân quyền theo các nước ASEAN là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia[21, tr.18]. Trong Bác cáo Băng Cốc, các nước đã khẳng định: "nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và không sử dụng nhân quyền như một công cụ để gây sức ép chính trị”. Hơn nữa, các nước Đông Nam Á cùng với các nước châu Á khác còn khẳng định, mặc dù khía cạnh của quyền con người có tính chất quốc tế nhưng phần lớn chúng đều thuộc chủ quyền quốc gia
Mặc dù còn tỏ ra khá dè dặt trong việc công nhận một số quyền con người, tuy nhiên các quốc gia Đông Nam Á đã có sự quan tâm lớn đến vấn đề này. Việc các quốc gia gần đây nhiều lần thể hiện thái độ đồng tình và khuyến khích thiết lập một cơ chế nhân quyền trong Hiệp hội đã mở ra khả năng thành công rất lớn cho kế hoạch này. Tuy nhiên, nguyên tắc "không can thiệp" và "chủ quyền" cũng có thể là một “rào cản” trong quá trình xây dựng cơ chế và hoạt động của cơ chế.