"Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển" là chủ trương của Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong vấn đề hợp tác về nhân quyền Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương cũng như trong quan hệ song phương.
Tích cực tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là mục tiêu được nhà nước Việt Nam coi trọng nhằm bảo đảm thực hiện các chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền con người. Các chuẩn mực này là thước đo giá trị cho các quốc gia vươn tới và đòi hỏi sự cố gắng của các quốc gia trong việc đạt tới các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các công ước quan trọng về quyền con người của Liên Hợp Quốc, trong số đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng; Công ước quốc tế về xóa bỏ và trừng phạt tội Apartheid; Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Công ước quốc tế về không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh. Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc tế mà mình đã cam kết trong các công ước này, trong đó phải kể đến việc trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia theo quy định của một số công ước quốc tế về quyền con người. Cụ thể, Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công báo cáo về thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) ngày 11/7/2001; báo cáo về tình hình thực hiện Công ước xóa bỏ các hình thức phân biệt
chủng tộc (CERD) ngày 15/8/2001; hai báo cáo liên quan đến Công ước về các quyền dân sự chính trị vào ngày 12/7/1990 và 14/7/2002; hai báo cáo về Công ước quyền trẻ em vào ngày 20/01/1993 và ngày 12/1/2003 [5, tr. 70].
Trong khuôn khổ đa phương, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp cho mục tiêu chung thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, tham gia vào một số các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người như Ủy ban nhân quyền nhiệm kỳ 2001 - 2003; Ủy ban phát triển xã hội nhiệm kỳ 2002 - 2004; Hội đồng kinh tế xã hội nhiệm kỳ 1998 - 2000. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã phối hợp với các nước đóng góp tích cực vào thúc đẩy việc bảo vệ quyền con người và luật quốc tế về quyền con người.
Ngoài ra, Việt Nam chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác song phương với các quốc gia khác về các vấn đề quyền con người mà các bên cùng quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đối thoại với những nước như với Hoa Kỳ, với Liên minh Châu Âu, với Úc, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ...Qua các cuộc đối thoại này các nước đã có cơ hội hiểu rõ hơn về luật pháp, chính sách nhân quyền của Việt Nam.
Tóm lại, có thể thấy rõ rằng chính sách nhân quyền của Việt Nam trong hợp tác quốc tế luôn thể hiện quyết tâm tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế trên phương diện đa phương cũng như song phương, với một tinh thần chủ động và trách nhiệm nhằm đóng góp vào công cuộc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Xuất phát từ quan niệm về vai trò quan trọng của con người là trung tâm cho sự phát triển của đất nước, vừa là người được hưởng các quyền và là đối tượng cho các chính sách hướng tới, đồng thời là người xây dựng và thực thi các chính sách của một quốc gia, Nhà nước Việt Nam không thể không quan tâm và đặt vấn đề bảo vệ quyền con người lên hàng đầu. Để thực hiện được tốt mục tiêu đó thì không những phải thực hiện tốt chính sách bảo vệ
quyền con người ở trong nước mà còn phải tích cực tham gia hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền con người, qua đó tạo ra những điều kiện thúc đẩy phát triển nhân quyền trong nước.