- Giám đốc Chi nhánh hoặc người được ủy quyền hợp pháp:
2.5.3.2. Những mặt còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản trị rủi ro trong CVDN của chi nhánh vẫn tồn tại một số yếu kém:
(1) Quy trình cho vay trải qua nhiều công đoạn, chưa kiểm soát tốt rủi ro trong cho vay.
Quy trình cho vay tại chi nhánh còn phức tạp và trải qua nhiều công đoạn, tuy nhiên nó ảnh hưởng không tốt đến công tác quản trị rủi ro trong CVDN. Cụ thể là, một CBCV tại chi nhánh có quá nhiều việc phải làm như phải kiểm soát rất nhiều khách hàng và xử lý nhiều hồ sơ xin vay vốn cùng một lúc, hơn nữa quy trình cho vay lại phức tạp như phải trải qua nhiều bước thẩm định và qua nhiều bộ phận nên trong quá trình thẩm định khoản vay CBCV bỏ sót những bước trong quy trình, do đó không đánh giá được chính xác hiệu quả của kế hoạch SXKD và năng lực tài chính của doanh nghiệp nên khó phát hiện được những rủi ro xảy ra. Khi không phát hiện và lường trước được rủi ro xảy ra thì điều này chứng tỏ công tác quản trị rủi ro trong CVDN chưa đạt hiệu quả.
(2) Công tác thẩm định cho vay còn hạn chế.
Tại chi nhánh, hạn chế còn tồn tại trong công tác thẩm định ở cả hai yếu tố:
Thẩm định phi tài chính: tại chi nhánh, CBCV có trình độ chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm không nhiều mà công tác thẩm định phi tài chính chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân nên việc thẩm định còn nhiều thiếu sót, chưa đánh giá được chính xác năng lực pháp lý và uy tín của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông tin mà chi nhánh thu thập được vẫn chưa được cập nhật đầy đủ và chính xác nên công tác thẩm định phi tài chính không đạt hiệu quả. Hơn nữa, yếu tố con người rất khó kiểm soát nên để hiểu biết được năng lực quản lý và trình độ đạo đức của người đại diện doanh nghiệp là rất khó. Vì vậy, đây cũng là một nguyên nhân gây ra những rủi ro cho chi nhánh.
Thẩm định tài chính:
Thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp: CBCV tại chi nhánh thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình hoạt động SXKD và tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các báo cáo, hồ sơ tại thời điểm vay vốn, báo cáo kết quả hoạt động SXKD... Dựa vào các báo cáo này CBCV sẽ phân tích để đưa ra đánh giá về chiều hướng phát triển, tình hình kinh doanh, tình hình sử dụng vốn và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính và thông tin mà doanh nghiệp cung cấp cho chi nhánh là chưa đầy đủ và chính xác, bên cạnh đó, những thông tin mà chi nhánh thu thập từ những nguồn khác cũng thiếu tính cập nhật hoặc do CBCV không tích cực thu thập và kiểm soát thông tin mà dựa hoàn toàn vào tài liệu khách hàng cung cấp, không có sự xác minh lại... làm cho công tác thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp không được đánh giá chính xác, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho vay của chi nhánh. Điều này chứng tỏ công tác quản trị rủi ro trong CVDN của chi nhánh chưa thực sự nghiêm túc.
Thẩm định kế hoạch SXKD: đối với phương án SXKD, do sự hiểu biết và kinh nghiệm về một ngành nghề kinh doanh cụ thể vẫn còn hạn hẹp nên khả năng nghiên cứu và phân tích về ngành nghề kinh doanh cũng như thị trường tiêu thụ chưa được rõ ràng và độ chính xác không cao. Do không đánh giá được khả năng tiêu thụ sản phẩm nên CBCV cũng không đưa ra được các dự tính về doanh số bán hàng để tính toán được nguồn trả nợ của doanh nghiệp, hơn nữa do số liệu của báo cáo tài chính không đúng nên việc tính toán các chỉ tiêu tài chính bị sai lệch ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho vay của chi nhánh; đối với dự án SXKD, cho vay theo dự án đầu tư có thời gian sử dụng vốn dài nên rủi ro xảy với dự án là khó có thể kiểm soát được, ngoài việc không đánh giá được khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án và kết quả các chỉ tiêu tài chính bị sai lệch thì việc dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến dự án là rất khó bởi vì trong thời gian dài các yếu tố như điều kiện tự nhiên, chính sách của Chính phủ, chính sách của NHNN có thể thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng xấu đến tiến trình SXKD và công tác thẩm định của chi nhánh.
Thẩm định TSĐB: công tác này tại chi nhánh còn hạn chế ở chỗ: đối với những TSĐB vượt quá năng lực thẩm định của CBCV, chi nhánh đã phải thuê các cơ quan chức năng hoặc chuyên gia có hiểu biết về lĩnh vực đó thẩm định, việc này làm tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian và chi nhánh bị rơi vào thế bị động.
(3) Thu thập và kiểm soát thông tin còn yếu.
Trong nền kinh tế phát triển như hiện nay thì thông tin là một yếu tố hết sức quan trọng, nó đánh giá được sự thành bại của chi nhánh. Khi nắm bắt được nhiều thông tin một cách nhanh chóng và kịp thời thì chi nhánh sẽ có nhiều cơ hội trong việc
ra quyết định tạo ra lợi thế cho chi nhánh. Muốn có được nhiều thông tin thì chi nhánh có thể tìm kiếm từ rất nhiều nguồn: từ doanh nghiệp, từ mối quan hệ vay mượn trước đây của doanh nghiệp, từ trung tâm thông tin tín dụng của NHNN (CIC), từ phương tiện thông tin đại chúng… Tuy nhiên, tại chi nhánh chưa có được một phương pháp tối ưu để tìm kiếm thông tin, dường như thông tin chỉ có được từ phía khách hàng, và từ trung tâm thông tin tín dụng của NHNN nhưng không đầy đủ và có những thiếu sót. Do đó, công tác thẩm định không chính xác làm ảnh hưởng xấu đến việc ra quyết định cho vay, điều này cho thấy sự chưa hiệu quả của công tác quản trị rủi ro trong CVDN của chi nhánh.
(4) Công tác phát hiện, kiểm tra và đề ra biện pháp phòng ngừa rủi ro chưa tốt.
Công tác phát hiện, kiểm tra và đề ra biện pháp phòng ngừa rủi ro là rất cần thiết đối với một khoản vay, góp phần giảm thiểu rủi ro xảy ra cho chi nhánh. Tuy nhiên, chi nhánh Hà Thành là chi nhánh lớn trong hệ thống NHNN&PTNT Việt Nam nên chi nhánh thường xuyên phải giải quyết một lượng lớn nhu cầu vay mượn của khách hàng, một CBCV của chi nhánh phải chịu trách nhiệm rất nhiều hồ sơ và khách hàng vì thế họ không thể dành quá nhiều thời gian vào một khoản vay, do đó công tác phát hiện, kiểm tra và đưa ra các biện pháp phòng ngừa tại chi nhánh là chưa tốt. Bên cạnh đó, số lượng CBCV có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm là không nhiều nên việc tìm hiểu và phát hiện rủi ro đối với một khoản vay còn gặp nhiều khó khăn.
(5) Lãnh đạo còn quan liêu trong việc ra quyết định cho vay
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra rủi ro cho chi nhánh. Một cán bộ lãnh đạo ngân hàng có quá nhiều việc phải làm, chịu nhiều áp lực, phải xem xét và ra quyết định cho vay nhiều hồ sơ cùng một lúc. Do đó, khi cán bộ lãnh đạo xem xét hồ sơ để ra quyết định cho vay dường như chỉ kiểm tra qua loa, hời hợt và đại khái mà hầu hết dựa vào kết quả thẩm định của CBCV và quá tin vào trình độ, năng lực của CBCV mà đưa ra quyết định cho vay. Việc không xem xét và kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ đã gây ra tổn thất lớn cho chi nhánh.
(6) Kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay chưa tốt.
Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của doanh nghiệp là rất quan trọng, nó đảm bảo cho khoản vay có được chất lượng và hiệu quả tốt. Khi thực hiện tốt công tác này, CBCV sẽ phát hiện được nhanh chóng và có biện pháp xử lý sớm những sai phạm, thiếu sót của mình và doanh nghiệp hoặc có thể đưa ra các giải pháp hỗ trợ khách hàng, đảm bảo hiệu quả khoản vay. Thời gian vừa qua đã cho thấy công tác kiểm tra, giám sát khoản vay của chi nhánh chưa tốt, vẫn còn lơ là, chưa thường xuyên và đôi khi chỉ mang tính hình thức, do vậy không phát hiện kịp thời các dấu hiệu
không lành mạnh và để xảy ra những tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, nợ xấu và nợ quá hạn.
(7) Đốc thúc, thu hồi nợ chưa hiệu quả.
Việc đốc thúc và thu hồi nợ tại chi nhánh chưa đạt hiệu quả cao. Tại chi nhánh, do CBCV phải tiếp nhận và xử lý nhiều hồ sơ, kiểm soát nhiều khách hàng cùng một lúc nên còn lơ là trong việc đốc thúc doanh nghiệp trả nợ, không liên tục đốc thúc khách hàng trả nợ nên để xảy ra nhiều trường hợp các khoản nợ quá hạn chuyển sang nợ xấu. Bên cạnh đó, do CBCV quá tập trung vào việc đạt đủ chỉ tiêu và doanh số mà sao nhãng trong việc đốc thúc thu hồi nợ làm giảm chất lượng của khoản vay, ảnh hưởng xấu đến công tác quản trị rủi ro trong CVDN của chi nhánh.
(8) Xử lý tài sản đảm bảo còn gặp nhiều khó khăn.
Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì chi nhánh có quyền xử lý TSĐB mà doanh nghiệp đem thế chấp. Tuy nhiên, việc xử lý TSĐB còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí và có nhiều rào cản khi ngân hàng mang các hợp đồng kinh tế ra trước pháp luật... Bên cạnh đó, có những trường hợp giấy tờ sở hữu của TSĐB không hợp pháp, hợp lệ gây khó khăn cho việc phát mại tài sản, thậm chí ngân hàng phải chịu tổn thất lớn khi TSĐB không thanh lý được.