1 thông tư hướng dẫn
2.3.9 Một số quy định được áp dụng trong thương mại điện tử
Thực tiễn phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cho thấy các mô hình kinh doanh trực tuyến theo hình thức B2C (website bán hàng chuyên doanh hoặc tổng hơp) và B2B (nơi doanh nghiệp đăng tải thông tin, tìm kiếm đối tác, cơ hội kinh doanh,v.v..) đang xuất hiện ngày càng nhiều. Những mô hình kinh doanh này có rất nhiều tên gọi khác nhau như: chợ trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị trực tuyến, siêu thị điện tử, cửa hàng trực tuyến, v.v… Trong khi chưa có cách định danh chính thức được pháp luật thừa nhận, các tên gọi này đang được doanh nghiệp sử dụng một cách tương đối linh hoạt và được xã hội chấp nhận.
Câu hỏi đặt ra cho một số cơ quan quản lý là liệu các “siêu thị trực tuyến” này có phải đáp ứng những tiêu chuẩn của siêu thị (như diện tích kinh doanh, danh mục hàng hóa, bố trí mặt bằng,v.v…) theo quy định hiện hành hay không? Tuy nhiên, văn bản cụ thể nhất về vấn đề này là Quy chế siêu thị, Trung tâm thương mại ban hành kèm theo quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM của Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) ngày 24/9/2004 chỉ áp dụng cho các cửa hàng, siêu thị truyền thống có diện tích kinh doanh, không điều chỉnh các hình thức tổ chức kinh doanh trực tuyến.
Xét về hệ thống pháp luật hiện hành, Luật giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định thương mại điện tử và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Công nghệ thông tin hiện là 4 văn bản chủ yếu liên quan đến kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, những văn bản này cũng chưa có quy định cụ thể về cách phân loại và gọi tên các “trang thông tin điện tử bán hàng” hay quy định siêu thị trực tuyến và trung tâm thương mại trực tuyến phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Do đó, trong khi Nhà nước chưa có quy định cụ thể về tên gọi của từng loại hình cửa hàng trực tuyến, doanh nghiệp có thể đặt cho cửa hàng trực tuyến của mình những tên gọi khác nhau mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn phải tiếp tục xem xét để ban hành các quy định về tiêu chuẩn và đặt tên cho các trang thông tin điện tử bán hàng.
Vì vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc khi sử dụng các tên gọi như “siêu thị trực tuyến” hay “trung tâm thương mại trực tuyến” phòng khả năng phải sửa lại tên gọi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn ban hành trong tương lai. Trong khi chưa
có quy định cụ thể, các doanh nghiệp nên sử dụng những tên gọi chung như “cửa hàng trực tuyến” cho website bán hàng của mình.
2.3.9.2 Áp dụng các quy định về chứng từ kế toán đối với chứng từ điện tử
Hiện nay, hóa đơn vẫn được coi là chứng từ gốc cơ bản nhất để xác định các quyền lợi và nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp, để doanh nghiệp hạch toán chi phí và doanh thu cũng như để xác nhận quyền sở hữu của người mua hàng. Do vậy, các hóa đơn ban hành trong nội bộ nền kinh tế đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Bộ Tài chính về hình thức in ấn, nội dung cũng như con dấu. Chứng từ điện tử không đáp ứng được đầy đủ những điều kiện này sẽ không được coi là hợp lệ trong giao dịch giữa tổ chức với cơ quan thuế, mặc dù chúng có giá trị pháp lý “như văn bản” và “như bản gốc” theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khác với những chứng từ thương mại liên quan đến quá trình giao kết hợp đồng, chứng từ và hóa đơn tài chính không chỉ là căn cứ phân định trách nhiệm giữa các bên tham gia hợp đồng, mà còn được sử dụng để xác định nghĩa vụ tài chính, thuế giữa các bên với cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, để có thể tiến hành một chu trình thương mại điện tử trọn vẹn từ khâu đặt hàng đến khâu thanh toán, ngoài sự thống nhất ý chí giữa các bên tham gia giao dịch còn cần có những quy định cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về việc tiếp nhận và xử lý các hóa đơn, chứng từ điện tử phát sinh từ giao dịch này. Thay vì các mẫu hóa đơn in sẵn như hiện nay sẽ là hóa đơn tự tin từ hệ thống quản lý nội bộ của doanh nghiệp, hoặc các chứng từ điện tử được gửi, nhận và lưu trữ trong hệ thống thông tin của từng bên tham gia giao dịch. Để những chứng từ này có giá trị sử dụng thực tế đối với nghiệp vụ tài chính của doanh nghiệp thì ngoài sự thừa nhận chính thức của nhà nước về giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, còn cần sự thay đổi tương ứng trong các quy định về hóa đơn chứng từ của hệ thống pháp luật tài chính hiện hành.
Việc Tổng cục thuế gần đây khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in (với điều kiện đăng ký sử dụng mẫu hóa đơn và đáp ứng một số thể thức yêu cầu về thể thức hóa đơn) đã bước đầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các quy trình giao dịch trên nền hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp với mức độ tự chủ
cao. Tuy nhiên, yêu cầu về “hóa đơn chứng từ giấy” với chữ ký và con dấu theo cách hiểu truyền thống vẫn là một trở ngại lớn cho việc phát triển các giải pháp thương mại điện tử toàn diện trong doanh nghiệp. Trước thực tế này, Tổng cục thuế đã lập “Đề án cải cách công tác quản lý, sử dụng hóa đơn giai đoạn 2007-2012” nhằm điều chỉnh các quy định về chứng từ cho phù hợp với những hình thái kinh doanh mới trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, đây là một dự án dài hạn và cần được sự chuẩn bị công phu cũng như sự phối hợp của nhiều thành phần trong xã hội trước khi có thể đưa vào triển khai thực tế.
2.3.9.3 Áp dụng các cam kết WTO
a) Áp dụng cam kết về thuế nhập khẩu với các sản phẩm cung cấp trên mạng
Từ năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới đã triển khai các hoạt động nghiên cứu về thương mại điện tử. Theo yêu cầu của các nước thành viên, Ban Thư ký WTO đã tiến hành nhiều nghiên cứu về vai trò của WTO đối với phát triển thương mại điện tử. Nhiều nước thành viên, cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, đã tích cực nghiên cứu và tham gia nhiều cuộc họp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của thương mại điện tử thông qua hệ thống các quy tắc thương mại đa biên chặt chẽ của WTO.
Sự kiện nổi bật nhất của WTO về thương mại điện tử cho tới nay là việc hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 2 tổ chức vào tháng 5/1998 đã thông qua tuyên bố của các Bộ trưởng WTO về thương mại điện tử toàn cầu. Tuyên bố này bao gồm 3 nội dung cơ bản. Nội dung thứ nhất là WTO thừa nhận thương mại điện tử toàn cầu đang phát triển nhanh chóng và tạo ra các cơ hội mới cho thương mại. Nội dung thứ hai là đại hội đồng sẽ xây dựng chương trình làm việc về thương mại điện tử để xem xét toàn bộ các vấn đề liên quan tới thương mại của thương mại điện tử toàn cầu. Đại hội đồng cùng với các cơ quan liên quan của WTO sẽ triển khai chương trình làm việc này và báo cáo tới hội nghị bộ trưởng tiếp theo các khuyến nghị cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Nội dung cơ bản thứ 3 là các nước thành viên WTO sẽ tiếp tục duy trì hiện trạng không áp đặt thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm số hóa được cung cấp trên mạng.
Trong khi vẫn chưa có những giải pháp rõ ràng về vấn đề này, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử trong WTO. Một mặt, Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc các cam kết tạm thời chưa áp dụng thuế quan với sản phẩm nhập khẩu qua mạng. Mặt khác, với tư cách thành viên chính thức của WTO, Việt Nam cần trực tiếp tham gia các hoạt động của Đại hội đồng cũng như của các cơ quan liên quan để đóng góp tiếng nói trong việc hình thành chính sách đối với thương mại điện tử toàn cầu.
b) Áp dụng cam kết đối với các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết trong cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước rất nhiều thách thức. Bên cạnh những vấn đề về năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu, doanh nghiệp cũng lúng túng khi phải đối mặt với nhiều phương thức cạnh trạnh mới từ các đối thủ quốc tế qua những kênh phi truyền thống như thương mại điện tử. Việc thiết lập, quản lý và vận hành các website thương mại điện tử, hay những dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử khác trên môi trường trực tuyến thuộc nhóm dịch vụ máy tính. Tuy nhiên, cần lưu ý trong khi dịch vụ thiết kế website là dịch vụ máy tính , việc lập và vận hành website để bán hàng hóa hoặc tiến hành các hoạt động thương mại khác không phải là dịch vụ máy tính. Webiste là một phương thức bổ sung để các chủ thể tiến hành những hoạt động kinh tế xã hội rất đa dạng và khác nhau về mặt bản chất. Do đó, không thể có một mã ngành dịch vụ áp dụng chung cho tất cả các website mà việc phân loại phải dựa vào bản chất của dịch vụ cung cấp trên từng website. Đây là cách tiếp cận được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên, xét về dài hạn khi mục tiêu cuối cùng mà WTO hướng tới là tự do hóa thương mại ở mức độ cao nhất trên mọi lĩnh vực thì việc phân loại dịch vụ này cũng dần trở nên ít có ý nghĩa.