1.1.6.1 Chính sách phát triển chung về thương mại điện tử
Thương mại điện tử đã được nhắc tới trong những văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, thể hiện chủ trương phát triển thương mại điện tử như một phương thức quan trọng thúc đẩy kinh tế trong nước và hội nhập với thế giới. Tháng 10-2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó yêu cầu tập trung phát triển các dịch vụ điện tử trong các lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Tháng 4-2001, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, thương mại điện tử đã được nhắc tới như một yếu tố thị trường quan trọng cần phát triển nhằm hỗ trợ các ngành thương mại, dịch vụ khác, thể hiện trong văn kiện về định hướng phát triểnkinh tế, xác định tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với thương mại điện tử. Tháng 5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động, triển khai Chỉ thị số 58- CT/TW. Văn bản này đặt mục tiêu, đề xuất các biện pháp, chương trình, kế hoạch, xác định trách nhiệm các bộ, ngành trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, trong đó bao gồm việc phát triển thương mại điện tử.
Ngày 25-7-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 95/2002/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005.
Ngày 06-10-2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (246/2005/QĐ-TTg).
Tháng 1/2002, Bộ Thương mại chủ trì xây dựng Pháp lệnh thương mại điện tử nhằm hình thành cơ sở pháp lý toàn diện cho thương mại điện tử.
Ngày 15-9-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010” (222/2005/QĐ- TTg). Quyết định 1073/QĐ-TTg, ngày 12/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015”
“Luật Giao dịch điện tử” được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005.
“Luật Công nghệ thông tin” được Quốc hội khóa XI, thông qua ngày 29/6/2006.
Ngày 9-6-2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành "Nghị định về thương mại điện tử" (57/2006/NĐ-CP). Tiếp theo, từ 2006-2011, 12 Nghị định nữa Thủ tướng Chính phủ được ban hành với các quy định về quản lý và xử phạt liên quan đến thương mại điện tử.
Các văn bản cụ thể hoá chủ trương, đường lối phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã được xây dựng là Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông, Kế hoạch tổng thể phát triển Chính phủ điện tử tới năm 2010 và Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010, 2011-2015.
1.1.6.2 Luật giao dịch điện tử
Đầu năm 2004, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khởi động dự án xây dựng Luật Giao dịch điện tử. Tới tháng 5-2005, Ban Soạn thảo đã hoàn thành dự thảo 8 với cấu trúc gồm tám chương, 55 điều, quy định về: Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và thị trường chứng thực điện tử; Hợp đồng điện tử; Giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước; Vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh; Vấn đề sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính và lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, với 8 chương, 54 điều. Đây được coi là thời điểm lịch sử của các giao dịch điện tử tại Việt Nam, bao gồm các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại. Luật Giao dịch điện tử sẽ thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử được sử dụng trong các quan hệ dân sự, thương mại và hành chính; đồng thời cụ thể hoá các quy định áp dụng cho hợp đồng điện tử và các giao dịch điện tử của khối cơ quan nhà nước. Tổ chức, cá nhân sẽ yên tâm khi tiến hành các giao dịch điện tử, vừa giảm các chi phí giao dịch, tiết kiệm thời
gian xử lý và vẫn có thể yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi của mình một khi có tranh chấp xảy ra. Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử được quy định trong Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử là:
- Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch. - Tự thỏa thuận việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử. - Không có công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử. - Bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
- Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật giao dịch điện tử.
1.1.6.3 Các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành Luật GDĐT
Nghị định về Thương mại điện tử là nghị định đầu tiên hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, được ban hành vào ngày 9/6/2006. Với việc thừa nhận chứng từ điện tử có giá trị pháp lý tương đương chứng từ truyền thống trong mọi hoạt động thương mại từ chào hàng, chấp nhận chào hàng, giao kết hợp đồng cho đến thực hiện hợp đồng, Nghị định này đã tạo hành làng pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm tiến hành giao dịch thương mại điện tử, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Trong năm 2007 các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành soạn thảo hai thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử. Đó là Thông tư của Bộ Công Thương về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử và Thông tư liên tịch Bộ Công Thương – Bộ Y tế hướng dẫn việc bán buôn thuốc qua các phương tiện điện tử. Đến cuối năm 2007, hai thông tư này đã cơ bản hoàn thành về mặt nội dung và được đưa ra xin ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trước khi chính thức ban hành. Thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử được xây dựng trong bối cảnh số lượng website thương mại điện tử đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật
hiện vẫn chưa điều chỉnh về quy tắc giao dịch cũng như mô hình hoạt động của các website thương mại điện tử. Mọi giao dịch được tiến hành một cách tự phát và không có cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp phát sinh. Vì vậy, Thông tư được xây dựng nhằm thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực chung cho các website thương mại điện tử, nâng cao tính minh bạch của môi trường giao dịch, đồng thời giúp bảo vệ và cân bằng lợi ích của các bên tham gia.
Văn bản thứ hai hướng dẫn Nghị định về Thương mại điện tử được xây dựng trong năm 2007 là Thông tư liên tịch Bộ Công Thương – Bộ Y tế hướng dẫn việc bán buôn thuốc qua các phương tiện điện tử. Thuốc là mặt hàng thích hợp cho mua bán trực tuyến vì có giá trị cao, khối lượng nhỏ. Việc bán thuốc và công khai giá thuốc trên mạng Internet sẽ giúp người dân cũng như doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn thuốc khác nhau, góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường. Mặt khác, thuốc chữa bệnh là mặt hành kinh doanh đặc biệt, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người nên cũng cần có những quy định riêng, tránh việc lợi dụng bán thuốc qua mạng để có hành vi gian lận, lừa dối khách hàng. Cho tới nay đã có một số doanh nghiệp đầu tư thiết lập website bán thuốc qua mạng. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động bán thuốc qua mạng nên những doanh nghiệp này mặc dù đã thiết lập website vẫn chưa thể tiến hành kinh doanh trong thực tế.
Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số được ban hành ngày 15/2/2007. Nghị định này quy định về chữ ký số và các nội dung cần thiết liên quan đến sử dụng chữ ký số, bao gồm chứng thư số và việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số. Đây là những quy định nền tảng để thiết lập một cơ chế đảm bảo an ninh an toàn cũng như độ tin cậy của các giao dịch điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.
Với chủ trương của Ban soạn thảo xây dựng Nghị định thật chi tiết để có thể đưa vào triển khai ngay trong thực tế mà không cần các văn bản hướng dẫn thi
hành, Nghị định này đi sâu vào những vấn đề mang tính kỹ thuật về quản lý và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Giá trị pháp lý của chữ ký số: Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử cho phép xác nhận sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp, đồng thời chứng thực sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu từ thời điểm được ký. Điều 8 Nghị định về Chữ ký số và Dịch vụ chứng thực chữ ký số đã chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số trong các giao dịch điện tử: “Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số”.
Nghị định về Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính ngày 23/2/2007, được Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Nghị định này ra đời nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để hình thành và phát triển một môi trường giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả, giúp Chính phủ quản lý được giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ tài chính, giảm thiểu hậu quả xấu phát sinh trong giao dịch điện tử như trốn thuế, gian lận khi lập hóa đơn chứng từ, v.v…, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cải cách của ngành tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng là nghị định thứ ba liên tiếp được ban hành trong năm 2007 nhằm hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử. Nghị định này tập trung hướng dẫn việc áp dụng Luật Giao dịch điện tử cho các hoạt động ngân hàng cụ thể, bảo đảm những điều kiện cần thiết về môi trường pháp lý để củng cố, phát triển các giao dịch điện tử an toàn và hiệu quả đối với hệ thống ngân hàng.
Ngày 10/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2007/NĐ-CP về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là văn bản hướng dẫn đồng thời Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin với phạm vi rất rộng, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư cho ứng dụng và hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Nghị định về ứng
dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc nhằm đẩy mạnh giao dịch điện tử trong khu vực hành chính công. Các quy định về cung cấp, tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng, kết nối và chia sẻ thông tin số, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, bảo đảm truy nhập thông tin và khai thác dịch vụ hành chính công, v.v… góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, minh bạch hóa môi trường giao dịch, đẩy nhanh việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ công và qua đó thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.