Thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 30)

Trong xu thế phát triển và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tại Nghị quyết TW 2 khóa VIII, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ SHTT và khuyến khích chuyển giao công nghệ…, phát động phong trào quần chúng tiến sâu vào khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, áp dụng khoa học và công nghệ vào mọi mặt của sản xuất và đời sống; có biện pháp phát hiện kịp thời ngăn chặn và đình chỉ sản xuất lưu thông hàng giả [37].

Khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hội nhập kinh tế quốc tế thì vấn đề hài hòa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế, hoàn thiện về thể chế là đòi hỏi hàng đầu. Đặc biệt khi Việt Nam nộp đơn gia nhập WTO vào năm 1995 thì yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về SHTT là vấn đề cấp bách. Trước yêu cầu và đòi hỏi đó, nhà nước Việt Nam đã xây dựng Chương trình về SHTT với mục tiêu làm cho hệ thống SHTT của Việt Nam phù hợp với TRIPs. Theo đó, chương trình tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu: xây dựng hệ thống pháp luật; tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi quyền SHTT; tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan quản lý; nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề SHTT.

Thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam được đánh dấu bằng việc Quốc hội Việt Nam ban hành bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995 với 61 điều luật quy định liên quan đến quyền SHTT và chuyển giao công nghệ. Theo đó, quyền SHTT lần đầu tiên được ghi nhận như là một quyền dân sự và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên BLDS năm 1995 chưa có các quy định cụ thể về thông tin bí mật,

thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Để tương thích với các quy định của luật pháp quốc tế khi Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế hội nhập, mở cửa thì Chính phủ theo nhiệm vụ, quyền hạn luật định đã ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể về các đối tượng mà BLDS chưa đề cập. Trong khoảng thời gian này lần lượt các Nghị định 63/1996/NĐ – CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về việc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ và Nghị định 06/2001/NĐ – CP sửa đổi Nghị định 63; Nghị định 54/2000/NĐ –CP quy định về việc bảo hộ bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN; Nghị định 13/2001/NĐ – CP về việc bảo hộ giống cây trồng mới được Chính phủ ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế thực thi quyền SHTT, từng bước tiếp cận các nội dung của TRIPs. Sau gần 10 năm tồn tại BLDS 1995 đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo hộ quyền SHTT, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền SHTT. Trong điều kiện thực tiễn đã thay đổi, BLDS 1995 đã được thay thế bằng BLDS 2005 (có hiệu lực 01/7/2006).

Đặc biệt ngày 29/11/2005 Quốc hội đã thông qua Luật SHTT (có hiệu lực ngày 01/7/2006) và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật SHTT ngày 19/6/2009 đã đánh dấu bước tiến dài trong việc xây dựng thể chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam. Cùng với đó, một loạt các Nghị định cũng đã được Chính phủ ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định của luật SHTT: Nghị định số 100/2006/NĐ – CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS, luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan; Nghị định 103/ 2006/NĐ – CP ngày 22/9/2006 về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN; Nghị định 104/ 2006/NĐ – CP ngày 22/9/2006 về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về quyền đối với giống cây trồng; Nghị định 104/ 2006/NĐ – CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT; Nghị định 106/ 2006/NĐ – CP ngày 22/9/2006 quy định về xử

phạt vi phạm hành chính về SHCN đã góp phần hoàn thiện thể chế thực thi quyền SHTT.

Hoạt động thực thi quyền SHTT ở Việt Nam thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan. Theo đó, các quy định về thực thi quyền SHTT cũng đã được sớm chể thế trong các luật chuyên ngành, trong các quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu trách: bộ luật TTDS 2004, Bộ luật TTHS 2003, BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), luật hải quan 2001 (sửa đổi, bổ sung 2005)…

Các văn bản pháp luật trên đây là cơ sở pháp lý quan trọng hình thành hệ thống pháp luật về SHTT ở Việt Nam; hoàn thiện và hài hòa các quy định của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế về thể chế thực thi quyền SHTT với quan điểm nhất quán “ Nhà nước Việt Nam công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với các đối tượng quyền SHTT, coi chính sách pháp luật về bảo hộ quyền SHTT là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài. Với mục tiêu xây dựng một hệ thống bảo hộ quyền SHTT đầy đủ, hiện đại và có hiệu quả nhằm thúc đẩy sáng tạo khoa học, công nghệ và kinh doanh của xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[36, 5].

1.2.1.2. Thể chế thực thi quyền SHTT ở In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái Lan

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 30)