Vị trí của quy định về thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 49)

Cũng như bất kỳ một lĩnh vực luật pháp nào khác, cùng với việc xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, tiến bộ thì việc có cơ chế để đảm bảo pháp luật được thi hành là yếu tố then chốt. Trong các nghĩa vụ mà TRIPs/WTO đặt ra cho các thành viên đó là phải tạo ra được khả năng khiếu kiện hiệu quả đối với mọi hành vi xâm phạm các loại quyền SHTT, kể cả việc áp dụng các biện pháp chế tài khẩn cấp nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và những biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn không để các hành vi xâm phạm tiếp diễn. Các thủ tục đó phải được áp dụng theo cách thức nhằm trách tạo ra các hàng rào cản trở hoạt động thương mại hợp pháp và nhằm quy định các biện pháp bảo đảm cho các thủ tục đó không bị lạm dụng.

Cần phải thấy rằng, quy định về thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật quốc gia đang ngày càng giữ một vị trí quan trọng. Sở dĩ có điều đó là vì tài sản SHTT có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia. Qua các giai đoạn phát triển khác nhau, tài sản SHTT trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết định tới sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia và của toàn xã hội. Tương xứng với tầm quan trọng đó thì pháp luật về SHTT nói chung và thực thi quyền SHTT nói riêng không ngừng được hoàn thiện nhằm bảo hộ thỏa đáng và khuyến khích sự phát triển của các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực này [11,14]. Tuy nhiên, vị trí của chế định về thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật của các quốc gia là không giống nhau.

Theo pháp luật Việt Nam chế định thực thi quyền SHTT được quy định ở nhiều các văn bản luật và văn bản dưới luật. Hệ thống này không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đặc biệt tại thời điểm Việt Nam đang chuẩn bị cho việc gia nhập WTO. Phần thứ VI, BLDS 2005 và luật SHTT 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống này. Theo thống kê cho đến nay, hệ thống quy định pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vấn đề SHTT có số lượng khá lớn, gồm: BLDS, BLHS, bộ luật TTDS, luật Doanh nghiệp, luật Cạnh tranh, luật Thương mại, luật Khiếu nại, tố cáo, luật Hải quan, luật SHTT; pháp lệnh về Giống cây trồng, pháp lệnh về Chất lượng hàng hóa, pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, pháp lệnh Thủ tục giải quyết

các vụ án hành chính; gần 60 Nghị định, Thông tư và Thông tư liên tịch, 05 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và hàng chục văn bản hướng dẫn của các bộ ngành…[8, 47].

Xác định vị trí quan trọng của quy định thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật, bên cạnh việc quy định khá đầy đủ các nội dung của quyền SHTT thì luật của các quốc gia In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan đều quy định khá chi tiết, cụ thể về hoạt động thực thi quyền SHTT của các cơ quan có thẩm quyền trong các luật chuyên ngành điều chỉnh các đối tượng cụ thể của quyền SHTT và các quy chế hoạt động của các cơ quan thực thi. Việc quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục của các cơ quan thực thi cho phép hoạt động của các cơ quan này diễn ra nhanh chóng, các quyết định được đưa ra đúng đắn, công bằng. Ví dụ trong quy định về biện pháp kiểm soát biên giới của lực lượng hải quan cho thấy có sự khác biệt về số lượng các điều luật giữa các quốc gia: Việt Nam chỉ dành 3 điều luật (điều 57-59 luật Hải quan 2001); Ma-lai-xi-a dành hẳn phần XIVA của đạo luật nhãn hiệu hàng hóa 1976 (sửa đổi 2002) để quy định về thẩm quyền kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu, luật Hải quan In-đô-nê-xi-a dành 10 điều (điều 54-64), luật Thương mại 1998 của Xin-ga-po dành gần 20 điều (điều 81- 100). Ví dụ trên cho thấy vị trí quy định thực thi quyền SHTT trong hệ thống pháp luật quốc gia được xác định không giống nhau.

Một phần của tài liệu Thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và pháp luật của một số quốc gia ở Đông Nam Á (Trang 49)